Thủ đoạn gian lận hóa đơn bất hợp pháp ngày càng tinh vi
Hiện nay, tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng trở nên báo động khi mà nhiều đường dây mua bán trái phép hóa đơn lên tới hàng nghìn tỷ đồng đã bị các lực lượng chức năng triệt phá.
Theo các chuyên gia, hành vi gian lận hóa đơn ngày càng phức tạp, nhiều doanh nghiệp thành lập chỉ để bán hoá đơn, sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng, hạch toán chi phí… gây thất thu rất lớn cho ngân sách, tạo sự bất bình đẳng và bức xúc trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.
Theo số liệu của Tổng cục Thuế, trong các năm qua, cơ quan thuế đã tổng hợp các hành vi vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và củng cố hồ sơ chuyển cho cơ quan công an hàng trăm trường hợp có dấu hiệu vi phạm. Trong đó, riêng năm 2020 có 162 trường hợp có dấu hiệu vi phạm mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với số lượng và giá trị rất lớn đã được cơ quan Thuế chuyển hồ sơ cho cơ quan công an điều tra.
Năm 2021, tuy tình trạng sử dụng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp có giảm, nhưng mức độ vi phạm ngày càng phức tạp và tinh vi. Vụ việc điển hình là trường hợp 14 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa do 8 đối tượng thành lập để bán hóa đơn giá trị gia tăng thu lợi bất chính.
Được biết, 14 công ty “ma” trong đường dây mua bán hóa đơn thuế giá trị gia tăng này đã phát hành hơn 15 nghìn số hóa đơn cho khoảng 1 nghìn doanh nghiệp trong tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…với tổng số tiền giao dịch hơn 2.000 tỷ đồng…
Chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn
Ngày 19/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, được kỳ vọng sẽ góp phần khắc phục tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Theo quy định tại Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 01/07/2022, toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử (trừ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP). Quy định này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc chuyển đổi phương thức quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử và giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, cho xã hội.
Thực tế cho thấy, việc sử dụng hóa đơn điện tử sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí hơn so với sử dụng hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không gian lưu trữ hóa đơn,…); Giúp doanh nghiệp giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế; Khắc phục rủi ro làm mất, hỏng, cháy khi sử dụng hóa đơn giấy do hệ thống lưu trữ hóa đơn điện tử được sao lưu thường xuyên…
Việc sử dụng hóa đơn điện tử tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ. Cụ thể, sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn người bán khai báo với cơ quan thuế và thông tin người bán cung cấp cho người mua. Bên cạnh đó, với việc hệ thống của cơ quan thuế ngừng ngay không cho các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích được xuất hóa đơn thì sẽ hạn chế được tình trạng người mua sử dụng phải hóa đơn bất hợp pháp của các doanh nghiệp này.
Đối với cơ quan thuế và cơ quan quản lý của nhà nước, việc sử dụng hóa đơn điện tử giúp cơ quan thuế xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn. Trong đó, cơ quan thuế và các cơ quan quản lý không tốn nhiều chi phí, thời gian đối chiếu hóa đơn như hiện nay. Từ đó, góp phần ngăn chặn kịp thời hóa đơn của các doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế…
Đối với xã hội, việc sử dụng hóa đơn điện tử góp phần khắc phục được tình trạng gian lận sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn sai lệch nội dung giữa các liên) và tình trạng làm giả hóa đơn, qua đó góp phần tạo một môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp.
Đồng thời, hóa đơn điện tử cũng góp phần giúp việc triển khai thương mại điện tử được hoàn thiện hơn từ đặt hàng trên mạng, giao hóa đơn điện tử qua mạng, thanh toán qua mạng. Việc sử dụng hóa đơn điện tử giảm tối đa việc sử dụng giấy in góp phần bảo vệ môi trường…
Để hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, ngày 17/9/2021, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 78/2021/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Tổng cục Thuế lập kế hoạch triển khai thực hiện hóa đơn điện tử theo 2 giai đoạn; ban hành các quyết định về việc triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định.
Ngay sau khi Thông tư số 78/2021/TT-BTC được ban hành, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, phân loại người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh trên địa bàn là đối tượng sử dụng các loại hoá đơn điện tử theo quy định.
Trên cơ sở thống kê đó, cơ quan Thuế gửi thông báo cụ thể về kế hoạch triển khai áp dụng hoá đơn điện tử; đồng thời, yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng điều kiện về cơ sở hạ tầng và giải pháp công nghệ thông tin để thực hiện việc lập, chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử đến cơ quan thuế, gửi hóa đơn điện tử cho người mua và các nội dung khác về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử.
Song song với đó, Tổng cục Thuế cũng đã tiến hành rà soát và thông báo đến các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử trên địa bàn về việc triển khai hóa đơn điện tử để các tổ chức chuẩn bị các giải pháp và cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng được việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử cho khách hàng theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC…