Số liệu tại báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm nay của MB cho thấy, chi phí dự phòng rủi ro trong quý 2 của ngân hàng này tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế trong cả 6 tháng, chi phí dự phòng của MB tăng 56%.
Nhờ tăng mạnh cho phí dự phòng rủi ro, đến hết quý 2 năm nay, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu của MB đã tăng lên 310%, cao gấp đôi so với cuối năm 2020.
Tỷ lệ bao nợ xấu này cũng đẩy MB lên đầu danh sách các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ngành ngân hàng ở thời điểm hiện nay.
Một ngân hàng khác có tỷ lệ dự phòng rủi ro nợ xấu tăng mạnh là ACB. Theo báo cáo tài chính quý 2/2021, chi phí dự phòng của ACB trong quý này đã tăng gấp 3 lần lên 1.386 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2021, chi phí dự phòng tại ACB tăng 3,7 lần lên 1.992 tỷ đồng. Tổng chi phí dự phòng này cũng gần bằng 1/3 tổng lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm của ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước mới đây đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Trong đó, NHNN cũng cho biết đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2022. Trên cơ sở báo cáo của các tổ chức tín dụng, NHNN sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và cuối năm 2022.
Được biết, ACB mạnh tay tăng trích lập dự phòng là do ngân hàng quyết định trích lập đầy đủ 1.400 tỷ đồng cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thay vì phân bổ trong ba năm theo Thông tư 03. Sau khi trích lập dự phòng cho khoản nợ xấu này ACB sẽ nhẹ gánh.
Trong nửa đầu năm nay, dù nợ xấu của ngân hàng tăng 489 tỷ đồng lên 2.329 tỷ đồng nhưng nhờ tăng mạnh tín dụng nên tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì ở mức rất thấp 0,69%.
Tuy nhiên, đáng lưu ý, trong cơ cấu nợ xấu của ACB, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng mạnh 163% lên 560 tỷ đồng; Nợ nhóm 4 là 528 tỷ, tăng 28,5% và nợ nhóm 5 là 1.241 tỷ, tăng 2% so với đầu năm.
Một ngân hàng nổi bật trên hệ thống là Techcombank khi tính đến cuối tháng 6/2021, ngân hàng này chỉ có 1.119 tỷ đồng nợ xấu, giảm 13,6% so với đầu năm trong khi tốc độ tăng trưởng tín dụng của Techcombank khá nhanh với 13%.
Đến cuối tháng 6, tỷ lệ nợ xấu trên tổng tín dụng của Techcombank chỉ còn 0,36%. Đây là mức thấp nhất toàn ngành ngân hàng ở thời điểm này, cũng là mức thấp kỷ trong lịch sử toàn ngành.
Chia sẻ từ một lãnh đạo ngân hàng này cho biết, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối quý 2/2021 của Techcombank là 259%, tăng mạnh so với 171% thời điểm cuối năm 2020, và 109% tại thời điểm 30/6/2020.
Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng giảm còn 2,7 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,8% dư nợ hiện tại. Tiết lộ của ngân hàng cho biết, khoảng 67% số khách hàng trong chương trình này đã hoàn tất hoặc trả một phần nợ tái cơ cấu tính đến hết tháng 6 vừa qua.
Trong số các ngân hàng có tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu cao phải kể tới Vietcombank. Hiện nay, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank quanh 280%. Thời điểm Vietcombank có tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao nhất là giữa năm 2020, lên tới 380%. Đây cũng là con số kỷ lục của ngành ngân hàng.
Tính đến cuối quý II/2021, dẫn đầu về tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu là MB với 311%, thứ hai là Vietcombank đạt 280%, tiếp đến là Techcombank 259%, VietinBank 110%…
Các ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu nhờ có nguồn lực dồi dào sau khi lợi nhuận liên tục tăng mạnh bất chấp dịch Covid-19 bùng phát. Dự phòng rủi ro nợ xấu một mặt để dự phòng cho các khoản nợ xấu theo đúng nghĩa nếu khách hàng không trả được nợ nhưng một mặt cũng được coi là “của để dành” của ngân hàng bởi nhiều khoản nợ được thu hồi. Khi đó, dự phòng này sẽ hoàn nhập trong tương lai và chuyển thành lợi nhuận.