Hỗ trợ ngân sách nhà nước đối với các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội?

0
176

Sau kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV, cử tri tỉnh Phú Thọ đã có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc hỗ trợ của NSNN đối với các tổ chức quy định tại khoản 1, điều 10, Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ. Đặc biệt, cần quan tâm tới Hội Cựu Thanh niên xung phong là Hội tổ chức xã hội và các thành viên của Hội là những người có công với cách mạng nhưng lại không có nguồn thu nhập ổn định từ NSNN.

Trả lời vấn đề cử tri tỉnh Phú Thọ quan tâm, mới đây, Bộ Tài chính đã có Công văn số 1564/BTC-NSNN để làm rõ các nội dung được nêu. Cụ thể, Bộ Tài chính cho biết, Khoản 8 Điều 8 Luật NSNN quy định: “Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm; NSNN hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ”.

Bên cạnh đó, theo Điều 10 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN, thì kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm. Trường hợp các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội tổ chức xã hội – nghề nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ thì được NSNN hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

Kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách của từng cấp ngân sách trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định. Việc lập dự toán, thực hiện dự toán, quyết toán kinh phí NSNN hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật NSNN, quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

Ngày 30/12/2016, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 342/2016/TT-BTC. Trong đó, theo khoản l Điều 4 thì nhiệm vụ chi ngân sách trung ương quy định: “Hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm: Hoạt động của Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; hệ thống Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước; hoạt động của cơ quan trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hỗ trợ các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp thuộc trung ương quản lý theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ”.

Trong khi đó, theo khoản k Điều 6, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương quy định: “Hoạt động của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị – xã hội; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp theo quy định của pháp luật, bao gồm: Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam; hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ở địa phương; Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở địa phương theo quy định tại Điều 10 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ”.

Như vậy, Luật NSNN và các văn bản hướng dẫn đã quy định rõ kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm, NSNN hỗ trợ cho các nhiệm vụ Nhà nước giao theo quy định của Chính phủ. Đối với các tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp do địa phương quản lý, ngân sách địa phương hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ nhà nước giao theo phân cấp ngân sách hiện hành.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcRà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển kinh tế ban đêm (*)
Bài tiếp theoThu ngân sách do cơ quan Thuế quản lý đạt trên 347 nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm 2021

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây