Kho bạc Nhà nước Hải Phòng: Lợi ích đạt được từ triển khai thành công “Kho bạc không tiền mặt”

0
123

Xây dựng chi tiết lộ trình triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt

Theo Lãnh đạo KBNN Hải Phòng, để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), Ban Chấp hành Đảng bộ KBNN Hải Phòng đã ban hành nghị quyết đề ra 2 quan điểm và 4 mục tiêu nhằm quán triệt đến toàn thể công chức trong đơn vị thực hiện 10 biện pháp chủ yếu để thực hiện Đề án.

Trên cơ sở nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ KBNN Hải Phòng, Ban lãnh đạo KBNN Hải Phòng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng nghiệp vụ, KBNN trực thuộc, phân công chi tiết, thời hạn thực hiện và trách nhiệm của từng cá nhân trong việc triển khai thực hiện đề án; trao đổi, thảo luận với các cơ quan thu, cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, các ngân hàng thương mại (NHTM); tạo sự đồng thuận của các đơn vị sử dụng ngân sách; xây dựng phương án cụ thể để trao đổi, vận động, thuyết phục người dân, doanh nghiệp và các đơn vị nộp tiền mặt tại các NHTM nơi KBNN Hải Phòng mở tài khoản…

KBNN Hải Phòng xây dựng kịch bản triển khai thí điểm tại cơ quan KBNN Hải Phòng và ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam chi nhánh Đông Hải Phòng (từ ngày 4/5/2022 đến 14/5/2022), từ đó rút kinh nghiệm triển khai diện rộng cho các đơn vị trực thuộc. Đồng thời, KBNN Hải Phòng cũng tổ chức ký thỏa thuận ủy quyền thu tiền mặt và thu phạt vi phạm hành chính với 13 hệ thống NHTM trên địa bàn, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng bên, nguyên tắc phối hợp xử lý công việc để tạo điều kiện tốt nhất cho khách hàng thực hiện giao dịch bằng tiền mặt tại ngân hàng.

KBNN Hải Phòng tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ của các NHTM về công tác thu NSNN, thanh toán song phương trên cổng dịch vụ công, trên hệ thống thu NSNN của Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan; thành lập các nhóm hỗ trợ trực tiếp phối hợp cùng với các NHTM để xử lý các vướng mắc phát sinh hàng ngày. Đặc biệt, KBNN Hải Phòng phân công công chức trực tại cổng cơ quan trao đổi, vận động, thuyết phục người dân, doanh nghiệp khi đến giao dịch bằng tiền mặt tại KBNN Hải Phòng và các KBNN quận, huyện; trực tiếp đưa khách hàng sang NHTM để hướng dẫn thực hiện giao dịch thu chi tiền mặt. Tổ chức tuyên truyền mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin đại chúng để từ đó người dân và doanh nghiệp hiểu và tự hình thành được thói quen không dùng tiền mặt.

Lợi ích đạt được khi triển khai thành công Đề án thanh toán không dùng tiền mặt

Với việc xây dựng chi tiết lộ trình, giải pháp triển khai Đề án TTKDTM, KBNN Hải Phòng là đơn vị đầu tiên trong toàn hệ thống KBNN đạt được mục tiêu “Kho bạc không tiền mặt”. Kết quả này không chỉ tạo tiền đề để đơn vị xây dựng thành công mô hình kho bạc 3 không (không giao dịch bằng tiền mặt-không khách hàng đến giao dịch-không chứng từ giấy), mà còn giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuận lợi hơn trong thu nộp NSNN.

Việc triển khai thành công Đề án TTKDTM của KBNN tại KBNN Hải Phòng tạo tiền đề tiết kiệm kinh phí hoạt động của đơn vị trong thời gian tới. Theo ước tính, số kinh phí tiết kiệm được trong 1 năm là hơn 2 tỷ đồng do cắt giảm được các chi phí như: tiền làm thêm giờ, tiền thuê bảo vệ ban ngày; chi phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị kho quỹ; vật tư, văn phòng phẩm; phụ cấp độc hại, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ kho quỹ… Hơn nữa, việc không còn tiền mặt trong kho sẽ giảm rủi ro thất thoát tiền mặt tại các kho bạc quận, huyện.

Bên cạnh đó, theo KBNN Hải Phòng, đơn vị đã thực hiện thí điểm thành công việc thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung. Từ ngày 4/7/2022 đến hết ngày 11/8/2022, tổng số lệnh liên thông đi thanh toán liên ngân hàng (TTLNH) là 6.799 lệnh, chiếm 94% tổng số lệnh thanh toán đi ngân hàng. Tổng số lệnh liên thông đến TTLNH là 1.446 lệnh. Trong đó, số lệnh liên thông đến TTLNH chuyển sang tài khoản chờ xử lý trong TTLNH là 280 món. Với các kết quả này, KBNN Hải Phòng là 1 trong 5 đơn vị được KBNN chọn thực hiện thí điểm thanh toán điện tử với ngân hàng theo mô hình tập trung đợt 2.

Thời gian tới, KBNN Hải Phòng tiếp tục tăng cường vận động người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ tiện ích của NHTM và các công cụ thanh toán… để nộp NSNN được thuận lợi; Mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ nhà nước của KBNN Hải Phòng tại các hệ thống NHTM; Phối hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan và các NHTM, các sở, ngành triển khai thu NSNN theo mã định danh khoản thu, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động TTKDTM và giảm thiểu rủi ro trong hoạt động thanh toán qua hệ thống KBNN; Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh TTKDTM…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước“Giải tỏa” cơn khát vốn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Bài tiếp theoPhát triển nhà ở phục vụ tái định cư để xây lại chung cư cũ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây