1. Đặt vấn đề
Biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, môi trường ô nhiễm đang ảnh hưởng tới sự ổn định môi trường sống của con người và là vấn đề khiến hầu hết các quốc gia trên thế giới quan tâm. Tại Việt Nam, từ tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2050”, nhằm góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nghèo và đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Tín dụng ngân hàng với chức năng là trung gian tài chính, huy động nguồn lực vốn cho sự phát triển kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc phát triển bền vững kinh tế đất nước. Do đó, các chính sách tín dụng xanh là giải pháp quan trọng hướng nền kinh tế tới mục tiêu tăng trưởng xanh.
Khi hệ thống ngân hàng triển khai tín dụng xanh – hoạt động tín dụng nhằm khuyến khích các hoạt động vì môi trường và giảm phát thải các-bon, sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó mang lại những lợi ích rất lớn cả về tăng trưởng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân và bảo vệ môi trường.
Điều này không chỉ mang lại lợi ích đối với doanh nghiệp (DN) thực hiện các dự án phát triển kinh tế, mà còn mang lại lợi ích cho chính sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng thông qua việc giảm thiểu các khoản nợ khó đòi, tăng cường mức độ ổn định tài chính và bảo vệ danh tiếng trên thị trường. Tuy nhiên, hiện nay, tín dụng xanh ở Việt Nam còn khá mới mẻ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng chỉ mới ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và các ngân hàng (NH) chỉ trong giai đoạn đầu triển khai thực hiện chỉ thị này. Vì vậy, việc nghiên cứu để đưa ra các giải pháp nhằm phát triển tín dụng xanh, góp phần vào sự phát triển bền vững của hệ thống NH cũng như của nền kinh tế Việt Nam là rất cần thiết.
2. Các nghiên cứu trước
Đã có nhiều nghiên cứu về NH xanh, bao gồm cả nội dung về tín dụng xanh như:
Nghiên cứu của Nigamananda Biswas (2011) cho thấy những lợi ích chính, những thách thức, các khía cạnh chiến lược của NH xanh. Nghiên cứu cũng trình bày tình trạng của các NH Ấn Độ và khuyến nghị các NH phải đóng vai trò chủ động đưa ra vấn đề môi trường và sinh thái như là một phần của nguyên tắc cho vay, nhờ đó sẽ buộc các ngành công nghiệp đầu tư cho quản lý môi trường, sử dụng công nghệ và hệ thống quản lý phù hợp để thúc đẩy NH xanh vì sự phát triển bền vững của quốc gia.
Nghiên cứu hoạt động NH xanh ở các NH Ấn Độ, K. Sudhalakshmi và K. M. Chinnadorai (2014) cho thấy, mặc dù các NH đóng vai trò chủ động trong nền kinh tế mới nổi của Ấn Độ nhưng vẫn chưa có sự dẫn đầu trong vấn đề NH xanh. Nhóm tác giả cũng đưa ra các định hướng để các NH hướng tới phát triển xanh như áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường trong cho vay, coi vấn đề bảo vệ tài nguyên thiên nhiên là nguyên tắc coi trọng trong đánh giá khoản cho vay và có sự hợp tác của các khách hàng trong việc giảm các-bon, chủ động theo đuổi các chương trình xanh vì sự phát triển bền vững.
Trong khi đó, nghiên cứu của Vikas Nath và cộng sự (2014) đã làm nổi bật tiêu chuẩn đánh giá xanh do NH dự trữ Ấn Độ ban hành, , tiêu chuẩn môi trường và xã hội của Ngân hàng Thế giới, những sáng kiến của các NH ở Ấn Độ trong việc áp dụng các thực hành về NH xanh. Nghiên cứu này cũng phân tích các hoạt động NH xanh của các NH hàng đầu ở Ấn Độ, từ đó đưa ra các chiến lược phát triển NH xanh như thay đổi hoạt động thường xuyên của NH thông qua việc áp dụng NH trực tuyến, đầu tư vào công nghệ các-bon thấp, phát triển sản phẩm và dịch vụ mới bền vững nhằm giảm thiểu những rủi ro của biến đổi khí hậu, áp dụng các tiêu chuẩn môi trường đối với các nguyên tắc cho vay và tài chính để người vay hướng đến sử dụng các công nghệ thích hợp làm giảm lượng các-bon; thiết kế hệ thống để đánh giá rủi ro liên quan môi trường trước khi đầu tư vào các dự án khác nhau.
Ngoài ra, nghiên cứu của Md. Mustafizur Rahman và cộng sự (2013) về NH xanh ở Bangladesh cho thấy, các NH có thể trở nên “xanh” thông qua thực hiện những thay đổi trong 6 lĩnh vực chính trong hoạt động NH gồm: (i) Quản lý đầu tư; (ii) Quản lý tiền gửi; (iii) Văn phòng xanh; (iv) Quy trình tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực, (v) Trách nhiệm xã hội; (vi) nhận thức của khách hàng.
Nghiên cứu của Raad Mozib Lalon (2015) tập trung vào các hoạt động NH xanh của các NH ở Bangladesh và so sánh hoạt động của NH xanh của các ngân hàng thương mại (NHTM). Đồng thời nghiên cứu cũng thảo luận về các quy định liên quan đến NH xanh ở đất nước này. Từ đó, tác giả đưa ra các khuyến nghị như NH Bangladesh phải theo dõi các hoạt động NH xanh của các NH; Chính phủ nên khuyến khích và cố gắng để tạo ra nhận thức về NH xanh, có sự phối hợp của các đơn vị có liên quan để chia sẻ kiến thức và bí quyết kỹ thuật, cũng như có cơ sở dữ liệu để hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn thực hành NH xanh một cách có hiệu quả.
Ở Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn Hữu Huân (2014) về xây dựng NH xanh ở Việt Nam đã chỉ ra sự quan trọng của nghiệp vụ NH xanh, tham khảo những kinh nghiệm quốc tế và những bài học cho hoạt động của NH Việt Nam và sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Đề tài kiến nghị những chính sách, giải pháp thích hợp và bước khởi đầu khuyến khích hoạt động NH xanh tại Việt Nam như các NH khi tài trợ vốn cho các dự án cần quan tâm đến vấn đề về tác động đến môi trường, theo dõi quản trị rủi ro môi trường trong suốt thời gian dự án, đầu tư vào các dự án môi trường; đồng thời Chính phủ cần thiết kế cơ chế pháp lý và quy tắc môi trường cho các NH, nhằm tạo động lực cũng như sự ràng buộc của hệ thống NH đối với vấn đề tăng trưởng xanh của đất nước.
Nghiên cứu của Vũ Thị Kim Oanh (2015) cũng phân tích kinh nghiệm của 1 số quốc gia trên thế giới trong việc xây dựng và phát triển NH xanh, trên cơ sở đó đưa ra những khuyến nghị để phát triển NH xanh ở Việt Nam như hệ thống NH phải có những hành động thiết thực triển khai NH xanh và tín dụng xanh nhằm hướng tới phát triển bền vững; Có những văn bản pháp lý quy định cụ thể về hoạt động NH xanh và tín dụng xanh để tạo sân chơi bình đẳng cho các NHTM; Nâng cao nhận thức của xã hội nói chung và của các cán bộ NH về bảo vệ môi trường, giảm thiểu những tác động tiêu cực của hoạt động NH đến môi trường, xã hội.
3. Kinh nghiệm thực hiện tín dụng xanh tại một số quốc gia
Chính sách “Tín dụng Xanh” của Trung Quốc được ban hành vào tháng 7/2007 nhằm khuyến khích các NH Trung Quốc thực hiện cấp tín dụng cho các dự án ít gây ô nhiễm, thân thiện với môi trường hay sử dụng năng lượng tái tạo. Chính sách Tín dụng xanh cũng đã đạt được những kết quả ban đầu khá ấn tượng với sự gia tăng đáng kể nguồn vốn vào các dự án xanh tại Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đã mất gần 5 năm kể từ khi bắt đầu ra chính sách cho đến khi xây dựng được một hướng dẫn tương đối chi tiết để thực hiện chính sách này (tháng 02/2012). Một trong những khó khăn lớn nhất của việc thực hiện chính sách này ở Trung Quốc là việc thiếu đi một hệ thống đánh giá đáng tin cậy về các ngành nghề và các cơ sở gây ô nhiễm môi trường để làm căn cứ cho các NH phân loại dự án, đặc biệt là khi nhiều ngành gây ô nhiễm cũng đang là những ngành mang lại lợi nhuận cao cho nhiều địa phương.
Tại Hoa Kỳ có quy định về trách nhiệm đối với môi trường không chỉ của doanh nghiệp gây ô nhiễm mà còn của các bên liên quan khác, trong đó có thể bao gồm cả NH cho vay các công trình, dự án gây ô nhiễm khi thông qua Đạo luật Bồi hoàn Môi trường Toàn diện (CERCLA – Comprehensive Environmental Response, Compensation, and Liability Act) năm 1980.
Mặc dù Đạo luật này có miễn trừ trách nhiệm của người cho vay (thường là các tổ chức tín dụng), nhưng những trường hợp người cho vay có tham gia một mức nhất định đến việc đảm bảo an toàn môi trường, xã hội của công trình hay dự án gây ô nhiễm (ví dụ: sở hữu) cũng phải nộp phạt một khoản phí không nhỏ.
Bên cạnh đó, những quy định nghiêm ngặt của CERCLA về bồi hoàn môi trường cũng tác động gián tiếp đến các NH. Nếu phải bồi hoàn môi trường thì chủ đầu tư dự án sẽ mất khả năng trả nợ cho NH. Viện Quốc tế về Phát triển Bền vững (IISD) dẫn kết quả một cuộc điều tra của Hiệp hội Ngân hàng Mỹ cho biết, sau vụ Fleet Factors (tập đoàn tài chính đã bị tòa án Mỹ ra phán quyết phải thực hiện bồi hoàn môi trường do đầu tư và có liên đới trực tiếp đến một công trình gây ô nhiễm), 63% NH ở Mỹ đã từ chối cấp vốn cho các dự án mà họ đánh giá là có rủi ro về môi trường; 46% trong số các NH này đã quyết định chấm dứt tài trợ cho một số ngành hay gây ô nhiễm môi trường.
Tại châu Âu, năm 1989, Ủy ban Châu Âu (EC) đưa ra một bản dự thảo Chỉ thị về trách nhiệm dân sự đối với những tổn hại do rác thải. Tuy nhiên, đến năm 2004, Chỉ thị này mới được chính thức đưa ra sau khi EC thu hẹp bớt những quy định về người chịu trách nhiệm với cơ sở gây ô nhiễm do các NH châu Âu lo ngại đây sẽ trở thành một CERCLA thứ hai. Sau khi Chỉ thị này có hiệu lực (từ tháng 4/2004), các nước thành viên của EC có 3 năm để xây dựng luật tại quốc gia mình. Tuy nhiên, đến tháng 7/2010, việc này mới được hoàn tất, nên đánh giá về hiệu quả thực hiện còn hạn chế.
Bên cạnh việc luật hóa trách nhiệm như các ví dụ ở trên, có một số nỗ lực khác ngoài nhà nước nhằm thúc đẩy trách nhiệm của ngành NH đối với môi trường và xã hội, như: Sáng kiến tài chính của chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEPFI), Cam kết hiệp ước toàn cầu của Liên hợp quốc (UNGC), Nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Nguyên tắc xích đạo (EP), Nguyên tắc các-bon, Nguyên tắc khí hậu, ISO 26000 và một số sáng kiến, dự án khác.
Trong đó, EP – thỏa thuận không cho tài trợ trực tiếp các dự án mà chủ đầu tư dự án không hoặc không thể tuân thủ các chính sách và quy trình về quản lý rủi ro môi trường và xã hội, là bộ chuẩn mực được chính các tổ chức tài chính xây dựng và cam kết thực hiện. EP ra đời năm 2003 và đến nay đã có 78 tổ chức tài chính tham gia cam kết. Hiện nay, EP được xem như bộ chuẩn mực tự nguyện mang tính hướng dẫn tốt nhất đối với các nhà đầu tư tài chính. Một số quốc gia không có một chính sách chung như “Tín dụng xanh” nhưng các NH vì nhiều lý do có thể tự nguyện cam kết thực hiện các bộ tiêu chuẩn này.
4. Thực trạng tín dụng xanh ở Việt Nam
Về phía NHNN, trong thời gian qua, với nhận thức về vai trò quan trọng việc tham gia tích cực hơn của hệ thống tài chính – ngân hàng trong “xanh hóa” nền kinh tế, cũng như nhận thức rủi ro môi trường trong hoạt động NH ngày càng tăng, NHNN phối hợp cùng các tổ chức quốc tế như Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ)… đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm và tiến hành các khảo sát để hướng đến triển khai chính sách tín dụng xanh tại Việt Nam. Điển hình như hội thảo “Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành NH” được tổ chức vào ngày 21 – 22/8/2012; hội thảo “Tài chính và Ngân hàng xanh” (ngày 25/6/2013); tọa đàm về chủ đề “Báo cáo kết quả nghiên cứu về tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam” (ngày 19/3/2015); tọa đàm “Thực tiễn triển khai hoạt động ngân hàng xanh – bền vững tại NHTM” (ngày 16/11/2015),…
Về quy định pháp lý liên quan đến tín dụng xanh, NHNN đã và đang phối hợp với IFC xây dựng văn bản quy định về quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư. Tháng 4/2014, NHNN đã gửi xin ý kiến Dự thảo thông tư quy định về quản lý rủi ro môi trường, xã hội. Mặc dù đến nay, thông tư này vẫn chưa được ban hành, nhưng vào ngày 24/3/2015, NHNN đã có Chỉ thị số 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Theo đó, từ năm 2015, hoạt động cấp tín dụng cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng; cải thiện chất lượng môi trường và bảo vệ sức khỏe con người, đảm bảo phát triển bền vững. NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế tín dụng cho phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh.
Các TCTD tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất – kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Việc ban hành Chỉ thị 03 mới đây thể hiện cam kết mạnh mẽ của NHNN trong nỗ lực thúc đẩy tín dụng xanh và Chỉ thị mới này sẽ tạo hành lang cho phép tất cả các NH tại Việt Nam có cơ sở trong quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của mình.
Về phía các NHTM, trước đây, các ngân hàng chưa có chính sách tín dụng xanh hay chính sách ưu tiên cho các hoạt động liên quan tới bảo vệ môi trường. Nhưng với sự đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, cùng các hoạt động tài trợ tăng cường nhận thức và thúc đẩy triển khai từ NHNN và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO) thì NH Việt Nam đã bắt đầu quan tâm tới tín dụng xanh, quan tâm tới các dự án đầu tư mang lại lợi ích cho môi trường.
Các quy định về chính sách tín dụng xanh đã thấy ở VietinBank, Techcombank, ABBANK, Sacombank… Xu hướng tín dụng hướng tới phát triển toàn diện và bền vững có thể còn mạnh hơn trong thời gian tới với sự hỗ trợ mạnh mẽ về chính sách của cơ quan quản lý. Rất nhiều NH trong nước đã và đang triển khai các sản phẩm tín dụng xanh như cho vay tiết kiệm năng lượng, cho vay năng lượng tái tạo, cho vay sản xuất sạch hơn… (Lê Hà, 2015). Tuy nhiên, hiện các “dòng tín dụng xanh” phần lớn vẫn dựa trên các dự án có tài trợ quốc tế. Bởi NH vẫn còn e ngại về rủi ro tín dụng từ các dự án đầu tư xanh (Thành Long, 2015).
Việc các NHTM còn chưa quan tâm nhiều đến việc phát triển tín dụng xanh xuất phát từ các nguyên nhân về việc quản lý nhà nước cũng như nhận thức của các NHTM về vai trò của tín dụng xanh.
Về quản lý Nhà nước, hiện nay các chế tài về xử lý ô nhiễm quy định trong Luật Bảo vệ môi trường cũng như trong Bộ luật Hình sự (phần quy định về tội phạm môi trường) cũng chỉ áp dụng với các tổ chức, cá nhân trực tiếp gây ô nhiễm, chưa có quy định chế tài đối với đơn vị tài trợ hay cho vay các dự án gây ô nhiễm. Do không bị quy kết về mặt trách nhiệm, nên cán bộ tín dụng của các NH cũng không quan tâm đánh giá tác động môi trường trong quá trình thẩm định cho vay. Ngoài ra, việc các NH không thực hiện đánh giá rủi ro môi trường và xã hội còn do họ không biết về vấn đề này.
Tại Hội thảo “Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành NH” do NHNN Việt Nam phối hợp IFC tổ chức vào ngày 21- 22/8/2012, Công ty Tư vấn MCG trình bày kết quả khảo sát về hoạt động quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành NH ở Việt Nam thì 89% số NH tham gia khảo sát không biết đến bất kỳ tài liệu hướng dẫn hay tiêu chí nào về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong ngành Tài chính; 93% các NH cũng cho rằng cần có hướng dẫn về vấn đề này.
Tuy vậy, nguyên nhân chính của việc các NHTM chưa phát triển tín dụng xanh là do ngân hàng chưa nhận thức sâu sắc được những rủi ro mà một dự án gây ô nhiễm có thể gây ra cho bản thân họ nếu họ tài trợ vốn cho dự án đó. Trong một thế giới đang đi theo xu hướng phát triển bền vững, những dự án không thân thiện với môi trường sẽ phải gánh chịu rất nhiều áp lực, khiến cho dự án có thể bị tẩy chay hoặc đình chỉ, dẫn tới DN bị phá sản, vỡ nợ là điều không thể tránh khỏi.
Kết thúc này cũng tương đương với sự phát sinh những khoản nợ xấu tại các NH, nơi đã cấp tín dụng cho chủ đầu tư. Đó là chưa kể danh tiếng và uy tín của NH cũng bị ảnh hưởng từ những vụ kiện tụng của người dân liên quan đến dự án này. Bên cạnh đó, nhiều NHTM không ưu tiên các dự án tiết kiệm năng lượng, dự án thân thiện với môi trường… vì đây là những dự án sử dụng công nghệ mới, cần một lượng vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài.
Đương nhiên, cùng một khối tài sản thế chấp, NH sẽ cảm thấy an toàn hơn nếu cung cấp tín dụng cho các dự án cần ít vốn đầu tư hơn, thời gian thu hồi vốn nhanh hơn. Do đó, các NH chưa sẵn sàng đánh đổi giữa các lợi ích kinh tế từ những dự án gây tác động môi trường và việc trở thành một NH “xanh hơn” với những lợi ích còn chưa nhìn thấy được.
Tóm lại, hiện nay dù NHNN đã tổ chức nhiều hội thảo về ngân hàng xanh nói chung và tín dụng xanh nói riêng nhưng các NHTM Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc phát triển tín dụng xanh. Điều này là do các NHTM chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của tín dụng xanh trong sự phát triển bền vững của NH, cũng như do chưa có những quy định pháp lý chặt chẽ liên quan tới vấn đề này.
5. Định hướng phát triển tín dụng xanh tại các ngân hàng thương mại Việt Nam
Xuất phát từ thực trạng trên, để đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh ở Việt Nam cần có sự vào cuộc của cả NHNN và các NHTM.
Về phía NHNN, cần xây dựng một kế hoạch của ngành NH bao gồm hệ thống các hành động, giải pháp toàn diện từ cơ chế, chính sách đến các chương trình tín dụng xanh cụ thể, cũng như phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức có liên quan có các cơ chế khuyến khích, tăng cường vốn và năng lực,… nhằm hỗ trợ các NH thực hiện, triển khai các chương trình tín dụng xanh, trong đó 1 số giải pháp cụ thể là:
Tiếp tục hợp tác với các tổ chức tài chính phát triển quốc tế có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bền vững, tín dụng xanh để xây dựng một đội ngũ giảng viên có kiến thức, hiểu biết về tín dụng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội, từ đó tổ chức các lớp đào tạo nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực ngành NH trong lĩnh vực còn tương đối mới mẻ đối với thị trường Việt Nam.
Xây dựng và ban hành Thông tư quy định về đánh giá rủi ro môi trường và xã hội để quy định bắt buộc tất cả các tổ chức tín dụng trong hệ thống áp dụng các nguyên tắc chung quản lý rủi ro môi trường, xã hội trong hoạt động cấp tín dụng và đầu tư, tạo cơ sở pháp lý cho các NH thực hiện tín dụng xanh. Việc cho ra đời Thông tư này là điều cần thiết để góp phần giúp thực hiện được các chiến lược về tín dụng xanh, vì nếu thiếu các quy định mang tầm quốc gia và trên toàn hệ thống thì có thể các NH sẽ không thấy trách nhiệm phải tuân thủ. Ngược lại, nếu có các quy định, hướng dẫn cụ thể trong hệ thống tài chính thì mọi thành phần tham gia sẽ đều thấy trách nhiệm của mình.
Xây dựng và phổ biến bộ chỉ tiêu về đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành kinh tế cụ thể có nguy cơ rủi ro cao. Đây sẽ là công cụ để các NH xác định các rủi ro môi trường và xã hội khi thẩm định đơn xin cấp tín dụng cho một số ngành cụ thể. Bên cạnh đó, NHNN cũng cần tổ chức một số lớp đào tạo về sử dụng các công cụ quản lý rủi ro môi trường và xã hội cho cán bộ nòng cốt về quản lý rủi ro môi trường và xã hội và thẩm định tín dụng tại các NH.
Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm để trao đổi kinh nghiệm thực hiện tín dụng xanh với tổ chức, NH quốc tế hoạt động tốt trên lĩnh vực này. Việc tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo sẽ là cơ hội chia sẻ rất cần thiết để tập hợp các ý tưởng, sáng kiến, kinh nghiệm thực tiễn tại các NH quốc tế, từ đó giúp các NHTM Việt Nam bước đầu thí điểm và tiến tới xây dựng chiến lược về chính sách và các chương trình tín dụng xanh của mình. Qua các buổi hội thảo, các đại biểu tham dự cũng sẽ nhận thức rõ hơn các rủi ro tiềm ẩn đối với ngân hàng mình nếu như không xem xét đến các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội khi tài trợ một dự án.
Tuyên truyền về các lợi ích của việc thực hiện tín dụng xanh, làm cho các NH tin rằng việc phát triển tín dụng xanh sẽ không chỉ giúp cho nền kinh tế – xã hội trong định hướng phát triển xanh nói chung, mà còn tốt cho chính từng NH và khách hàng của họ nói riêng xét cả về uy tín thương hiệu và những giá trị khác mang lại. Khi họ tin, trách nhiệm thực hiện cũng sẽ tốt hơn.
Phối hợp với các bộ, ngành đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích để phát triển tín dụng xanh như hỗ trợ lãi suất, giảm thuế…
Đối với các NHTM, trước yêu cầu bắt buộc phải thực hiện tín dụng xanh, áp dụng quản lý rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, các NH cần nghiên cứu, tìm hiểu về vấn đề này để thấy tín dụng xanh đang là một chiến lược rất phổ biến và ngày càng được nhiều các NH áp dụng. Chiến lược này giúp các NH đảm bảo quá trình phát triển của tổ chức không làm tổn hại đến con người, nguồn tài nguyên thiên nhiên và hệ sinh thái. Việc này cũng giúp các NH bảo vệ danh mục tín dụng khỏi những rủi ro kinh doanh và tìm kiếm những cơ hội kinh doanh mới thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN nên các NH của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các NH trong khu vực, trong đó rất nhiều NH đã đi theo các tiêu chuẩn về môi trường và xã hội quốc tế. Vì vậy, để chiếm ưu thế trong các cơ hội kinh doanh mới và mở rộng thị phần, các NH của Việt Nam cần đáp ứng được với xu hướng chung đó. Nhận thức được sự cần thiết cũng như lợi ích to lớn của tín dụng xanh, các NH cần triển khai các giải pháp để phát triển tín dụng xanh như:
Xây dựng định hướng phát triển tín dụng xanh thông qua việc ban hành quyết định thành lập ban triển khai đề án; hoàn thiện cơ chế chính sách phù hợp để hướng tới các mục tiêu như: rà soát và cập nhật các nội dung của chính sách về quản lý môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; xây dựng định hướng tín dụng hàng năm, trong đó có nội dung về quản lý môi trường; xây dựng hướng dẫn thẩm định rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng.
Tăng cường năng lực cho cán bộ, nhân viên trong việc thực hiện tín dụng xanh thông qua tổ chức đào tạo, tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên về hoạt động NH xanh – tín dụng xanh; nâng cao ý thức sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường; nâng cao trình độ nghiệp vụ thẩm định về rủi ro môi trường xã hội của các dự án;…
Chủ động tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ/ban/ngành đầu mối, hoặc tiếp cận trực tiếp các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, Quỹ tín thác tín dụng xanh (GCTF do SECO thành lập ở Việt Nam)… để có nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.
Nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh; có chính sách khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh thân thiện với môi trường như ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay… đồng thời công bố rộng rãi các chương trình này và tích cực tìm kiếm khách hàng phù hợp.
Thực hiện nghiêm túc quy trình thẩm định. Theo đó, NH phải đánh giá tác động của dự án đến môi trường, xã hội, thẩm định yếu tố rủi ro về môi trường và an sinh xã hội của dự án trước khi cấp tín dụng, kiểm tra trong hồ sơ xin vay vốn phải có bản đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; loại trừ hoặc hạn chế cấp tín dụng đối với các dự án có khả năng ảnh hưởng lớn và nghiêm trọng đến môi trường xã hội. Từ kết quả đánh giá tác động của dự án đến môi trường – xã hội, NH phải đưa ra các biện pháp quản lý đối với dự án.
Tác động và ảnh hưởng của dự án đến môi trường xã hội càng cao thì các biện pháp quản lý càng chặt chẽ và yêu cầu khách hàng phải có biện pháp xử lý, khắc phục các vấn đề ảnh hưởng đến môi trường xã hội. Song song đó, NH cần thường xuyên, định kỳ kiểm tra giám sát việc quản lý rủi ro môi trường và xã hội đối với khoản tín dụng đã cấp cho khách hàng. Việc kiểm soát chặt ngay từ khâu thẩm định tín dụng, hạn chế cấp tín dụng cho các dự án tác động xấu đến môi trường và xã hội, đồng thời giám sát thường xuyên khoản tín dụng đã cấp sẽ góp phần hạn chế những rủi ro về mặt môi trường, xã hội. Ngoài ra, còn có tác dụng khuyến khích các DN hướng tới các hoạt động sản xuất – kinh doanh sạch và an toàn hơn.
Khi áp dụng các giải pháp trên, các NH cũng sẽ phải chịu một số chi phí trong việc thực hiện quản lý rủi ro môi trường – xã hội trong ngắn hạn như phí hành chính để phát triển môi trường tốt và hệ thống quản lý rủi ro môi trường xã hội; chi phí thuê chuyên gia tư vấn, chi phí đào tạo cán bộ quản lý cho các dự án có nguy cơ rủi ro cao…
Tuy nhiên, chi phí này sẽ được hoàn lại từ khả năng tăng lợi thế cạnh tranh và nâng cao uy tín trên thị trường của NH. Nhưng quan trọng hơn cả, về lâu dài, điều này sẽ giúp NH hạn chế rủi ro, bảo toàn được nguồn vốn cho vay. Vì vậy, thay vì coi quản lý môi trường là một chi phí gia tăng cho tổ chức, các tổ chức tài chính NH cần coi đó là chi phí để phát triển bền vững, là một lợi thế cạnh tranh, là một cơ hội phát triển và là một phần không thể thiếu trong cơ cấu quản lý rủi ro của tổ chức mình.
6. Kết luận
Như vậy, để phát triển tín dụng xanh, NHNN cần ban hành những quy định bắt buộc về quản lý rủi ro môi trường – xã hội cũng như có những hướng dẫn, hỗ trợ về chính sách, đào tạo nhân lực và tuyên truyền về tín dụng xanh. Bên cạnh đó, các NHTM cũng phải chủ động xây dựng chính sách tín dụng xanh, tìm các nguồn tài trợ để nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, thực hiện nghiêm túc việc thẩm định rủi ro môi trường – xã hội khi cấp tín dụng, đồng thời NH cũng phải nâng cao nhận thức cũng như trình độ của cán bộ, nhân viên tín dụng về tín dụng xanh.
Kinh nghiệm của Trung Quốc phải mất 5 năm mới xây dựng thành công chính sách tín dụng xanh. Do vậy, Việt Nam cũng cần có lộ trình và thời gian thực hiện phát triển tín dụng xanh. Với sự thống nhất từ chủ trương đến chính sách và sự phối hợp của các ban ngành và các NH, DN, tín dụng xanh sẽ sớm đạt được những kết quả khả quan, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành NH và của đất nước.
Tài liệu tham khảo:
- Sudhalakshmi, K.M.Chinnadorai. (2014). Green Banking Practices In Indian Banks. International Journal of Management and Commerce Innovations, 2(1), 232-235.
- Mustafizur Rahman, Md. Ali Ahsan, Md. Motahar Hossain, Meem Rafiul Hoq. (2013). Green Banking Prospects in Bangladesh. Asian Business Review, 2(4), 59-63.
- Nigamananda Biswas. (2011). Sustainable Green Banking Approach: The Need of the Hour. Business Spectrum, 1(1), 32-38.
- Raad Mozib Lalon. (2015). Green banking: Going green. International Journal of Economics, Finance and Management Sciences, 3(1), 34-42.
- Vikas Nath, Nitin Nayak, Ankit Goel. (2014). Green banking practices – a review. International Journal of Research in Business Management, 2(4), 45-61.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2012). Công bố Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Truy cập tại: http://www.mpi.gov.vn/Pages/tinbai.aspx?idTin=1450&idcm=194.
- Minh Cường (2015). Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng xanh, quản lý rủi ro môi trường. Truy cập tại: http://moitruong.com.vn/quy-dinh-phap-luat/thuc-day-tang-truong-tin-dung-xanh-quan-ly-rui-ro-moi-truong-14442.htm.
- Lê Hà (2015). Ngân hàng tính đường phát triển tín dụng xanh. Truy cập tại: http://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/242165/ngan-hang-tinh-duong-phat-trien-tin-dung-xanh.html.
- Nguyễn Hoài (2015). VietinBank và chiến lược “tín dụng xanh”. Truy cập tại: http://vneconomy.vn/doanh-nhan/vietinbank-va-chien-luoc-tin-dung-xanh-2015120110523028.htm.
- Nguyễn Hữu Huân (2014). Xây dựng ngân hàng xanh tại Việt Nam. Phát triển và Hội nhập, Số 14, tháng 01- 02/2014, 4-9.
- Vũ Thị Kim Oanh (2015). Ngân hàng xanh, kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam. Thị trường Tài chính tiền tệ, số 16, tháng 8/2015, 21-24.
- PanNature (2016). “Xanh hóa” ngành Ngân hàng: Áp dụng chuẩn mực bắt buộc hay khuyến khích tham gia tự nguyện. Truy cập tại: http://www.cepf.net/ SiteCollectionDocuments/indo_burma/FinalReport_PanNature_EcosystemServicesVietnam_Annex3.pdf.
- Thành Long (2014). Tín dụng xanh. Truy cập tại: http://www.daikynguyenvn.com/ kinh-doanh/tin-dung-xanh.html.
- Thành Long (2015). Tín dụng ngân hàng hướng đến phát triển kinh tế xanh. Truy cập tại: http://www.daikynguyenvn.com/kinh-doanh/tin-dung-ngan-hang-huong-den-phat-trien-kinh-te-xanh.html.
- Trang Trần (2014). Ngân hàng không thể “đùa” với rủi ro môi trường và xã hội. Truy cập tại: http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/ngan-hang-khong-the-dua-voi-rui-ro-moi-truong-va-xa-hoi-49104.html.
PGS,.TS. Nguyễn Thị Loan – TS. Nguyễn Thị Đoan Trang – Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, ThS. Hồ Văn Tài – Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, Nguyễn Quốc Huy – Đại học Lạc Hồng