1. Khái niệm và bản chất tài chính toàn diện
Cho đến nay, chưa có một định nghĩa thống nhất về tài chính toàn diện (financial inclusion) nhưng có một số quan điểm về tài chính toàn diện như sau:
Theo Ngân hàng Thế giới (2018), tài chính toàn diện có nghĩa là các cá nhân và doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm và dịch vụ tài chính – các giao dịch, thanh toán, tiết kiệm, tín dụng và bảo hiểm – đáp ứng nhu cầu của họ và có mức chi phí hợp lý, được cung cấp theo một cách thức có trách nhiệm và bền vững.
Như vậy, tài chính toàn diện là tất cả việc cung cấp các dịch vụ tài chính chính thức (thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm) một cách thuận tiện, phù hợp với nhu cầu và với chi phí hợp lý tới tất cả người dân.
Tài chính toàn diện không chỉ giới hạn trong việc cải thiện khả năng tiếp cận tín dụng, mà bao gồm cả nâng cao hiểu biết về tài chính cho người dân và bảo vệ người tiêu dùng. Tài chính toàn diện đặc biệt chú trọng đến nhóm cá nhân và tổ chức chưa được tiếp cận dịch vụ tài chính – ngân hàng, người dân có thu nhập thấp, người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp vi mô.
Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang trong quá trình thực hiện tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 các sản phẩm và dịch vụ tài chính cơ bản của cá nhân và doanh nghiệp, bao gồm thanh toán, chuyển tiền, tiết kiệm, cho vay, bảo hiểm theo nhu cầu, thuận lợi, phù hợp và có chi phí hợp lý. Việc thiết kế và xây dựng được một chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện hiệu quả sẽ tạo ra nền tảng, lộ trình và định hướng giúp Việt Nam thực hiện thành công các cải cách, qua đó hoàn thành các mục tiêu tài chính toàn diện quốc gia.
2. Thực trạng phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam
Thứ nhất, về việc nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện.
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – cơ quan đầu mối về tài chính toàn diện đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan có liên quan để nâng cao nhận thức về tài chính toàn diện, cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM) trong việc cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính. Những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và hỗ trợ của công nghệ, dịch vụ ngân hàng tiếp tục được phát triển mạnh mẽ phù hợp với xu thế thanh toán của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Các NHTM Việt Nam đang có sự chuyển biến rõ rệt, quan tâm nhiều hơn tới cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho những thành phần kinh tế trước đây vốn không phải là đối tượng chú trọng của ngân hàng. Các ngân hàng chú trọng hơn trong việc cung cấp giải pháp thúc đẩy phổ cập tài chính thông qua việc xây dựng các gói sản phẩm và dịch vụ cho doanh nghiệp, đặc biệt là gói giải pháp tài chính toàn diện. Phần lớn các ngân hàng đã cung cấp các dịch vụ tiện ích như thanh toán tiền điện, nước, cước phí điện thoại, viễn thông, phí bảo hiểm, thu học phí thông qua kênh Internet banking và Mobile banking. NHTM cũng phối hợp Tổng cục Hải quan cho việc nộp thuế, tỷ lệ nộp thuế điện tử chiếm khoảng 90% tổng thu ngân sách Nhà nước của ngành Hải quan,… Các ngân hàng cũng tích cực hợp tác với các doanh nghiệp lớn để tận dụng lợi thế của mỗi bên trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tới số đông khách hàng.
Tuy nhiên, thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, mặc dù Việt Nam có dân số cao, nhưng tỷ lệ tài chính toàn diện còn thấp. Hiện vẫn còn khoảng một nửa dân số chưa có tài khoản tại ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khá nhiều người trong số đó còn chưa biết tới bất kỳ một dịch vụ tài chính nào. Nguyên nhân là do còn tồn tại một số rào cản chính đối với tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính chính thức, như: mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của ngân hàng còn chưa tiếp cận được đến vùng sâu, vùng xa, chi phí dịch vụ cao, quy trình, thủ tục mở tài khoản còn phức tạp. Ngoài ra, còn do thói quen dùng tiền mặt, khi thói quen dùng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến, thì con đường thanh toán phi tiền mặt vẫn còn trở ngại rất lớn.
Trong nông nghiệp, thanh toán tiền mặt lại càng phổ biến. Hiện có tới hơn 90% các sản phẩm nông nghiệp được giao dịch bằng tiền mặt. Thậm chí, với các phân khúc thị trường đang lớn mạnh như thương mại điện tử, nhiều giao dịch vẫn được thanh toán bằng tiền mặt.
Thứ hai, có sự phân hóa trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do các NHTM cung cấp. Trong khi những người dân đô thị và các doanh nghiệp lớn tiếp cận khá dễ dàng thì dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa vẫn đang gặp không ít trở ngại. Ngành Nông nghiệp là một trong ba ngành kinh tế trụ cột và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, nhưng tài trợ cho nông nghiệp mới chỉ chiếm khoảng 10% danh mục tín dụng của các ngân hàng Việt Nam.
Các chi phí đi kèm với việc sở hữu tài khoản đã trở thành rào cản chủ yếu. Đối với nhiều người, chi phí duy trì tài khoản và mức phí cho mỗi lần giao dịch khiến cho việc sử dụng tài khoản trở thành tốn kém. Một số người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp sẽ không sử dụng các dịch vụ tài chính, bởi vì đối với họ, các dịch vụ đó có mức giá đắt đỏ và họ không thể đáp ứng được. Vì thế, cho dù các dịch vụ này có sẵn, song họ vẫn khó tiếp cận dịch vụ.
Hơn nữa, những yêu cầu về hồ sơ giấy tờ cần có để mở tài khoản trên thực tế đã loại trừ nhiều người ở khu vực nông thôn, hay những người lao động tự do (khu vực không chính thức), là những người khó chứng minh thu nhập, hay nơi cư trú chính thức. Ví dụ: việc tiếp cận dịch vụ tài chính đòi hỏi khách hàng phải có các giấy tờ chứng minh liên quan tới xác nhận nhân thân, thu nhập, hay là hồ sơ kinh doanh đối với doanh nghiệp,… trong khi một số cá nhân và doanh nghiệp không có khả năng để hoàn thiện các hồ sơ này do vậy, họ không thể tiếp cận các dịch vụ.
Ngoài ra, khoảng cách đến với một điểm tiếp cận dịch vụ, cụ thể là các chi nhánh ngân hàng hay điểm giao dịch vẫn còn là trở ngại lớn, đặc biệt ở những nước đang phát triển. Đơn cử như việc, khi muốn tìm cây ATM để rút tiền là điều khó khăn ở vùng nông thôn. Điều này khiến cho một số khách hàng ban đầu đã đăng ký các dịch vụ, nhưng sau đó, họ không sử dụng nhiều các dịch vụ này như những người khác.
Thứ ba, công tác truyền thông về hoạt động thanh toán và dịch vụ ngân hàng được đẩy mạnh, qua đó giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ tài chính trên nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, các hình thức truyền thông được sử dụng còn khá đơn giản, chưa thực sự đa dạng, phong phú, thiếu sự tương tác với công chúng. Đây chính là rào cản không nhỏ, dẫn đến việc người dân chưa thay đổi được nhận thức và hành vi trong tiếp cận được các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Thêm nữa, so với các nước trong khu vực, việc tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính còn khá thấp, mặc dù hệ thống ngân hàng và tài chính Việt Nam đã phát triển khá nhanh với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ.
3. Một số giải pháp
Nhằm đạt được mục tiêu của NHNN đưa ra, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính (chi nhánh, phòng giao dịch của tổ chức tín dụng (TCTD) và đại lý ngân hàng, ngoại trừ điểm cung ứng dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH); có ít nhất 25% – 30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại TCTD; số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ tăng 20% – 25% hàng năm, đặc biệt dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%, cần thực hiện nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, xác định nhóm đối tượng ưu tiên để xây dựng và triển khai chương trình giáo dục tài chính cá nhân phù hợp. Mặc dù theo quan điểm của tài chính toàn diện, đối tượng mục tiêu của giáo dục tài chính là toàn dân nhưng theo tác giả, để phổ cập kiến thức tài chính cá nhân cho tất cả mọi người cần phải có lộ trình, bởi giải pháp cũng như các nội dung giáo dục tài chính phải được xây dựng phù hợp với mỗi nhóm đối tượng khác nhau. Từ kết quả mô hình nghiên cứu, tác giả cho rằng, nên ưu tiên xây dựng chương trình giáo dục tài chính cá nhân cho thế hệ thanh thiếu niên ở các cấp học phổ thông (cấp 1, cấp 2, cấp 3), tiếp đó là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (nhóm người nghèo).
Thứ hai, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng – tài chính của người dân, bảo vệ người tiêu dùng tránh các rủi ro không đáng có khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng – tài chính, hạn chế việc người dân phải tìm đến các kênh cung ứng dịch vụ tài chính phi chính thức. Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng phát triển mạnh mẽ hơn mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, cây ATM và máy POS ở vùng nông thôn. Tăng cường quản lý hệ thống tổ chức, chương trình, dự án tài chính vi mô hoạt động an toàn, hiệu quả. Mở rộng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho người nghèo, người thu nhập thấp, phụ nữ và các doanh nghiệp siêu nhỏ, quyết tâm hiện thực hóa các mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.
Thứ ba, nghiên cứu các hình thức, xu hướng truyền thông mới, hiện đại để triển khai các chương trình truyền thông giáo dục tài chính, như: gameshow, cuộc thi, truyền thông qua các kênh truyền thông đại chúng, các ấn phẩm, clip hoạt hình,… Đồng thời, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí thực hiện các chương trình truyền thông giáo dục tài chính có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính tương tác cao, ứng dụng sức mạnh công nghệ số; phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức hiệp hội, nghề nghiệp (Hội Phụ nữ, Hội Thanh niên,…) để triển khai các chương trình phù hợp cho từng nhóm đối tượng; phối hợp với các tổ chức tín dụng để truyền thông một cách trực quan, sinh động về các sản phẩm, dịch vụ của các tổ chức tín dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đỗ Phạm (2018), Thúc đẩy tài chính toàn diện, Thời báo Ngân hàng, https://tapchinganhang.gov.vn/
- Phạm Xuân Hòe (2018), Đề án 1726 – Sau một năm triển khai thực hiện. Tạp chí Ngân hàng, số 3, 4/2018.
- Trần Hùng Sơn, Nguyễn Thanh Liêm và Nguyễn Đình Thiên (2018), Tiếp cận tài chính cá nhân tại Việt Nam, Báo cáo thường niên thị trường tài chính 2017 về Tiếp cận tài chính, Đại học Kinh tế – Luật.