Giải pháp phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, an toàn, bền vững

0
127

 Triển khai các hoạt động chấn chỉnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Trong thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã có bước phát triển nhanh, từng bước trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế theo đúng chủ trương về phát triển cân bằng thị trường vốn, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” của thị trường TPDN gây ra nguy cơ bất ổn đối với thị trường tài chính, dẫn đến việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cơ quan có thẩm quyền đã liên tiếp có động thái chấn chỉnh hoạt động thị trường trong thời gian gần đây.

Đó là, Thủ tướng Chính phủ đã có các công điện chỉ đạo tăng cường giám sát hoạt động thị trường TPDN. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra, siết chặt quản lý giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ như công ty chứng khoán thực hiện tư vấn phát hành, các tổ chức kiểm toán, định giá tài sản.

Điển hình như: Ngày 25/4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BTC về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về TPDN phát hành riêng lẻ.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý không còn phù hợp với thực tế; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động cung cấp dịch vụ trên thị trường; yêu cầu các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn chào bán rà soát kỹ các điều kiện, hồ sơ phát hành trước khi tổ chức phát hành trái phiếu.

Hay như vào tháng tháng 10/2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức kiểm tra tại 9 công ty chứng khoán và 2 doanh nghiệp bất động sản. Căn cứ kết quả kiểm tra, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính; chuyển cơ quan điều tra 1 trường hợp.

Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty con thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, do có hành vi công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ cho các đợt chào bán này. Trong thời gian tới, cơ quan này tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra tại các công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, tình hình tài chính yếu, mục đích phát hành không rõ ràng, trái phiếu phát hành không có tài sản đảm bảo…

Theo đánh giá của cơ quan quản lý, tồn tại trên thị trường TPDN trong thời quan qua tập trung chủ yếu vào việc: (i) Nhà đầu tư cố tình vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đầu tư vào TPDN riêng lẻ, mặc dù pháp luật đã cấm các đối tượng nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ; (ii) Phát hành ra công chúng nhưng không đăng ký chào bán TPDN với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; (iii) Không phải là công ty chứng khoán nhưng thực hiện hoạt động phân phối trái phiếu.

Những hành vi cố tình vi phạm thông qua việc chào bán cho nhà đầu tư cá nhân không đủ điều kiện là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc chào mời các cá nhân tham gia vào các hợp đồng đầu tư góp vốn cùng đầu tư vào trái phiếu như trường hợp của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thời gian qua cần phải được chấn chỉnh để bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư.

Việc xử phạt của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua là cần thiết để tăng tính minh bạch của thị trường và không ảnh hưởng đến mục tiêu và định hướng phát triển thị trường chứng khoán, thị trường TPDN.

Mới đây, tại Hội nghị “Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao, chủ động thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động thị trường tài chính, tiền tệ, không để một số vụ việc ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư, đến việc huy động vốn qua thị trường trái phiếu, cổ phiếu để phát triển kinh tế đất nước.

Tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau các biện pháp tăng cường kiểm tra, giám sát

Sau những động thái chấn chỉnh của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN trong các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi, khối lượng phát hành giảm, tuy nhiên trách nhiệm công bố thông tin, rà soát điều kiện phát hành được các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch tuân thủ đầy đủ hơn.

Cụ thể, về khối lượng phát hành, trong quý I/2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 138.809 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, trước thời điểm Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN có hiệu lực, tháng 2, tháng 3, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ giảm dần.

Tuy nhiên, trong tháng 4, sau khi có những thông tin về việc hủy các đợt phát hành trái phiếu của 3 công ty liên quan đến Tân Hoàng Minh, khối lượng phát hành TPDN riêng lẻ sụt giảm mạnh và ở mức khoảng 30 nghìn tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh nghiệp bất động sản và xây dựng là 2 nhóm phát hành trái phiếu nhiều nhất trong quý I/2022, chiếm tỷ lệ lần lượt là 50,98% và 18,87%; các ngân hàng thương mại chiếm 4,85%, các doanh nghiệp thương mại dịch vụ chiếm 6,8%, doanh nghiệp sản xuất chiếm 9,2%.

Trong tháng 4/2022, chủ yếu là trái phiếu do các tổ chức tín dụng phát hành (chiếm 63,4%), trái phiếu của nhóm bất động sản chiếm 11,6%. Hoạt động mua lại trái phiếu trước hạn tiếp tục được các doanh nghiệp thực hiện với khối lượng lớn.

Tính đến cuối tháng 4/2022, tổng khối lượng trái phiếu đã mua lại trước hạn là 24,7 nghìn tỷ đồng, tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, khối lượng trái phiếu được mua lại trong tháng 4 là 11,9 nghìn tỷ đồng, tương đương khối lượng mua lại trong cả quý I/2022.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc đính chính thông tin đã công bố về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu gửi cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.

Đồng thời, sau Chỉ thị số 01/CT-BTC của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành và tổ chức tư vấn đã thực hiện rà soát lại điều kiện và hồ sơ phát hành trước khi triển khai chào bán mới. Theo đó, khối lượng phát hành trong 2 tuần đầu tháng 5 tiếp tục giảm, đạt 5,2 nghìn tỷ đồng, chỉ tương đương 1/3 khối lượng phát hành cùng kỳ năm 2021.

Giải pháp phát triển ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên thị trường cũng như phát triển thị trường TPDN minh bạch, ổn định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch TPDN; đồng thời điều hành linh hoạt, ổn định tâm lý thị trường. Cụ thể:

Hoàn thiện khung pháp lý

Bộ Tài chính đang rà soát hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi một số quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, trong đó làm rõ một số nội dung như: (i) Phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ; (ii) Các điều kiện phát hành TPDN riêng lẻ; (iii) Quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp để hạn chế đối tượng nhà đầu tư cá nhân tham gia mua TPDN mà không quan tâm, đánh giá rủi ro; (iv) Việc minh bạch thông tin doanh nghiệp, quyền và trách nhiệm của các chủ thể tham gia thị trường, tăng cường chế tài để xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm để bảo vệ và khôi phục niềm tin của nhà đầu tư.

Trong thời gian đánh giá sửa các quy định có liên quan tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, Bộ Tài chính đang khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ để nâng cao chất lượng trái phiếu phát hành; định hướng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp vào các sản phẩm trái phiếu có chất lượng cao hơn; đưa trái phiếu vào giao dịch tập trung tại Sở Giao dịch chứng khoán để tăng tính minh bạch trên thị trường thứ cấp.

Điều hành thị trường

Để phát triển thị trường TPDN đảm bảo an toàn, bền vững, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp sau:

– Tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành. Trên cơ sở Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Theo đó, sau khi Thông tư được ban hành, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ.

– Thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thúc đẩy các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, tiếp tục tăng cường đào tạo, phát triển nhà đầu tư có đầy đủ kiến thức, năng lực tài chính khi tham gia thị trường.

– Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, đạo đức nghề nghiệp, năng lực quản trị của các tổ chức trung gian thị trường như công ty chứng khoán, công ty cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, doanh nghiệp thẩm định giá khi cung cấp các dịch vụ trên thị trường TPDN.

– Bộ Tài chính sẽ rà soát, đánh giá mức độ phát triển của thị trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các định chế trên thị trường tài chính ưu tiên đầu tư vào TPDN được xếp hạng cao.

– Tiếp tục tăng cường quản lý, giám sát thị trường và đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về: (i) Công tác quản lý giám sát sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính thực hiện trên cơ sở phối hợp giữa các cơ quan liên quan;

(ii) Các chính sách mới đối với phát hành, giao dịch TPDN để các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các tổ chức cung cấp dịch vụ tuân thủ quy định của pháp luật khi tham gia vào thị trường. Như vậy, mặc dù việc chấn chỉnh của cơ quanquản lý nhà nước đối với hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN trong thời gian qua có thể ảnh hưởng đến dòng tiền đầu tư vào thị trường này, nhưng về dài hạn đây là việc làm cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường. Bộ Tài chính sẽ tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn dài hạn, an toàn, hiệu quả cho các chủ thể trong nền kinh tế tham gia thị trường theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2020), Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế;

2. Bộ Tài chính (2022), Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 25/4/2022 về tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ về TPDN phát hành riêng lẻ;

3. Ngân hàng Nhà nước (2021), Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán TPDN.

*Theo Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính).

** Bài đăng lại trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 5/2022.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChiến lược tài chính đến năm 2030: Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững
Bài tiếp theoNâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực dự trữ quốc gia đến năm 2030

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây