Sự khốc liệt đến từ đồng USD
Nếu nhìn vào hiệu suất đầu tư của các loại tài sản hàng đầu trong năm 2022 sẽ thấy, có rất ít nơi để các nhà đầu tư có thể ẩn náu một cách an toàn.Trong số hơn 35 tài sản trên khắp các thị trường phát triển và đang phát triển được JPMorgan theo dõi, chỉ có hai tài sản chính mang lại lợi nhuận tích cực. Đầu tiên là hàng hóa, vốn đã bị đẩy lên cao bởi các cú sốc giá xuất phát từ cuộc chiến giữa Nga và Ukraine. Tiếp đó là sự tăng giá nhanh chóng của đồng đô la Mỹ, như một quả bóng lăn qua các thị trường ngoại hối, khiến không ít đồng tiền của thị trường mới nổi phải chịu thiệt hại, mà phần lớn là ở các nền kinh tế tiên tiến.
Cụ thể, đồng yen Nhật đã giảm 25% trong năm nay xuống mức thấp nhất so với đồng USD kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998, làm dấy lên suy đoán rằng Tokyo sẽ can thiệp để nâng đỡ đồng tiền này. Hay đồng bảng Anh đã trượt xuống mức yếu nhất kể từ năm 1985, trong khi đồng Euro lần đầu tiên giảm xuống dưới mức tương đương với đồng bạc xanh kể từ năm 2002.
Thiệt hại còn vượt xa tại các thị trường tiền tệ. Nhiều quốc gia và công ty, đặc biệt là ở các nước đang phát triển vay bằng USD. Khi đồng tiền của Mỹ leo thang mạnh mẽ, chi phí trả nợ bằng USD từ các khoản thu bằng nội tệ tăng lên, dẫn đến thanh khoản bị siết chặt.
Một phần lý do khiến đồng USD tăng giá quá khốc liệt là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã nổi lên như một ngân hàng trung ương “diều hâu” nhất trong số các nền kinh tế lớn thế giới. Các đợt tăng lãi suất tích cực của Fed đã biến đồng bạc xanh trở thành đồng tiền có lợi suất cao. Lợi tức trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm ở mức 4%, cao hơn gấp đôi so với mức của Đức.
Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản cho sức mạnh của đồng USD là những vấn đề nghiêm trọng hơn mà các nền kinh tế lớn khác phải đối mặt. Như giới chuyên gia nhận định, USD được ví như “miếng vá gấm trên tấm áo rách”. Thực tế, nền kinh tế Mỹ đang ở trong tình thế bấp bênh. Áp lực lạm phát đè nặng trên diện rộng, lương tăng và thị trường lao động thắt chặt đang buộc Fed phải tăng lãi suất mạnh mẽ, khiến nhiều khả năng suy thoái toàn diện là cái giá phải trả để kiểm soát lạm phát.
Nhà kinh tế Nicholas Spiro tại công ty tư vấn kinh tế vĩ mô và bất động sản có trụ sở tại London đánh giá, hiện Mỹ vẫn đang phát triển tốt hơn các nước đồng cấp chính của mình, khi chi phí năng lượng tăng vọt do Nga “vũ khí hóa” nguồn cung cấp khí đốt đã ảnh hưởng nặng nề đến châu Âu, giáng một đòn mạnh vào hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng. Nền kinh tế Đức, một trong những nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể sẽ bắt đầu đi xuống trong quý này.
“Trong khi quyết định của Moscow trong tuần này là leo thang cuộc xâm lược Ukraine bằng cách kêu gọi 300.000 quân dự bị và tái đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, sẽ đưa cuộc xung đột sang một giai đoạn mới và nguy hiểm hơn. Khu vực đồng Euro có vẻ dễ bị tổn thương hơn so với một tuần trước.
Tại Trung Quốc, sự kết hợp “độc hại” giữa các chính sách tiềm ẩn những rắc rối cho Bắc Kinh và sự khủng hoảng niềm tin vào thị trường nhà ở đang đè nặng lên nền kinh tế nước này. Các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn đang bị loại bỏ do người tiêu dùng và doanh nghiệp ngần ngại đi vay, làm dấy lên lo ngại về bẫy thanh khoản”, vị chuyên gia phân tích.
Mới đây, Fitch Ratings đã đưa ra kỳ vọng Trung Quốc sẽ tăng trưởng chỉ 2,8% trong năm 2022, mạnh hơn một chút so với tốc độ trung bình của 20 nền kinh tế hàng đầu mà cơ quan này theo dõi.
Chính vì vậy, đồng USD tiếp tục được hưởng lợi từ vai trò của nó như một nơi trú ẩn trong thời điểm bất ổn. Các nhà đầu tư tìm kiếm nơi ẩn náu vào đồng tiền dự trữ thống trị của thế giới ngay cả khi chính Mỹ là nguồn gốc của tình trạng hỗn loạn. Điều này cho thấy, độ sâu, tính thanh khoản và độ an toàn tương đối của thị trường Hoa Kỳ dường như có thể vượt qua các rủi ro về chính trị và kinh tế trong nước.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự đặt cược một chiều. Nếu Fed buộc phải cắt giảm lãi suất – do Mỹ bước vào suy thoái hoặc do mối đe dọa hệ thống đối với nền kinh tế toàn cầu – thì đồng bạc xanh sẽ mất giá…. Ngay cả những dấu hiệu về việc Fed trở nên ôn hòa cũng sẽ đè nặng lên đồng tiền của Mỹ.
>> Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất: Chính sách tiền tệ bình thường hóa hậu đại dịch
Linh hoạt chính sách
Nhìn chung, với rủi ro ngày càng tăng trước hành động của các nền kinh tế phát triển, quốc gia nào cũng cần chuẩn bị cho một cú sốc từ bên ngoài sẽ giáng mạnh vào tình hình kinh tế nước mình. Thậm chí trong năm tới đây, có thể còn nhiều thách thức hơn nếu hoạt động xuất khẩu lao dốc và kinh tế trong nước trong tình trạng ảm đạm. Do đó, các thị trường sẽ cần tìm kiếm nhiều hơn những thay đổi chính sách để đưa sự phát triển theo con đường bền vững.
Trao đổi với phóng viên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, câu nói “Mỹ hắt hơi thế giới cũng cảm lạnh” đã đúng trong bối cảnh Fed tăng lãi suất, tác động đến chính sách tiền tệ của các quốc gia. Và để ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, hầu hết các nước phát triển đều đã tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chỉ có một vài quốc gia còn tìm cách duy trì lãi suất thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Trong đó, quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời điểm hiện tại là hợp lý. Với mức lãi suất điều hành tăng 1%, trần lãi suất tiền gửi cho đến 6 tháng lên tới 5%, sẽ đẩy lãi cho vay tăng lên từ 1-2%. Dù hành động này sẽ ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng của đất nước, tới hoạt động sản xuất kinh doanh,… nhưng về tổng thể, tác động của tăng lãi suất cơ bản là tích cực nhiều hơn tiêu cực.
“Song, thời điểm hiện tại cần một chính sách tiền tệ đủ “mạo hiểm” để vẫn hỗ trợ được tăng trưởng, ở mức độ rủi ro chấp nhận được. Điều này có thể làm được bằng cách nới trần tín dụng của năm 2022, ở mức khoảng 15-16% của cả nền kinh tế; tập trung vào một số ngân hàng có đủ năng lực, sức khoẻ tốt, và hướng dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên.
Không nên vừa siết tín dụng lại vừa tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động của doanh nghiệp và nền kinh tế. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam còn yếu, các kênh trái phiếu, chứng khoán gặp nhiều bê bối, gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế vẫn buộc phải được đặt trên vai các ngân hàng”, TS. Nguyên Trí Hiếu khuyến nghị.
Dự báo về tỷ giá của Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng, đến nay VND đã mất giá 3,8% so với USD và có thể mất giá thêm 1-2% từ nay tới cuối năm. Để tiếp tục giữ giá VND là rất khó và gây áp lực lớn lên chính sách tiền tệ.
Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ cũng không phải như một kho sẵn có, lúc nào thích thì bán ra mà tiền nằm rải rác tại các hợp đồng kinh tế. Ước tính, nếu muốn duy trì tỷ giá ở thời điểm hiện tại, có thể Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục bán ra khoảng 20 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Điều này có thể ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ. Vì vậy, ngay cả tăng lãi suất thì nên để tiền đồng mất giá thêm 1-2% từ nay tới cuối năm là phù hợp.