HSBC hạ dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam xuống 3,5%

0
140

Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC vừa công bố báo cáo đánh giá về rủi ro lạm phát đối với các nền kinh tế ASEAN.

Theo các chuyên gia phân tích của HSBC, trong vòng một năm vừa qua, tình hình diễn biến lạm phát ở khu vực ASEAN khá yên ắng so với các nơi khác trên thế giới nhưng đến nay tình hình đã thay đổi khá nhanh.

Theo đó, rủi ro lạm phát tại các nước thuộc khối ASEAN đã có chiều hướng tăng từ đầu năm 2022 khiến cả lạm phát cơ bản lẫn toàn phần đều tăng cao hơn so với mức trước đại dịch. Mặc dù vậy, tác động ở mỗi nước một khác, cụ thể, áp lực lạm phát với Singapore, Thái Lan và Phillipines có phần nặng nề hơn trong khi ở Việt Nam, Malaysia và Indonesia thì lạm phát vẫn tương đối trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích của HSBC, lạm phát toàn phần nhiều khả năng sẽ sớm tăng mạnh ở nhóm thứ hai, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng lên. Giá dầu thế giới dù đã “hạ nhiệt” so với đỉnh hồi tháng 3 vẫn ở mức cao, còn giá khí đốt tự nhiên tiếp tục tăng lên từ từ.

Tăng dự báo lạm phát các nước, hạ nhẹ với Việt Nam

Theo phân tích của HSBC, rủi ro lớn nhất đối với bình ổn giá cả trong khu vực tới thời điểm này vẫn là giá năng lượng và thực phẩm trên thế giới tăng lên.

Trong đó, về năng lượng, giá dầu tăng khiến lạm phát toàn phần của Philippines và Thái Lan cao hơn khá nhiều so với mục tiêu của ngân hàng trung ương hai nước này đặt ra. Tính đến nay, Thái Lan là nước phải đối mặt với tình trạng giá năng lượng tăng mạnh nhất, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước. Suốt một thời gian dài, chi phí vận tải là “thủ phạm” chính khiến giá cả tại Thái Lan tăng cao, làm lạm phát trong tháng 3 đạt đỉnh kỷ lục trong vòng 13 năm qua.

Ở Philippines, CPI đối với điện, khí đốt và các nhiên liệu khác đã tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 8/2021, với mức lạm phát tăng lên 20% trong tháng 4 năm nay.

Ở Việt Nam, lạm phát giá năng lượng cũng đã kéo dài được một thời gian. Giá vận tải tăng cao kỷ lục, vượt qua lạm phát thực phẩm để trở thành động lực chính thúc đẩy lạm phát. Bên cạnh giá dầu thế giới tăng, nguồn cung xăng dầu trong nước thiếu hụt càng khiến tình trạng khan hiếm năng lượng của Việt Nam nghiêm trọng hơn. Từ tháng 1 năm nay, nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam – Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã giảm công suất và gần như không hoạt động vào tháng 2, trước khi nâng công suất lên khoảng 80% vào tháng 3.

Tình hình này buộc các cơ quan chức năng phải tìm kiếm nguồn thay thế nhằm giảm nhẹ áp lực năng lượng. Chính phủ Việt Nam cam kết nhập thêm 2,4 triệu mét khối xăng trong quý 2/2022, được thể hiện trong số liệu nhập khẩu của Việt Nam tăng lên.

Kể từ 1/4, Chính phủ Việt Nam đã cắt giảm thuế bảo vệ môi trường, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại thuế phí đánh vào nhiên liệu, xuống 2.000 đồng đối với xăng và 700-1.000 đồng đối với các loại nhiên liệu khác. Bất chấp giá năng lượng tăng lên, lạm phát thực phẩm ở mức vừa phải, vốn chiếm tỷ trọng lớn hơn trong rổ CPI, đã giúp kiểm soát mức tăng chung của lạm phát toàn phần tính tới thời điểm này.

Trong khi đó, không giống với các nước khác, áp lực giá tăng để lại ảnh hưởng trên diện rộng ở Singapore. Một phần nguyên nhân là áp lực từ nhu cầu tăng lương và thị trường lao động gia tăng. Tuy nhiên, Singapore vẫn có dư địa về tài khóa để “hạ nhiệt” chi phí sinh hoạt.

Về mặt hàng thực phẩm, bộ phận nghiên cứu của HSBC thấy rằng giá tăng ở tất cả các nền kinh tế so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, mức lạm phát thực phẩm ở Thái Lan và Indonesia lên mức 5% so với cùng kỳ năm trước. Ở Thái Lan, giá thịt cũng tiếp tục tăng, chủ yếu là do gián đoạn sản xuất thịt heo trong nước vì dịch tả heo châu Phi, đẩy giá các loại thịt khác lên, ví dụ như thịt gà.

Đối với Việt Nam, HSBC đánh giá tình trạng giá thực phẩm tăng lại khả quan hơn so với các nước khác, trong bối cảnh sản xuất thực phẩm chính yếu trong nước tương đối ổn định ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, tình trạng giá năng lượng tăng và giá thực phẩm thế giới cao lên có thể đẩy các chi phí trong nước lên theo.

Ngoài giá năng lượng và thực phẩm, vấn đề khác cũng đáng quan tâm là khả năng ảnh hưởng lây lan đến nhóm hàng cơ bản. Theo ước tính của HSBC, mức độ ảnh hưởng ở các nước ASEAN là không đồng đều, trong đó, Philippines là chịu ảnh hưởng nhiều nhất, sau đó tới Malaysia và Indonesia. Còn ở Việt Nam và Thái Lan, ảnh hưởng lan rộng lại hạn chế.

Các chuyên gia của HSBC cho rằng, mức độ gia tăng áp lực giá các mặt hàng cơ bản sẽ phụ thuộc một phần vào sự phục hồi của thị trường lao động mỗi nước.

Nhờ Chương trình Hỗ trợ Việc làm hào phóng, cung cấp hỗ trợ trực tiếp để người lao động duy trì việc làm, Singapore đi đầu trong khu vực với một thị trường lao động thắt chặt. Tỷ lệ thất nghiệp quý I/2022 giảm xuống dưới mức trước đại dịch với mức tăng trưởng lương gần đạt 8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, các nước còn lại trong khu vực mới chỉ đang chứng kiến sự phục hồi bước đầu của thị trường việc làm – tỷ lệ thất nghiệp ở các nước này vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch.

Mặc dù vậy, theo HSBC tình hình này có thể thay đổi nhanh chóng và rủi ro từ việc thắt chặt thị trường lao động nhiều khả năng sẽ hữu hình hơn khi các nước ASEAN đã sẵn sàng hưởng lợi sau khi mở cửa hoàn toàn trở lại.

Ở Indonesia, Việt Nam, Singapore và Philippines, các chỉ số lao động mới nhất trong thống kê PMI ngành sản xuất đã đạt ngưỡng mở rộng và vượt mức trước đại dịch. Trong khi đó, khi các biện pháp hạn chế phòng chống dịch trong nước dần được gỡ bỏ, tình hình việc làm trong ngành dịch vụ, chiếm phần lớn trong các công việc ở ASEAN, cũng sẽ liên tục được cải thiện. Điều này nhiều khả năng sẽ dẫn tới áp lực ngược lên lương và lạm phát cơ bản trong những quý tới.

Việt Nam là quốc gia duy nhất trong ASEAN được HSBC giảm dự báo lạm phát từ mức 3,7% xuống 3,5% – Nguồn: HSBC Global Research

 

“ASEAN sẽ không tránh được tác động của giá cá tăng lên. Sau khi xem xét mọi khía cạnh, chúng tôi đã có một vài thay đổi trong dự báo lạm phát, nâng mức dự báo năm 2022 với Thái Lan, Singapore, Indonesia và Philippines. Chúng tôi giảm nhẹ mức dự báo năm 2022 với Việt Nam do giá thực phẩm trong nước ổn định nhiều khả năng sẽ giúp kiềm chế lạm phát toàn phần”, HSBC nhận định.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể nâng lãi suất vào quý III

Từ những phân tích trên, Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của HSBC cho rằng, các ngân hàng trung ương sẽ cần hành động quyết liệt hơn nhằm “giải nén” áp lực giá. Dù vậy, bản chất tác động chắc chắn không đồng đều giữa các nước trong khu vực. Ở Indonesia và Malaysia, giá hàng hóa tăng cao giống như một cơn sốc nhu cầu, thúc đẩy tổng nhu cầu và kéo theo thắt chặt tiền tệ cần thiết.

Tuy nhiên, ngay cả những nơi giá năng lượng và thực phẩm tăng lên do “sốc nguồn cung” cũng cần tăng lãi suất để giữ lạm phát trong mức kỳ vọng. Rủi ro giá năng lượng và thực phẩm tăng cao “lây lan” sang chỉ số CPI cơ bản cũng là một thách thức càng nghiêm trọng do phục hồi từ đại dịch. Nhu cầu trong nước dồn nén nhiều khả năng khiến việc điều chỉnh giá trầm trọng hơn trong toàn nền kinh tế.

Trong bối cảnh Fed siết chặt chính sách thêm nhiều, áp lực đòi hỏi các ngân hàng trung ương ở châu Á phải hành động nhanh chóng đang tăng lên. Trước đó, nhiều quốc gia tại ASEAN đã có động thái thắt chặt chính sách.

Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) là một trong những ngân hàng trung ương có động thái sớm và quyết liệt nhằm thúc đẩy bình thường hóa chính sách tiền tệ. Cơ quan này đã nâng “nhẹ” biên độ tỷ giá hiệu dụng danh nghĩa (NEER) của đồng SGD ba lần trong vòng sáu tháng, khoảng 50 điểm cơ bản mỗi lần. Tại kỳ điều chỉnh tháng 10 sắp tới, HSBC Global Research dự đoán MAS sẽ “án binh bất động” nếu áp lực lạm phát dịu bớt trong nửa sau của năm 2022 như dự báo của cơ quan này.

Nguồn: HSBC Global Research

 

Trong số những thị trường mới nổi của khối ASEAN, Malaysia và Philippines là hai nước đầu tiên đưa ra động thái “hãm phanh”. Ngân hàng Trung ương Malaysia (Bank Negara Malaysia – BNM) gần đây đã gây bất ngờ cho thị trường khi nâng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản. HSBC kỳ vọng lãi suất điều hành sẽ tăng thêm 50 điểm cơ bản trong năm 2022, và thêm 50 điểm cơ bản nữa vào năm 2023.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Philippines (Bangko Sentral ng Pilipinas – BSP) cũng đã điều chỉnh tăng 25 điểm cơ bản để giữ được lạm phát trong mức kỳ vọng. HSBC kỳ vọng nước này sẽ có một đợt tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 6, thêm 50 điểm cơ bản vào quý III/2022 và thêm 25 điểm cơ bản mỗi quý sau đó cho đến quý III/2023.

Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), HSBC cho rằng NHNN cũng theo kịp tiến độ bình thường hóa chính sách tiền tệ. Nhờ xuất khẩu ấn tượng và tiêu dùng cá nhân phục hồi, Việt Nam chắc chắn lấy lại mức tăng trưởng như trước đại dịch.

“Trong khi lạm phát hiện tại vẫn ở dưới mục tiêu 4% của NHNN, chúng tôi dự báo tình trạng giá năng lượng cao còn kéo dài sẽ tiếp tục đẩy giá cả nói chung lên, nhiều khả năng sẽ có lúc vượt qua trần 4% của NHNN trong nửa sau của năm 2022 nhưng chỉ là tạm thời. Tình hình đó có thể sẽ khiến NHNN phải điều chỉnh lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý III/2022 trước khi tăng lãi suất ba lần mỗi lần 25 điểm cơ bản trong năm 2023”, HSBC nhận định.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcỨng phó với tấn công mạng vào ngành tài chính, ngân hàng
Bài tiếp theoBảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới chiếm 6,9% doanh thu thị trường bảo hiểm phi nhân thọ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây