Huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam

0
168

Thực trạng huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) của Việt Nam tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện, từng bước xây dựng cơ sở hành lang pháp lý cho hoạt động huy động nguồn lực tài chính cho ứng phó với BĐKH.

Đặc biệt là Nghị quyết số24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/01/2014 của Chính phủ đã đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp về tài chính đóng vai trò quan trọng nhằm tạo ra nguồn lực cả trực tiếp và gián tiếp để các cấp, các ngành, các đối tượng liên quan có điều kiện triển khai được các nhiệm vụ.

Theo đó, các nguồn tài chính có thể huy động cho ứng phó với BĐKH ở Việt Nam, bao gồm: (i) Nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, ODA; (ii) Các nguồn quỹ hỗ trợ ứng phó với BĐKH trong nước và quốc tế; (iii) Vốn đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI); (iv) Đầu tư của các cá nhân, hộ gia đình.

Trong số đó, ngân sách trung ương và địa phương, bao gồm cả ODA, cho thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được phân bổ theo 2 nhóm hạng mục ngân sách là chi đầu tư và chi thường xuyên. Chi đầu tư được phân bổ cho các dự án đầu tư, các chương trình mục tiêu liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu. Chi thường xuyên cho thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được lấy từ hai dòng ngân sách chính là: (i) Chi cho sự nghiệp môi trường và biến đổi khí hậu; (ii) Chi cho khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước trung ương và địa phương, nguồn ODA, còn có một số các quỹ có liên quan trong nước và quốc tế có thể huy động cho thích ứng với biến đổi khí hậu như: Quỹ Khí hậu xanh, Quỹ Môi trường toàn cầu, Quỹ thích ứng, Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam. Các doanh nghiệp và các cá nhân, cộng đồng cũng là một nguồn tài chính quan trọng cho thích ứng với biến đổi khí hậu, giúp nâng cao hiệu quả của các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước

Về nguồn vốn ngân sách, hiện nay Việt Nam chưa có dòng ngân sách riêng cho ứng phó với BĐKH mà được hòa chung với ngân sách về môi trường. Từ năm 2005, ngân sách nhà nước chi cho các hoạt động sự nghiệp môi trường (bao gồm cả BĐKH) được quy định không dưới 1% tổng chi ngân sách. Cùng trong năm 2005, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được xây dựng với số vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cho ngành môi trường của các bộ, cơ quan trung ương là 1.715,56 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn bố trí cho thực hiện Chương trình mục tiêu về BĐKH và tăng trưởng xanh đến năm 2020 là gần 20.000 tỷ đồng để hoàn thành 146 dự án trong giai đoạn 2016-2020.

Trong giai đoạn 2016-2020, chi ngân sách cho sự nghiệp bảo vệ môi trường luôn được bố trí đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng dần qua các năm cả ở cấp trung ương và địa phương. Ngân sách nhà nước tăng từ 14.6456 tỷ đồng năm 2016 (NSTW 1.700 tỷ đồng; NSĐP 12.956 tỷ đồng), tương đương 1,15% tổng chi ngân sách, lên 21.424 tỷ đồng năm 2020 cho bảo vệ môi trường (NSTW 2.450 tỷ đồng; NSĐP 18.974 tỷ đồng), tương đương 1,23% tổng chi ngân sách.

Báo cáo về đầu tư và chi tiêu công cho BĐKH tại Việt Nam năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) cho thấy, nguồn tài chính chi cho các hoạt động ứng phó với BĐKH của 06 bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Xây dựng, Khoa học và công nghệ) tương đối ổn định, đầu tư công cho thích ứng với BĐKH chủ yếu là ở hai ngành nông nghiệp và giao thông. Ngân sách các bộ dành cho BĐKH trong giai đoạn 2016-2020 dao động với giá trị từ 8.000 – 13.500 tỷ đồng, tương đương 26 – 38% tổng ngân sách của Bộ. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Giao thông vận tải đóng góp ngân sách đáng kể cho công tác ứng phó với BĐKH với hơn 8.000 tỷ đồng mỗi năm cho các khoản chi liên quan đến ứng phó với BĐKH. Các khoản chi của hai bộ này phân bổ chủ yếu cho các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện đầu tư ứng phó với biến đổi khí hậu. Với việc giải ngân hơn 80% ngân sách cho BĐKH và các khoản đóng góp bằng nhau, hai bộ này là cơ quan chủ chốt thực hiện ứng phó với BĐKH.

Huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam  - Ảnh 1

Nguồn tài chính từ kênh vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA)

Các hoạt động ứng phó với BĐKH được tài trợ bởi nguồn vốn từ các đối tác phát triển, phần lớn vốn ODA được cung cấp dưới hình thức vốn vay cho các dự án đầu tư và hỗ trợ kỹ thuật với mục tiêu trọng tâm là đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trong giai đoạn từ năm 2010-2019, đã có gần 600 dự án ứng phó BĐKH nhận được hỗ trợ quốc tế triển khai trên toàn quốc với số vốn ước tính đạt 18,5 tỷ USD, trong đó không hoàn lại khoảng 1,1 tỷ USD, còn lại là vay ưu đãi. Điển hình năm 2016, Việt Nam đã ký 11 Chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi về bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH, tổng kinh phí là 1.080,21 triệu USD, cả ở Trung ương và địa phương.

Trong những năm qua vốn ODA cho hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH có chuyển biến tích cực, có xu hướng tăng theo các năm. Nguồn tài chính huy động từ kênh ODA ngày càng đóng vai trò then chốt trong ngân sách địa phương đầu tư cho BĐKH. Trong giai đoạn 2016-2020, vốn ODA trong ngân sách địa phương của 29/63 tỉnh thành tăng từ 3.800 tỷ đồng lên 10.900 tỷ đồng, tương đương việc ngân sách đầu tư cho BĐKH bằng vốn ODA tăng từ 24% năm 2016 lên 46% vào năm 2020. Do nguồn vốn ODA ngày càng tăng, phần đóng góp của vốn đầu tư trong nước trong ngân sách đầu tư cho BĐKH giảm từ 76% năm 2016 xuống 54% vào năm 2020.

Nguồn tài chính được huy động từ kênh hợp tác quốc tế

Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình quốc tế về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như chương trình CDM, cơ chế tín chỉ chung với Nhật Bản (JCM), Tiêu chuẩn các bon được thẩm tra (VCS) và Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC). Một số thành phố của Việt Nam tham gia các mạng lưới của các thành phố ứng phó với BĐKH trên thế giới như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần thơ, Quy Nhơn. Một số tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam đã tham gia mạng lưới hành động khí hậu khu vực Đông Nam Á; Trung tâm sáng kiến khí hậu Việt Nam đã tham gia mạng lưới sáng kiến khí hậu toàn cầu (CIC).

Thông qua kênh hợp tác quốc tế, Việt Nam đã huy động được đáng kể nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, điển hình là Chương trình Hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu (SP-RCC). Nguồn vốn của chương trình Hỗ trợ ứng phó biến SP-RCC bao gồm: (i) vốn vay ưu đãi của JICA, AFD, WB, K-Eximbank và (ii) vốn hỗ trợ không hoàn lại của CIDA và Cơ quan phát triển quốc tế Australia (AusAID). Đến 2019, thông qua chương trình SP-RCC đã huy động được gần 1,5 tỷ USD cho ứng phó với BĐKH. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng, áp dụng các cơ chế tài chính phù hợp với các chính sách quốc tế về BĐKH tạo điều kiện triển khai Chương trình SP-RCC đạt được kết quả trên.

Việt Nam cũng đã tích cực vận động, huy động nguồn lực quốc tế, đặc biệt là nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường và thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về môi trường thông qua thúc đẩy các chương trình, dự án hợp tác quốc tế. Tính riêng trong năm 2020, Bộ Tài chính đã thực hiện xác nhận viện trợ không hoàn lại liên quan tới lĩnh vực bảo vệ môi trường hơn 4,76 triệu USD.

Nguồn tài chính từ tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp

Trong thời gian qua, nguồn tài chính huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho ứng phó với BĐKH chủ yếu huy động được thông qua việc thu hút sự tham gia của các thành phần đối tượng trong bảo vệ và phát triển rừng, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới (phát triển điện gió, điện mặt trời). Đơn cử nguồn thu dịch vụ môi trường rừng trong năm 2021 đạt khoảng 3.107 tỷ đồng, vượt 7% so với kế hoạch và vượt 21% so với cùng kỳ năm 2020.

Quỹ Phòng, chống thiên tai cũng là kênh huy động nguồn tài chính các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho ứng phó với BĐKH trong thời gian qua. Từ khi triển khai thực hiện Nghị định số 94/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thành lập và quản lý Quỹ Phòng, chống thiên tai đến nay (05/2022) đã có 62/63 tỉnh thành tiến hành thu Quỹ (còn Quảng Bình chưa lập quỹ), tổng quỹ thu được hơn 4.705 tỷ đồng; 56/62 tỉnh thành tiến hành chi Quỹ, tổng chi kể từ ngày lập Quỹ là hơn 2.788 tỷ đồng, hiện nay Quỹ còn hơn 1.916 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động huy động nguồn tài chính các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho ứng phó với BĐKH thông qua bảo hiểm thiên tai, trái phiếu xanh cũng đã bước đầu được triển khai.

Vấn đề đặt ra cho huy động nguồn lực tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam

Nhìn chung, trong suốt giai đoạn qua đầu tư từ ngân sách nhà nước cho sự nghiệp BVMT (trong đó có ứng phó với BĐKH) vẫn được bảo đảm bảo không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước và tăng đều qua các năm. Việc huy động nguồn lực tài chính từ vốn ODA, chương trình dự án hợp tác quốc tế và sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân trong ứng phó với BĐKH đã được quan tâm. Tuy nhiên, việc huy động nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH của Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề, cụ thể:

– Nguồn lực nhà nước cho ứng phó với BĐKH chưa đáp ứng yêu cầu để nâng cao năng lực cả về cơ sở hạ tầng, thể chế và nguồn nhân lực cho ứng phó với BĐKH. Tuy đã có những chính sách, kế hoạch và chương trình thích ứng với BĐKH và đã cố gắng tập trung nguồn lực để thực hiện, nhưng nguồn lực nhà nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Việc phân bổ, giải ngân kinh phí đã được bố trí trong dự toán giao còn chậm, phải hủy dự toán. Trong giai đoạn 2016-2020 kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường của ngân sách trung ương bị hủy 2.416,4 tỷ đồng.

– Tích hợp, lồng ghép các nội dung ứng phó với BBĐK được coi làyếu tốquan trọng đểthiết kếmột chính sách hiệu quảnhằm đạt được cảlợi ích kinh tếvàứng phóvới BĐKH. Thông thường, nhu cầu về tài chính cho việc ứng phó với BĐKH là rất lớn. Bởi vậy, việc ngân sách được quản lý bởi các cơ quan khác nhau cũng khiến nguồn tiền bị chia nhỏ hoặc chồng chéo, làm giảm hiệu quả của các hoạt động liên quan tới ứng phó với BĐKH. Việc phân chia các hoạt động ứng phó với BĐKH cũng sẽ hạn chế khả năng tìm kiếm tài trợ quốc tế cho các hoạt động của từng cơ chế.

Hiện nay, các nguồn tài trợ quốc tế đang có xu hướng giảm dần và thay đổi tính chất hợp tác sang phương thức hai bên cùng có lợi. Trong khi năng lực để tiếp cận các quỹ tài chính quốc tế của Việt Nam và việc tham gia các cơ chế quốc tế để huy động nguồn lực ứng phó BĐKH như: JCM, CDM… còn hạn chế.

– Nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cho ứng phó với BĐKH còn rất hạn chế so với nhu cầu thực tế. Sự tham gia của các doanh nghiệp và cộng đồng trong nhiều lĩnh vực ứng phó BĐKH chưa nhiều, chưa đạt được kết quả xứng với tiềm năng (tiết kiệm năng lượng, sử dụng nhiên liệu sạch, quản lý chất thải…). Việc đầu tư từ khu vực tư nhân còn thiếu sự hợp tác đổi mới và hiệu quả từ khu vực công thông qua việc tạo ra môi trường thể chế và đầu tư lành mạnh. Việc thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình thực hiện các dự án thích ứng với BĐKH cũng còn hạn chế.

Khuyến nghị một số giải pháp

Để tăng cường nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới, cần tập trung nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực nhà nước và tăng cường huy động nguồn lực tài chính từ hỗ trợ của quốc tế; nguồn lực của các doanh nghiệp và đóng góp của cộng đồng thông qua một số nhóm giải pháp chính như:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống hướng dẫn lồng ghép BĐKH vào chiến lược, quy hoạch, kếhoạch phát triển KT- XH. Tiến hành rà soát, đánh giá, tích hợp các nội dung ứng phó với BĐKH, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, gắn kết giữa Chiến lược quốc gia về ứng phó với BĐKH với các chiến lược ngành, lĩnh vực và kế hoạch quốc gia về ứng phó với BĐKH, các kế hoạch liên quan (Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó BĐKH, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, Kế hoạch hành động quốc gia về BVMT…). Các nội dung ứng phó với BĐKH cần tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Các nội dung ứng phó với BĐKH cần được tiến hành dựa trên 05 nguyên tắc: (i) Tích hợp các nội dung ứng phó với BĐKH phải được tiến hành trên nguyên tắc phát triển bền vững, hệthống, tổng hợp, ngành/liên ngành, vùng/liên vùng, bình đẳng vềgiới, xóa đói giảm nghèo; (ii) Tích hợp các nội dung ứng phó với BĐKH cần được tiến hành với sựđồng thuận vàquyết tâm cao, từphạm vi địa phương, vùng, quốc gia đến toàn cầu; (iii) Việc tích hợp các hoạt động ứng phóvới BĐKH vào các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kếhoạch cần phải trên nguyên tắc chủđộng qua các khâu: Lập – Thẩm định vàPhêduyệt – Tổchức thực hiện – Giám sát vàĐánh gia; (iv) Các biện pháp thực hiện cần được sắp xếp theo thứtựưu tiên đểđảm bảo tính hiệu quảtrong quátrình thực hiện các biện pháp; (v) Huy động tối đa vàsửdụng cóhiệu quảcao nhất nguồn lực của các tổchức, cánhân trong vàngoài nước cùng tham gia.

Hai là, tăng cường quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH. Trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn về nguồn lực tài chính, BĐKH diễn biến phức tạp gây nhiều tác động tiêu cực, tăng cường quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính ứng phó với BĐKH là vô cùng cấp thiết. Để thực hiện điều này cần chủ động xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên, các khu vực, địa bàn chịu nhiều tác động để tập trung phân bổ nguồn lực. Nghiên cứu, xem xét thiết lập và vận hành các quỹ quốc gia để ứng phó với BĐKH. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đây là giải pháp được nhiều nước đang phát triển lựa chọn khi các nguồn tài chính ngày càng đa dạng hơn sẽlàm cho việc quản lýchúng của các nước đang phát triển trởnên phức tạp vàkém hiệu quảhơn. Các nước này đang đứng trước thách thức đối với việc xác định xem những nguồn nào làphùhợp với mình, phối hợp, quản lýcác nguồn đónhưthếnào đểhỗtrợcho các hoạt động ứng phóvới BĐKH một cách cóhiệu quả.

Quỹ quốc gia để ứng phó với BĐKH khi thành lập cần đáp ứng 4 mục tiêu căn bản: (i) Huy động các nguồn tài chính vàđịnh hướng chúng cho các hoạt động ứng phóvới BĐKH theo trình tựưu tiên của quốc gia; (ii) Phối hợp các nguồn tài trợkhác nhau nhằm tối đa hóa khảnăng ứng phócủa quốc gia; (iii) Phối hợp trên phạm vi quốc gia nhằm đảm bảo các hoạt động cốt yếu nhằm ứng phóvới BĐKH được thực hiện cóhiệu quả; (iv) Nâng cao năng lực quản lývàsởhữu quốc gia đối với các nguồn tài trợ.

Ba là, đẩy mạnh xã hội hóa, các hình thức hợp tác công tư (PPP) để huy động đầu tư từ các nguồn ngoài ngân sách cho ứng phó với BĐKH. Lý thuyết và kinh nghiệm thực tiễn các nước và ở Việt Nam đều chỉ ra rằng, không nhất thiết nhà nước phải là người cung cấp trực tiếp các dịch vụ công nói chung, dịch vụ môi trường nói riêng đến tận tay người tiêu dùng.

Để cải thiện khả năng áp dụng hình thức PPP trong các dự án BĐKH cần cải thiện một số khía cạnh: Hoàn thiện hệ thống môi trường pháp lý chung cho hình thức hợp tác công – tư (PPP), đảm bảo việc bảo lãnh của Chính phủ rõ ràng như thời hạn chuyển giao, quyền sở hữu dự án. Cải thiện sự không chắc chắn về vai trò của chính phủ (những cơ quan phát triển dự án) và nhà đầu tư tư nhân trong việc chịu chi phí và rủi ro khi phát triển dự án; quyền ưu tiên thực sự của các dự án được phát triển theo hình thức PPP trong lĩnh vực BĐKH; đưa ra các qui định về thủ tục mua sắm bao gồm cả việc ký kết những hợp đồng qua thương lượng với các doanh nghiệp được ưu tiên; cải thiện kỳ vọng và chỉ tiêu không thực tế về bù đắp chi phí và tỷ suất lợi nhuận trong các dự án hình thức hợp PPP. Đối với các dự án tài trợ, cần đưa ra các quy định chặt chẽ về dự trữ và quy đổi ngoại hối, và chuyển ngoại tệ; bảo đảm nợ vay và quyền được can thiệp của người cho vay trong trường hợp chậm trả nợ hoặc khi dự án hoạt động yếu kém.

Bốn là, thúc đẩy huy động tài chính ứng phó với BĐKH từ quốc tế. Cần tăng cường năng lực, kiến thức để tiếp cận, chủ động đề xuất các dự án về ứng phó với BĐKH để thu hút nguồn lực đầu tư từ Quỹ Khí hậu xanh GCF, Quỹ thích ứng AF, Quỹ môi trường toàn cầu, WB, ADB, các đối tác hỗ trợ phát triển như: AfD, JICA, GIZ, USAID… Gắn việc thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH với thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Kế hoạch thích ứng quốc gia nhằm thu hút nguồn lực quốc tế.

Việt Nam là một thành viên của Thỏa thuận Paris và có thể tiếp cận tất cả quỹ tài chính hỗ trợ ứng phó với BĐKH. Tuy nhiên, tiêu chí tiếp cận và tiêu chí đánh giá dự án là khác nhau ở các quỹ, một số quỹ có thể nhận hồ sơ dự án và cung cấp hỗ trợ tài chính trực tiếp, một số quỹ cung cấp hỗ trợ tài chính thông qua các ngân hàng thương mại hoặc quỹ ủy thác, do đó cần có những điều chỉnh phù hợp. Để có điều chính chính xác, kịp thời cần: (i) Rà soát, cập nhật và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới các chính sách tài chính cũng như các cơ chế huy động vốn mới; (ii) Có một cơ quan chuyên môn đủ năng lực để đánh giá và điều phối tất cả các chức năng liên quan đến chu trình lập kế hoạch, dự toán ngân sách cũng như đưa ra các cơ chế tài chính phù hợp với từng đối tác tài trợ về BĐKH; (iii) Xây dựng một hệ thống giám sát, báo cáo, đánh giá hoàn thiện; tăng cường tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình trong việc huy động, sử dụng các nguồn tài trợ về BĐKH nhằm tạo niềm tin đối với các nhà tài trợ; (iv) Danh mục các dự án ưu tiên được đầu tư theo nhiều phương thức khác nhau cũng cần được xây dựng nhằm huy động và sử dụng hiệu quả các hỗ trợ quốc tế về BĐKH; (vi) Nâng cao hơn nguồn lực con người trong huy động và thực hiện các chương trình, dự án về BĐKH; (vii) Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Chính phủ về tài chính khí hậu, các chương trình hành động về BĐKH để các đối tượng như doanh nghiệp, chủ dự án năng lượng tái tạo… biết và tiếp cận với các nguồn hỗ trợ quốc tế cho BĐKH.

Năm là, đẩy mạnh huy động sự tham gia đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân trong các hoạt động ứng phó với BĐKH thông qua: (i) Hỗ trợ khối tư nhân tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư BĐKH. Cụ thể như hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với nhiều quỹ hỗ trợ đối với lĩnh vực BĐKH và tăng trưởng xanh (Quỹ Ủy thác tín dụng xanh, Quỹ Đầu tư xanh, Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu KFW…); (ii) Thúc đẩy phát triển bảo hiểm rủi ro thiên tai. Thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế cho thấy cần phải phát triển sản phẩm bảo hiểm thiên tai trong dài hạn, nhằm chuyển đổi từ cơ chế tài chính thụ động (tài trợ sau khi thiên tai xảy ra) sang chủ động (tài trợ trước khi thiên tai xảy ra); (iii) Phát triển trái phiếu xanh để huy động vốn cho BĐKH; (iv) Thực hiện các giải pháp bổ trợ nhằm tối ưu hóa sự tham gia của khối tư nhân, cụ thể như: Đẩy mạnh tuyên truyền và nâng cao nhận thức về “trách nhiệm xã hội” của doanh nghiệp, tăng cường tính minh bạch về lợi ích mà doanh nghiệp nhận được từ việc đầu tư vào thích ứng với BĐKH, tích hợp thích ứng BĐKH vào quy tắc ứng xử văn hóa doanh nghiệp.

Tài liệu tham khảo:

1. UNDP và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2022), Báo cáo “Rà soát đầu tư và chi tiêu công cho biến đổi khí hậu tại Việt Nam”;

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2021), “Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020”;

3. Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (2022), “Báo cáo tình hình thực hiện Quỹ phòng, chống thiên tai tháng 5/2022”, URL: https://phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/ bao-cao-tinh-hinh-thuc-hien-quy-phong-chong-thien-tai-cap-tinh-thang-5-2022.aspx ;

4. Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (cập nhật năm 2020), tr30, URL: https://vihema.gov.vn/wp-content/uploads/2020/10/NDC_ VN_Clean_final.pdf ;

5. DCC (2020), “Đánh giá tình hình thực hiện chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về biến đổi khí hậu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện chiến lược trong giai đoạn 2021-2030”.

Thông tin tác giả:

* Đinh Ngọc Linh – Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính)

** Bài đăng Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2022

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước19 hành vi tham nhũng, tiêu cực cần tập trung chỉ đạo phòng, chống
Bài tiếp theoGiải ngân gói hỗ trợ vay vốn ưu đãi nhà ở xã hội gặp khó

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây