Kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế

0
142

Sáng ngày 9/6, phát biểu kết thúc nội dung chất vấn đối với lĩnh vực Ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi đã bám sát nội dung chất vấn, tập trung nhiều ý kiến, tâm huyết, trách nhiệm, đi thẳng vào vấn đề và gợi mở nhiều giải pháp quan trọng. Phần trả lời chất vấn về lĩnh vực ngân hàng của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 57 bản đăng ký chất vấn của đại biểu Quốc hội, trong chiều ngày 8/6 và sáng ngày 9/6 đã có 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn, 5 đại biểu tranh luận trực tiếp. 

Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực Ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đã chuẩn bị kỹ lưỡng và nắm chắc các vấn đề thuộc chức năng quản lý trả lời thẳng vào vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đối với các vấn đề còn bất cập, hạn chế, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã có giải trình đầy đủ, đề xuất các giải pháp tiếp tục khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

Tham gia trả lời, giải trình đối với lĩnh vực ngân hàng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã làm rõ thêm một số vấn đề được đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước quan tâm. 

Trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế thời gian qua, để phát triển ngành Ngân hàng lành mạnh, bền vững, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội, Nghị quyết số 11/NQ-CP về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phấn đấu tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Tổ chức triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025, phát triển hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng trong nước đóng vai trò chủ lực, hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch, đáp ứng các chuẩn mực về an toàn và các hoạt động ngân hàng và tiệm cận thông lệ quốc tế, phấn đấu đạt trình độ phát triển của nhóm nước dẫn đầu khu vực ASEAN năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tình trạng sở hữu chéo và sử dụng có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Do vậy, đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tăng cường năng lực, hiệu lực trong công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao; Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật số, đẩy mạnh ứng dụng Fintech, công nghệ tài chính trong lĩnh vực này. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh, đến năm 2025 đưa nợ xấu toàn hệ thống bao gồm nợ xấu đã bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu ở mức dưới 3%.

Đồng thời, xây dựng tiêu chí phân tích chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng, đảm bảo thống nhất, công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính, quản trị, điều hành và khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng. Nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay.

Có kế hoạch và giải pháp mở rộng quy mô, tăng nhanh tỷ trọng các dịch vụ ngân hàng có giá trị gia tăng cao, phi tín dụng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Nghiên cứu, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng bảo đảm chặt chẽ, đồng thời nâng cao yêu cầu, chuẩn mực quản trị của các tổ chức tín dụng nhằm góp phần bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, đơn giản quy trình, thủ tục vay vốn, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phục vụ sản xuất kinh doanh, nhu cầu đời sống tiêu dùng chính đáng, góp phần hạn chế tín dụng đen, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan chức năng triển khai mở rộng, cho phép các ngân hàng kết nối, khai thác thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, khai thác thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip, hạn chế các hành vi gian lận mạo danh, làm giả giấy tờ tùy thân khi thực hiện giao dịch ngân hàng điện tử. Đồng thời, phối hợp đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng, hiện tượng mua bán tài khoản ngân hàng trên không gian mạng…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTháng 5, chứng khoán phái sinh ghi thêm nhiều kỷ lục mới
Bài tiếp theoCơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây