UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 171/KH-UBND về việc khắc phục tồn tại, hạn chế trong công tác thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.
UBND TP. Hà Nội xác định, trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội, sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 của Chính phủ.
Cụ thể, xây dựng và ban hành kế hoạch tổng rà soát, kiểm định chung cư cũ, bố trí nguồn vốn ngân sách dự kiến khoảng 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021.
Xây dựng và ban hành Kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ giai đoạn 2021- 2025 đối với các chung cư cũ đã có kết quả kiểm định để triển khai thực hiện quy trình tổ chức lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, xây dựng và ban hành Kế hoạch và bố trí nguồn vốn ngân sách lập các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tổng mặt bằng; Tổ chức lựa chọn nhà đầu tư; Tạo lập quỹ nhà tạm cư; Thực hiện các chính sách về ưu đãi đầu tư.
Mặt khác, Thành phố cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến cơ chế chính sách của Nhà nước, Thành phố để tạo sự đồng thuận của xã hội, các chủ sở hữu nhà chung cư cũ, người dân khi thực hiện di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm, phá dỡ, giải phóng mặt bằng, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; vận động người dân tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, như Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh, người dân tại nhiều khu nhà chung cư cũ tại Hà Nội đang “đặt vấn đề” về kết quả thẩm định mức độ nguy hiểm của cơ quan chức năng.
Đơn cử như tại nhà E6 khu tập thể Thành Công, ghi nhận tình trạng chống đỡ khung thép gia cường cả 5 tầng, có nhiều vết nứt cổ trần, xuất hiện khe hở giữa cầu thang và tường, nhiều chỗ bong tróc.
Tại nhà E4, ghi nhận tình trạng chống đỡ khung thép gia cường 1 phần, có một số vết nứt và bong tróc tường. Theo phản ánh của người dân tại đây thì sau 8 năm kiến nghị nhà E6 mới được xác định mức nguy hiểm cấp C để được gia cố chống đỡ.
Trong khi đó, cũng thuộc khu tập thể này, nhà chung cư G6A hiện bị đánh giá là một trong hai chung cư nguy hiểm nhất (cấp độ D) tại Hà Nội. Tuy nhiên, người dân ở đây cho rằng chất lượng của nhà G6A còn tốt hơn 2 đơn nhà E6, E4.
Hay trường hợp của nhà A7 Tân Mai, cư dân tại đây hiện còn nhiều băn khoăn với kết quả xếp hạng nguy hiểm cấp C, đang chờ đợi để được kiểm định lại.
Theo quy định nếu nhà chung cư cũ có mức nguy hiểm cấp C thì việc di dời, cải tạo chưa được tiến hành ngay, do đó người dân tiếp tục phải sống chung với bất an.
Trước tình trạng trên, các chuyên gia đánh giá, dù là ở cấp độ nào thì những nguy hiểm là hiển hiện và an toàn của con người là quan trọng nhất. Do đó, việc xác định chính xác, thuyết phục mức độ nguy hiểm của các khu chung cư cũ là cần thiết để đảm bảo hiệu quả của chính sách cải tạo chung cư cũ hiện nay.
Trao đổi với DĐDN, ông Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng cần nhận diện và phân loại rõ từng loại chung cư cũ. Từ đó có trình tự thực hiện các dự án cải tạo chung cư cụ thể khác nhau, không thể có một khung chính sách chung cho tất cả các loại chung cư.