Huy động, sử dụng vốn vay hiệu quả theo Chiến lược nợ công đến năm 2030

0
131

Tham dự Hội nghị còn có đại diện các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Quốc hội, UBND và Sở Tài chính các địa phương, đại diện tổ chức quốc tế WB, IMF, các doanh nghiệp và các ngân hàng thương mại.

Tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, để góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14/4/2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là một trong 8 chiến lược nhánh trong tổng thể hệ thống chiến lược ngành Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, là cơ sở quan trọng tiếp tục cải cách công tác quản lý nợ công bền vững, hiệu quả, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia.

Chiến lược nợ công được xây dựng trên cơ sở Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, các chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đã đặt ra một số chỉ tiêu cân đối lớn như: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; phấn đấu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP.

Việc xây dựng Chiến lược nợ công đã kế thừa vai trò tích cực của chính sách quản lý nợ công giai đoạn vừa qua, góp phần tăng cường ổn định vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội, tăng cường kỷ luật kỷ cương tài chính – ngân sách nhà nước.

Đến nay, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực trong quản lý nợ công. Cụ thể, tốc độ tăng nợ công đã giảm từ mức bình quân 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống bình quân còn khoảng 6,7%/năm giai đoạn 2016-2020; dư nợ công đến cuối năm 2020 ở mức 55,9% GDP chưa đánh giá lại (giảm mạnh so với đỉnh nợ 63,7% GDP vào năm 2016). Tính đến cuối năm 2021, nợ công ở mức 43,1% GDP (đánh giá lại). Cơ cấu vay nợ trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn (tỷ lệ nợ nước ngoài giảm từ 61% so với tổng nợ Chính phủ năm 2011 xuống còn 33% năm 2021); việc trả nợ luôn đảm bảo đúng hạn, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, tăng dư địa chính sách tài khóa để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế trước cú sốc vĩ mô.

Bên cạnh đó, Chiến lược đã đề ra một số quan điểm chủ đạo và mục tiêu chủ yếu trong quản lý nợ công. Về quan điểm, Chiến lược nợ bám sát Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; tăng cường quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, nợ công theo kế hoạch trung hạn; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; đảm bảo khả năng trả nợ, chủ động cơ cấu lại danh mục nợ và tăng cường chuyển đổi số trong quản lý nợ công. Về mục tiêu, phấn đấu tới năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Ngoài ra, Chiến lược nợ công cũng đề ra 06 định hướng lớn trong việc huy động và sử dụng vốn vay, 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện như: tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; tổ chức thực hiện các công cụ, biện pháp quản lý nợ hiện đại; thực hiện huy động, quản lý và sử dụng nợ hiệu quả; phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn trong nước; quản lý nghĩa vụ nợ dự phòng; tổ chức bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và minh bạch hóa thông tin.

Huy động, sử dụng vốn vay hiệu quả

Phát biểu tại Hội nghị, bà Carolyn Turk – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá cao Bộ Tài chính đã chỉ đạo xây dựng Chiến lược nợ công đến năm 2030. Theo bà Carolyn Turk, Chiến lược nợ công đến năm 2030 là một chương trình rất tham vọng liên quan đến cả chính sách tài khóa cũng như quản lý nợ, trong đó xác định ra khung tài khóa tổng thể thông qua các hạn mức nợ và ngân sách, đồng thời hướng dẫn và định hướng cho các hoạt động chi tiêu vay nợ của Chính phủ. Sau khi trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình và sau này với mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi nhu cầu đầu tư hạ tầng rất lớn để duy trì tăng trưởng kinh tế với tốc độ tăng bình quân từ 5-6 % trong 20 năm tới.

Cũng tại Hội nghị, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, trong điều kiện Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện vay IDA của WB và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, Việt Nam sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường và càng đòi hỏi phải hoạch định chiến lược vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt để hạn chế những hệ quả tiêu cực lâu dài. Đại dịch COVID-19 đặt ra yêu cầu luôn sẵn sàng huy động tài chính dự phòng trong ngắn hạn và trung hạn.

Theo ông Trương Hùng Long, chiến lược nợ công đi vào cuộc sống, được triển khai một cách có hiệu quả thì việc thực hiện mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Chiến lược nợ công đến năm 2030 phải được nghiên cứu, quán triệt đầy đủ và cần được cụ thể hóa bằng kế hoạch chi tiết đối với từng mục tiêu, phân công nhiệm vụ cụ thể tại từng cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức thực hiện các giải pháp huy động, quản lý và sử dụng vốn vay nợ công để triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030 một cách hiệu quả, thiết thực.

Hội nghị lần này là diễn đàn để đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thảo luận, nhất là việc huy động, sử dụng vốn vay của cơ quan, tổ chức trong bối cảnh triển khai Chiến lược nợ công đến năm 2030. Đồng thời, lắng nghe ý kiến đầy tâm huyết của các chuyên gia quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về quản lý nợ công và các khuyến nghị cho Việt Nam, nhằm triển khai Chiến lược hiệu quả, có tính thực tiễn cao và phù hợp với thông lệ tốt của quốc tế.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBộ Tài chính gặp mặt các cơ quan thông tấn, báo chí nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam
Bài tiếp theoGiải pháp nào đưa hoạt động môi giới bất động sản đi vào nề nếp?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây