Giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 ngay trong tháng 7

0
138

Lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp sẽ giảm từ 0,5-2,5%

Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng giám đốc Techcombank cho biết, ngành Ngân hàng nói chung và Techcombank đã tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng rất nhiều theo chỉ đạo chung của Chính phủ và của ngành Ngân hàng, tính đến nay hoạt động hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 của Techcombank đã hơn 100 tỷ đồng. Techcombank cũng tích cực tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để khách hàng có đủ dòng tiền trong kinh doanh trong lúc khó khăn.

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, năm 2020 đến nay, Techcombank liên tục giảm lãi suất, trong đó nhóm lĩnh vực ưu tiên có lãi suất cho vay là dưới 4,5%/năm; các lĩnh vực kinh tế thiết yếu lãi suất cho vay vào khoảng 6-7%/năm, thậm chí có khách hàng thấp hơn…

“Techcombank đồng thuận giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng”, ông Phạm Quang Thắng cho biết. Tuy nhiên, ông Phạm Quang Thắng cũng lưu ý, trong hỗ trợ không nên cào bằng mà nên tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất thiết yếu cho nền kinh tế, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn…

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV) Agribank cho biết, ngay sau cuộc họp với NHNN về triển khai Nghị quyết 63 vào cuối tuần trước, Agribank đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. “Trong chiều nay, HĐTV của Agribank sẽ họp để đưa ra mức giảm lãi suất, có khoản sẽ giảm 0,5%, có khoản sẽ giảm 2 – 2,5%; trung bình, lãi suất cho vay của ngân hàng sẽ giảm khoảng 1%”, ông Nguyễn Viết Mạnh cho biết thêm.

Bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc MB cũng cho biết, trước mắt, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1% hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương).

Hài hoà lợi ích và đảm bảo an toàn hệ thống

Theo đại diện một số ngân hàng, để giảm lãi suất, các ngân hàng cũng sẽ phải xin ý kiến cổ đông, vì giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay.

Đại diện LienvietPostBank cho biết, với tổng dư nợ của ngân hàng khoảng 191 nghìn tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất khoảng bình quân 1%/năm thì ngân hàng sẽ giảm lợi nhuận khoảng 600 tỷ đồng.

Tương tự, Phó Tổng Giám đốc Sacombank Phan Đình Tuệ cũng cho rằng, giảm lãi suất bao nhiêu % là hợp lý. Với tổng dư nợ của Sacombank đang vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ông Tuệ cho biết, Sacombank cũng sẽ thực hiện giảm lãi suất, tuy nhiên, sẽ chỉ giảm cho các đối tượng thực sự khó khăn.

Đại diện BIDV cũng thông tin, giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV trong năm 2021 cũng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Tại cuộc họp, các ngân hàng cũng đề nghị, NHNN cấp thêm room tín dụng trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank đã duy trì mặt bằng lãi suất thấp ngay từ đầu năm, đến nay, lãi suất cho vay bình quân ngắn hạn tại ngân hàng chỉ khoảng 6%/năm, trung dài hạn chỉ 8%/năm. “Đầu năm Vietcombank được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được NHNN nới room tín dụng trong những tháng cuối năm”, Ông Nguyễn Thanh Tùng đề nghị.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các NHTM tham dự cuộc họp như: BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị. Theo các ngân hàng, việc được NHNN cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ bày tỏ: NHNN đánh giá cao tinh thần “đồng cam cộng khổ” của các NHTM với khách hàng, với nền kinh tế giữa lúc đại dịch đang diễn biến vô cùng phức tạp. Về phần cơ quan quản lý, chúng tôi sẽ theo sát diễn biến thị trường, lắng nghe các ý kiến phản hồi, sẵn sàng can thiệp kịp thời để đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các TCTD.

NHNN biết rằng, quy mô và năng lực mỗi ngân hàng một khác, do đó mức độ hỗ trợ khách hàng là khác nhau. Tuy nhiên, chúng tôi muốn nhìn thấy những con số hỗ trợ cụ thể để thị trường biết rằng, các ngân hàng đã hỗ trợ cho những nhóm/ngành/lĩnh vực nào, thậm chí là khách hàng nào, để tất cả đều thấy rằng, sự sẻ chia, sát cánh của hệ thống ngân hàng là nhanh chóng và thực chất.

Thông tin kỹ hơn về việc hỗ trợ của các ngân hàng thương mại tới nền kinh tế, ông Nguyễn Quốc Hùng- Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, ngành Ngân hàng đã và đang rất tích cực đồng hành chia sẻ với người dân và doanh nghiệp để vượt qua đại dịch COVID-19. Thực tế là ngành Ngân hàng là ngành đầu tiên có những quyết sách hỗ trợ ngay khi đại dịch xảy ra như ban hàn Thông tư 01, Thông tư 03, giảm phí… và liên tục giảm lãi suất.

Tuy nhiên, theo ông Hùng, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất. Bởi lẽ, các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành Ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn. “Hiện tại ngành Ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trong tương lai khi nợ xấu do đại dịch COVID-19 gây ra, ai sẽ chia sẻ với ngành Ngân hàng. Do vậy, hỗ trợ phải trên tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống”, ông Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.

Đối với việc áp dụng room tín dụng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng kiến nghị NHNN xem xét cách giao chỉ tiêu tín dụng hàng năm. Đặc biệt, với các ngân hàng đã áp dụng tốt Basel II và Basel III nên được tạo thuận lợi khi cấp room tín dụng.

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành với các tổ chức hội viên trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ngân hàng, đặc biệt liên quan đến góp ý về các văn bản pháp luật có liên quan. Để từ đó, các chính sách khi được ban hành sẽ hài hòa lợi ích các TCTD và Nhà nước, đảm bảo an toàn hệ thống.

Các ngân hàng đã thống nhất việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, với mức giảm phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcNgân hàng tính toán giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh đến hết năm 2021
Bài tiếp theo[Infographics] Một số kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2021 của ngành BHXH Việt Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây