Hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân từ năm 2023

0
219

Theo BHXH tỉnh Quảng Ninh, tỷ lệ bao phủ BHXH của địa phương hiện đạt gần 43% so với lực lượng lao động trong độ tuổi. Dù đạt tỷ lệ cao so với bình quân cả nước (hơn 33%), nhưng tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện chỉ chiếm hơn 3,3%, trong khi toàn tỉnh còn khoảng 360.000 người có thể tham gia BHXH tự nguyện nhưng chưa tham gia. Thêm vào đó, vài năm gần đây, do những khó khăn về kinh tế, số lượng người dừng đóng BHXH bắt buộc, nhận BHXH 1 lần tại Quảng Ninh có xu hướng tăng.

Nhằm giúp người lao động ở khu vực phi chính thức, lao động tự do, nông dân được tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, HĐND tỉnh Quảng Ninh quyết định thông qua Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 – 2027. Đây được coi là “cú hích” cho công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện tại địa phương, góp phần hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sẽ được hỗ trợ thêm ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ trước đó. Cụ thể, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 30%, đối tượng còn lại nhận hỗ trợ 20% mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Thời gian hỗ trợ không quá 5 năm, từ 1.1.2023 đến hết ngày 31.12.2027.

Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký, với sự hỗ trợ này, từ ngân sách tỉnh sẽ góp phần phát triển tỷ lệ bao phủ người dân tham gia BHXH, giảm tình trạng hưởng BHXH 1 lần. Đây đồng thời cũng là động lực để người dân lao động sản xuất, có thu nhập tham gia BHXH tự nguyện, thúc đẩy phát triển kinh tế và an sinh bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách về chi trợ cấp BHXH sau này.

Để các quyết sách của HĐND tỉnh Quảng Ninh sớm đi vào cuộc sống có hiệu quả, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu từng cá nhân, đơn vị phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; rõ người, rõ việc, rõ kết quả và rõ lộ trình hoàn thành từng công việc, phân cấp tối đa để các địa phương chủ động, tự chịu trách nhiệm về các quyết định của mình nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, ưu tiên cao nhất cho việc triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch; tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính.

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua các Nghị quyết có ý nghĩa bảo đảm an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sống cho Nhân dân, như chính sách trợ giúp pháp lý tại các xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2022 – 2025. Với việc điều chỉnh bổ sung vốn cho các dự án khởi công mới giai đoạn 2022 – 2025, sẽ có 17 dự án trường học được xây mới, nâng cấp với tổng số vốn gần 1,8 nghìn tỷ đồng. Những quyết sách này cùng với việc hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện cho người dân, sẽ góp phần bảo đảm an sinh bền vững và phát triển kinh tế – xã hội Quảng Ninh.

Đồng thời, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh gắn với chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh…

Trong đó, xác định cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư công là cấp bách; cải thiện chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí của các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS, nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh với mục tiêu cao nhất là tăng cường niềm tin và nâng cao sự hài lòng của người dân. Kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBộ Tài chính xây dựng, phát triển Tài chính điện tử hướng tới Tài chính số
Bài tiếp theoNợ xấu tại hệ thống các ngân hàng tăng nhanh chóng, sau khi Thông tư 14 kết thúc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây