Trước yêu cầu của cơ quan quản lý về việc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, trước ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói hỗ trợ giảm lãi suất với quy mô lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đại diện VietinBank cho biết, ngân hàng tiếp tục triển khai bổ sung gói tín dụng ưu đãi lãi suất từ 4,0%/năm với quy mô 20.000 tỷ đồng đối với các khách hàng hoạt động trong ngành nghề, địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Các ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch được ưu tiên như: Dệt may, da giày, dược, vật tư y tế, thương mại phân phối, bán lẻ; lúa gạo, thủy sản, vật tư nông nghiệp; vận tải; hàng tiêu dùng thiết yếu…
Vietcombank cho biết, nếu tính từ đầu năm 2021, tổng lợi nhuận nhà băng này giảm để hỗ trợ cho khách hàng lên đến 7.000 tỷ đồng. Còn hiện tại, các khách hàng ở khu vực 19 tỉnh, thành phía Nam có thể được hưởng mức giảm lãi suất tối đa lên đến 1,5%.
Cùng với 2 ông lớn ngân hàng nêu trên, Agribank và BIDV cũng đã nhanh chóng đưa thông báo về việc sẽ áp dụng các chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tại 19 tỉnh, thành phía Nam với mức giảm từ 0,5-1,5%.
Một số ngân hàng khác cũng tham gia giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, đặc biệt là các ngân hàng thuộc khu vực phía Nam như Kienlongbank, HDBank, ACB…Đáng chú ý hơn cả là Sacombank đã triển khai nguồn vốn ưu đãi 10.000 tỷ đồng với lãi suất từ 4%/năm, thời hạn vay tối đa 6 tháng dành cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thời gian áp dụng từ ngày 18/6/2021 đến hết ngày 31/12/2021 hoặc khi hết nguồn tùy điều kiện nào đến trước.
Có thể thấy, các ngân hàng đang thể hiện vai trò xã hội với doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế. Tuy nhiên, một số ý kiến của doanh nghiệp, chuyên gia vẫn cho rằng, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần đi vào thực chất hơn, không chỉ từ việc giảm lãi suất cho mốt số dư nợ hiện hữu.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh rằng: Giảm lãi suất là tốt nhưng cần quan tâm đến 2 vấn đế. Một là, đồng thời thực hiện cả việc giảm đối với lãi suất cho vay và giãn, hoãn nợ cho người vay. Thứ 2, điều quan trọng nhất là phải cho doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng.
“Vấn đề trong khó khăn là các doanh nghiệp có tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng hay không chứ không hẳn là lãi suất. Nếu họ đã có tình hình tài chính tốt, vay trả đúng hạn thì nhiều khả năng đã được ưu tiên giảm lãi suất rồi vì ngân hàng đang có điều kiện đầu vào thấp. Tuy nhiên, vấn đề là đa số doanh nghiệp đang gặp khó khăn, vì vậy giảm lãi suất cho khoản vay cũ là một phần, quan trọng hơn nhiều là có tiếp tục được vay để tồn tại hay không”, ông Thành nói.
Để đảm bảo cho việc giảm lãi suất thực chất, cũng như việc tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp của các doanh nghiệp, NHNN cho biết sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các NHTM, đảm bảo từ nay đến cuối năm các cam kết được thực hiện.
“Hy vọng rằng dịch bệnh sớm kết thúc và việc khôi phục nền kinh tế thông qua tăng cường nguồn lực cho doanh nghiệp để phục hồi kinh doanh, sản xuất sẽ là vấn đề mà NHNN ưu tiên trong thời gian tới”, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nói.