Hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn gồm những gì?

0
147

Theo Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ về xử phạt hành chính về thuế, hóa đơn, người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bị thiệt hại về vật chất trong trường hợp bất khả kháng được miễn tiền phạt.

Mức miễn tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt còn lại trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).

Để được miễn tiền phạt, người nộp thuế phải nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn bao gồm: Đơn đề nghị miễn tiền phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn tiền phạt; xác định giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, số tiền phạt, số tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) đề nghị được miễn; Văn bản đề nghị miễn tiền phạt của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt hoặc cơ quan của người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt, trong đó nêu rõ lý do đề nghị miễn tiền phạt, số tiền phạt, tiền chậm nộp tiền phạt (nếu có) đề nghị người có thẩm quyền ra quyết định miền tiền phạt.

Người nộp thuế phải nộp văn bản xác nhận người nộp thuế bị thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc các trường hợp bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ và thời gian, địa điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng của một trong các cơ quan, tổ chức sau: Công an xã, phường, thị trấn; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ban quản lý Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu kinh tế nơi xảy ra sự kiện bất khả kháng; tổ chức cứu hộ, cứu nạn; cơ quan có thẩm quyền công bố dịch bệnh (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực);

Hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn còn phải có biên bản kiểm kê, xác định giá trị thiệt hại vật chất do người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế lập; Biên bản xác định giá trị thiệt hại vật chất của tổ chức có chức năng định giá theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực), trừ trường hợp có hồ sơ bồi thường; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc Thông báo của cơ quan thuế về số tiền phạt còn nợ tại thời điểm xảy ra sự kiện bất khả kháng và tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt; Hồ sơ bồi thường thiệt hại vật chất được cơ quan bảo hiểm chấp nhận bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có); Hồ sơ trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân phải bồi thường theo quy định của pháp luật (bản chính hoặc bản sao có xác nhận công chứng hoặc chứng thực) (nếu có).

Nghị định số 125/2020/NĐ-CP nêu rõ, không miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đối với các trường hợp đã thực hiện xong quyết định xử phạt. Trường hợp được miễn tiền phạt thì cũng được miễn tiền chậm nộp tiền phạt tương ứng.

Đặc biệt, người nộp thuế đã được miễn tiền phạt nhưng cơ quan có thẩm quyền, cơ quan thuế phát hiện việc miễn tiền phạt không đúng quy định tại Điều này thì người có thẩm quyền miễn tiền phạt ban hành quyết định hủy hoặc điều chỉnh quyết định miễn tiền phạt.

Cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế có trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước khoản tiền phạt đã được miễn không đúng quy định và tính tiền chậm nộp trên số tiền phạt được miễn không đúng quy định. Ngày bắt đầu tính tiền chậm nộp tiền phạt được miễn không đúng là ngày tổ chức, cá nhân bị xử phạt nộp đầy đủ hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước[Infographics] Thông tin về dự thảo đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng
Bài tiếp theoHiệu lực áp dụng hóa đơn điện tử là từ ngày 01/07/2022

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây