Tỷ lệ giải ngân ở nhiều địa phương còn thấp
Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước (NSNN) được Quốc hội giao cho các địa phương trong năm 2021 là 369.413,166 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương là 255.300 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương (NSTW) hỗ trợ địa phương đầu tư theo ngành lĩnh vực là 98.113,166 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu quốc gia là 16.000 tỷ đồng.
Tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 về giao kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ 353.413,166 tỷ đồng (gồm toàn bộ vốn ngân sách địa phương và vốn NSTW) cho 63 địa phương, đồng thời giao các địa phương phân bổ chi tiết danh mục và mức vốn của từng dự án.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC), KBNN các cấp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư dự án triển khai đồng bộ nhiều giải pháp; thường xuyên bám sát các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính và địa phương để thực hiện kiểm soát thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định. Định kỳ 1 tháng 1 lần, KBNN cấp tỉnh, cấp huyện tổng hợp kết quả giải ngân, báo cáo những khó khăn, vướng mắc, tham mưu với UBND cùng cấp để có giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2021.
Ngoài ra, để tạo thuận lợi trong việc thanh toán vốn đầu tư, ngoài việc cải cách hành chính, giảm bớt các thủ tục không cần thiết, KBNN các cấp đã đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, tạo điều kiện thuận tiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách trong quá trình lập hồ sơ thanh toán…
Tuy nhiên, vốn đầu tư thuộc kế hoạch năm 2021 giải ngân qua KBNN 6 tháng đầu năm 2021 chỉ đạt 30,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không bao gồm nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia), thấp hơn 3,8% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt thấp; trong đó, 37/50 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, thậm chí có cơ quan chưa giải ngân vốn ĐTC.
Nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn ĐTC thấp chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc thi công công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với các dự án khởi công mới và các gói thầu mới, chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán…
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021
Thực tế cho thấy, dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại với tốc độ lây lan nhanh, tại nhiều địa phương, thực hiện công tác phòng, chống dịch, nhiều công trình xây dựng phải tạm ngừng thi công. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới tiến độ giải ngân vốn ĐTC.
Trước tình hình đó, KBNN kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương sớm phân bổ số kế hoạch vốn năm 2021 còn lại chi tiết đến từng chủ đầu tư, từng dự án và nhập dự toán trên Hệ thống Quản lý NSNN (TABMIS) để KBNN các cấp kịp thời giải ngân cho các dự án. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn các chủ đầu tư khẩn trương triển khai thực hiện dự án đã được giao kế hoạch vốn năm 2021 có khối lượng hoàn thành và kịp thời lập hồ sơ thanh toán để KBNN giải ngân …
Nguyên nhân khiến việc giải ngân vốn đầu tư công thấp chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp, việc thi công công trình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với các dự án khởi công mới và các gói thầu mới, chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn đang trong quá trình đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, đàm phán ký kết hợp đồng rồi mới tiến hành thi công xây dựng nên chưa có hồ sơ gửi kho bạc để tạm ứng hoặc thanh toán…
Ngày 14/7/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 7747/BTC-KHTC về việc thực hiện quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn ĐTC năm 2021. Triển khai ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính tại Công văn số 7747/BTC-KHTC, KBNN đã yêu cầu lãnh đạo KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các đơn vị dự toán thuộc KBNN quán triệt tới các đơn vị trực thuộc và cá nhân liên quan triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn ĐTC và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022; Kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.
Theo đó, các KBNN địa phương cần tập trung đôn đốc, tháo gỡ và khắc phục những khó khăn, đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn. Đối với nhóm dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 vẫn còn tồn đọng quyết toán và kế hoạch vốn chưa giải ngân, các KBNN địa phương phải yêu cầu chủ đầu tư khẩn trương liên hệ với nhà thầu để thanh toán công nợ theo quy định (đối với dự án đã phê duyệt quyết toán); Hoàn tất thủ tục lập, trình phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án đã hoàn thành từ trước ngày 31/12/2020 để phê duyệt trước 30/9/2021.
KBNN cũng yêu cầu các đơn vị KBNN địa phương đôn đốc đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện báo cáo nhanh hàng tuần về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân vốn ĐTC, chi ứng dụng công nghệ thông tin và mua sắm tài sản năm 2021 của đơn vị mình với các nội dung chủ yếu sau: Tiến độ giải ngân các nội dung; tỷ lệ giải ngân trong tuần; lũy kế giải ngân đến thời điểm báo cáo; các nội dung chậm tiến độ so với báo cáo kỳ trước, nguyên nhân, lý do; đề xuất, kiến nghị…
Ngoài ra, KBNN cũng đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân của đơn vị theo tiến độ đề ra; kiên quyết chống trì trệ, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực trong ĐTC và các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ hợp đồng.
(*) ThS. Vũ Thị Kim Thanh.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2021.