“Trái phiếu bền vững đang tăng trưởng rất nhanh”
Tổng giám đốc FiinRatings Nguyễn Quang Thuân cho biết như vậy tại hội thảo Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng bằng 0: Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp, diễn ra sáng 11/10. Cụ thể, ông Thuân cho biết, tính đến cuối tháng 6/2022, thị trường trái phiếu bền vững toàn cầu đạt quy mô 3,3 nghìn tỷ USD, tăng gấp ba lần so với thời điểm cuối năm 2019. Sau châu Âu, khu vực ASEAN+3 chiếm 15,3% tổng số trái phiếu bền vững đang lưu hành trên toàn cầu.
Nhìn chung, thị trường trái phiếu bền vững trong khu vực đã có sự đa dạng hóa về các loại trái phiếu khác nhau. Quý II/2022, khu vực tư nhân chiếm 89% tổng lượng phát hành trái phiếu bền vững trong ASEAN+3, trong đó các tổ chức tài chính chiếm tỷ trọng lớn nhất ở mức 45,1%.
Riêng về trái phiếu xanh, ngành tài chính chiếm cơ cấu lớn nhất, sau đó đến ngành tiện ích, công nghiệp và bất động sản.
Không những tăng về quy mô mà chất lượng trái phiếu xanh cũng đa dạng hơn, không chỉ có trái phiếu xếp hạng rất cao (AAA và AA) mà cả trái phiếu A và BBB.
Thực tế cho thấy, trái phiếu bền vững nói chung và trái phiếu xanh là xu hướng lớn của thị trường vốn trên thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã có cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần tận dụng cơ hội này để huy động vốn cho phát triển kinh tế và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Cách nào để huy động vốn trái phiếu xanh?
Thực tế, rất nhiều ngành và lĩnh vực có tiềm năng xanh của Việt Nam cần đa dạng nguồn vốn ngoài tín dụng ngân hàng, bao gồm các ngành năng lượng tái tạo, nước sạch, rác thải, vật liệu, công nghiệp….
Thống kê của FiinRatings cho biết, với Quy hoạch điện VIII, dự kiến cần khoảng 100 tỷ USD cho 10 năm tới để phát triển năng lượng tái tạo, mà hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng, buộc phải huy động trái phiếu xanh quốc tế. Tương tự, ngành nước cần tới 6 tỷ USD, và không thể chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng. Chúng ta không thể không đi theo hướng huy động vốn bằng trái phiếu xanh, Tổng giám đốc FiinGroup Nguyễn Quang Thuân khẳng định.
Hiện, có nhiều chương trình để huy động vốn trái phiếu xanh quốc tế, như Tiêu chuẩn Trái phiếu khí hậu (CBI), ASEAN…
Trong đó, CBI là chứng nhận duy nhất được sử dụng rộng rãi trên 30 quốc gia. Dấu Chứng nhận Trái phiếu khí hậu “Certification Mark” được sử dụng để chỉ định trái phiếu xanh, các khoản cho vay xanh, và công cụ nợ xanh đã được chứng nhận.
Trên toàn cầu, tính đến ngày 31/12/2021, trái phiếu được chứng nhận đã đạt tới 210 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025 giá trị trái phiếu xanh được xác nhận mới vào khoảng 5.000 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, có 5 lợi ích chính cho các tổ chức phát hành theo CBI. Đầu tiên và quan trọng hàng đầu là tối ưu về chi phí vốn (lãi suất và kỳ hạn vay). Thông thường, trái phiếu xanh có kỳ hạn dài. Khi đạt tiêu chí xanh, nhà đầu tư chấp nhận tài trợ và đầu tư lâu dài, điều mà các ngân hàng thương mại không có khả năng. Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ giảm áp lực thanh khoản ngắn hạn.
Bên cạnh đó, các tổ chức phát hành còn đa dạng hóa cơ sở đầu tư; có nhãn hiệu mạnh; nâng cao danh tiếng; dễ dàng tìm kiếm hơn bởi chứng nhận cho phép các nhà đầu tư tiềm năng nhanh chóng tìm thấy trái phiếu khí hậu/trái phiếu xanh đáng tin cậy trên thị trường.
Để huy động vốn trái phiếu xanh quốc tế, doanh nghiệp cần tìm kiếm chương trình phù hợp và xác nhận trái phiếu xanh. Chi phí này không lớn và hiện FiinRatings đang cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ doanh nghiệp Go Green trong chiến lược huy động vốn.
Mặt khác, hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đang trong quá trình xây dựng và ban hành tiêu chí xanh cho Việt Nam, với các tiêu chí cụ thể và chính sách hỗ trợ. Các chuyên gia khuyến cáo, doanh nghiệp cần theo dõi và đón chờ các chính sách mới được triển khai, tối đa hóa lợi ích từ các chương trình này.
Quy trình xác nhận chứng chỉ CBI
Bước 1: Tổ chức phát hành bắt đầu với việc chuẩn bị trái phiếu. Theo đó, sẽ xác định tài sản đáp ứng được tiêu chí ngành liên quan và biên soạn thông tin hỗ trợ; thiết lập khung trái phiếu xanh quy định nguồn vốn thu được từ phát hành sẽ được sử dụng như thế nào, kiểm soát nội bộ của tổ chức phát hành.
Bước 2: Thuê một tổ chức xác minh.
Bước 3: Xin chứng nhận và phát hành trái phiếu khí hậu khi được chứng nhận. Tổ chức phát hành sẽ nộp báo cáo của Tổ chức xác minh và mẫu thông tin cho Tổ chức Sáng kiến trái phiếu khí hậu CBI; nhận quyết định về chứng nhận trước khi phát hành; phát hành trái phiếu, sử dụng nhãn Trái phiếu khí hậu được chứng nhận.
Bước 4: Xác nhận chứng nhận sau phát hành. Trong vòng 24 tháng kể từ ngày phát hành, nộp báo cáo sau phát hành của Tổ chức xác minh; nhận thông báo về chứng nhận sau phát hành
Bước 5: Báo cáo hàng năm trong kỳ hạn của trái phiếu, cung cấp báo cáo cho các trái chủ và CBI, đồng thời cập nhật thông tin trái phiếu.