Thực hiện 6.716 cuộc thanh tra, kiểm tra trong quý I/2021
Trong quý I/2021, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ khẩn trương hoàn thiện và lưu hành kết luận thanh tra, kiểm tra của các cuộc thanh tra thực hiện trong năm 2020 chuyển sang.
Đồng thời, chủ động tổ chức chuẩn bị đề cương kế hoạch, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nghiệp vụ để triển khai công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch năm 2021 đã được phê duyệt.
Nội dung thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề quản lý của ngành, phục vụ cho công tác quản lý điều hành của Bộ Tài chính.
Nhờ đó, quý I/2021, Thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 6.716 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 79.868 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế và qua điều tra chống buôn lậu bắt giữ 1.770 vụ.
Thanh tra Bộ cũng đã kiến nghị xử lý về tài chính 12.054,935 tỷ đồng (trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 2.228 tỷ đồng, kiến nghị khác gần 9.827 tỷ đồng, xử phạt vi phạm hành chính trên 399 tỷ đồng); số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước trên 814 tỷ đồng.
Qua thanh tra, đã kiến nghị yêu cầu rà soát đôn đốc thu hồi nợ thuế và thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp có vi phạm; chấn chỉnh công tác quản lý vốn đầu tư xây dựng, công tác khảo sát, thiết kế, dự toán, công tác đấu thầu và các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án…
Thanh tra ngành Tài chính cũng đã kiến nghị với các Bộ, ngành, địa phương bổ sung các quy trình, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý, điều hành, cơ chế chính sách đảm bảo đúng pháp luật và phù hợp với thực tế.
Đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm
Để nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2021 đã được phê duyệt; đồng thời đảm bảo lực lượng dự phòng đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Các cuộc thanh tra đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Thanh tra.
Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình, thường xuyên báo cáo và đề xuất các phương án xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra; Tập trung ban hành kết luận các cuộc thanh tra đã kết thúc đảm bảo thời gian và chất lượng theo quy định.
Thanh tra ngành Tài chính cũng sẽ tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ Ngành và giữa Bộ Tài chính với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, Ngân hàng Nhà nước… nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, đặc biệt trong lĩnh vực thuế (hành vi gian lận để chiếm đoạt tiền thuế, trốn thuế…) và các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, ma túy và các chất gây nghiện.
Cùng với đó là tiếp tục chú trọng thực hiện chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn Ngành. Tăng cường đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý rủi ro và các phần mềm phân tích, phân loại đối tượng nộp thuế, kê khai hải quan theo mức độ rủi ro nhằm kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm mới của đối tượng. Qua đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để chống các hành vi gian lận; hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý thông tin phục vụ thanh tra, kiểm tra ngành Tài chính.
Để công tác thanh tra, kiểm tra thực sự hiệu quả, thanh tra ngành Tài chính cũng sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ thanh tra, kiểm tra trong sạch, vững mạnh để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sâu và có kỹ năng thanh tra, kiểm tra để đảm bảo lực lượng thanh tra là lực lượng đi đầu trong việc ngăn chặn, phát hiện và xử lý các sai phạm trong ngành Tài chính.