Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa đẩy mạnh xây dựng kho bạc số

0
112

Triển khai có hiệu quả chương trình hiện đại hóa của Ngành

Hướng tới mục tiêu đem đến nhiều thuận lợi hơn nữa trong các hoạt động nghiệp vụ, giúp giảm áp lực công việc cho công chức kho bạc cũng như để tạo thuận lợi cho các đơn vị giao dịch, trong thời gian qua, KBNN Khánh Hòa đã triển khai có hiệu quả các đề án, chương trình hiện đại hóa của Ngành.

Trong công tác thu ngân sách nhà nước (NSNN), triển khai Dự án hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa Thuế – Hải quan – KBNN, KBNN Khánh Hòa đã mở rộng ủy nhiệm thu và phối hợp thu NSNN với 10 ngân hàng thương mại cổ phần.

Nhờ đó, việc truyền dữ liệu điện tử từ cơ quan kho bạc sang cơ quan Thuế, Tài chính, Hải quan kịp thời, chính xác. Bên cạnh đó, để tập trung nhanh nguồn thu, KBNN Khánh Hòa thực hiện mở tài khoản thanh toán ngoại tệ USD tại Vietcombank Khánh Hòa; bổ sung thu qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; thu qua Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng dịch vụ công cấp bộ, tỉnh; triển khai diện rộng truyền nhận thông tin hoàn trả NSNN điện tử giữa cơ quan Thuế và KBNN…

Đối với kiểm soát chi NSNN, KBNN Khánh Hòa thực hiện đổi mới phương thức kiểm soát chi theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm gắn với việc phân cấp, giao trách nhiệm giải trình cho đơn vị sử dụng ngân sách. Qua đó, rút ngắn được thời gian thanh toán vốn từ 4 ngày xuống còn 1 ngày với khoản tạm ứng và 80% khoản thanh toán khối lượng hoàn thành theo hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau theo đúng quy trình quy định.

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến và thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ, KBNN Khánh Hòa triển khai chuẩn kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các cơ quan, tổ chức vào hệ thống Dịch vụ công trực tuyến KBNN. Đây là cơ sở để các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách có thể kết nối, tích hợp dữ liệu trực tiếp từ phần mềm ứng dụng của đơn vị vào hệ thống Dịch vụ công trực tuyến, giúp giảm thiểu việc nhập, xử lý dữ liệu trùng lặp nhiều lần.

Từ những giải pháp đổi mới trên đã góp phần tăng cường trải nghiệm của người dùng, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của KBNN, đồng thời giảm tải cho hệ thống Dịch vụ công trực tuyến KBNN. Kết quả ghi nhận được là KBNN Khánh Hòa xử lý được số lượng chứng từ chi NSNN qua dịch vụ công trực tuyến trung bình từ 4.200 đến 4.500 chứng từ/ngày, những ngày cao điểm từ 5.000 đến 5.500 chứng từ/ngày.

Đến nay, 100% đơn vị sử dụng ngân sách đã cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ chứng từ trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của KBNN.

Hướng tới mục tiêu trở thành kho bạc số

Việc thực hiện chuyển đổi số trong hệ thống KBNN hướng tới việc cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn cho người dân, doanh nghiệp, đối tượng sử dụng ngân sách có giao dịch với KBNN. Theo đó, đối với việc thu ngân sách, người nộp thuế có thể sử dụng nhiều phương thức thanh toán điện tử của ngân hàng để nộp trực tiếp vào tài khoản của kho bạc, không thực hiện nộp tiền mặt. Đối với chi ngân sách, các đơn vị sử dụng ngân sách sẽ gửi hồ sơ thông qua phương thức điện tử thay cho phương thức thủ công hiện nay là đến tận trụ sở kho bạc để nộp hồ sơ.

Quyết tâm cùng hệ thống KBNN thực hiện mục tiêu trở thành kho bạc số, KBNN Khánh Hòa đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức các đơn vị, tổ chức, cá nhân có giao dịch với Kho bạc về định hướng, bước đi, mục tiêu đề ra để nâng cao nhận thức, chủ động tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng, trang bị kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực hiện kho bạc số.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt liên thông các ứng dụng nghiệp vụ (Dịch vụ công trực tuyến – Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc – Thanh toán song phương điện tử – Chương trình kiểm soát thanh toán vốn đầu tư qua KBNN; tiếp thu ý kiến góp ý của các đơn vị, tổ chức, cá nhân giao dịch với kho bạc và phản hồi kịp thời để KBNN hoàn thiện liên thông dữ liệu số.

Qua đó, KBNN mở rộng kết nối với hệ thống công nghệ thông tin của các bộ, ngành, các đơn vị có liên quan trong kiến trúc tổng thể về Chính phủ số; hoàn thiện các hệ thống và giải pháp an toàn bảo mật, dự phòng rủi ro, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin luôn được vận hành an toàn, ổn định, thông suốt trong mọi tình huống.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcRút ngắn hơn nữa thời gian thông quan xăng dầu nhập khẩu
Bài tiếp theoADB thu xếp gói tín dụng biến đổi khí hậu 135 triệu USD cho VinFast

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây