Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định, hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước có thoả thuận về áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt với Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia, thì để được hưởng các chế độ ưu đãi, người khai hải quan cần phải nộp C/O cho cơ quan hải quan.
Để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, C/O là chứng từ bắt buộc phải nộp cho cơ quan hải quan để xem xét áp dụng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Về quá trình xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu, theo Tổng cục Hải quan, ngay sau khi nhận được kiến nghị, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành có liên quan và gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất xử lý theo đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Cụ thể, tại Thông báo số 433/TB-VPCP ngày 20/11/2018, Phó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến các đại biểu dự họp, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm đến C/O xăng dầu nhập khẩu trong giai đoạn từ ngày 14/9/2016 đến ngày 8/3/2017 theo đúng quy định của pháp luật về hải quan, xuất nhập khẩu, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì xử lý theo đúng quy định của pháp luật và thẩm quyền, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan hải quan tiến hành truy thu số tiền thuế chênh lệch giữa mức thuế suất ưu đãi đặc biệt với mức thuế MFN đối với các tờ khai nhập khẩu xăng dầu không đủ điều kiện áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Thực hiện theo cam kết quốc tế, thời điểm nộp C/O theo Quy tắc 13 Phụ lục 8 Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN thì thời điểm nộp C/O được quy định cụ thể trong cam kết quốc tế là tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Hiệu lực C/O là 12 tháng kể từ ngày cấp. C/O cần phải nộp tại thời điểm làm thủ tục hải quan và phải còn giá trị hiệu lực tại thời điểm nộp. Để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt, thời điểm nộp C/O là tại thời điểm làm thủ tục hải quan và C/O phải còn giá trị hiệu lực tại thời điểm nộp.
Ngoài các nội dung trên, Tổng cục Hải quan cũng hướng dẫn chi tiết thẩm quyền hướng dẫn xác định xuất xứ. Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Luật Hải quan: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định thủ tục, thẩm quyền, thời hạn xác định xuất xứ hàng hóa. Khoản 4 Điều 24 Luật Hải quan: Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mẫu tờ khai hải quan, việc sử dụng tờ khai hải quan và chứng từ thay thế tờ khai hải quan, các trường hợp phải nộp, xuất trình chứng từ có liên quan quy định tại khoản 1 Điều 24.
Trong trường hợp cần thiết để kịp thời áp dụng chính sách quản lý phù hợp phục vụ điều hành chính sách để ổn định nền kinh tế nhưng vẫn đảm bảo đúng thẩm quyền, Bộ Tài chính căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay. Đây là thực tế quản lý phát sinh trong quản lý điều hành và các nội dung hướng dẫn thuộc thẩm quyền xử lý của Bộ Tài chính, phù hợp với cam kết quốc tế và quy định trong nước. Nội dung này hiện nay được quy định tại khoản 2, Điều 26 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 và khoản 1, Điều 4 Thông tư số 38/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.
Theo Tổng cục Hải quan, xăng dầu là hàng hóa thuộc hoạt động điều tiết giá, mức thuế suất thuế nhập khẩu được sử dụng tính giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu là mức thuế suất bình quân gia quyền căn cứ trên số tiền thuế xác định tại thời điểm nhập khẩu.
Do vậy, giai đoạn từ ngày 14/9/2016 – trước ngày 9/3/2017, để phù hợp với chính sách quản lý điều hành về giá cơ sở, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn riêng đối với mặt hàng xăng dầu phải nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan…