Trong văn bản kiến nghị của mình, VAFI cho rằng, lãi suất huy động ở Việt Nam vẫn đang khá cao so với các nước trên thế giới như lãi suất châu Âu và Mỹ đang ở quanh mức 0%. Các nước trong khối ASEAN như: Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore cũng đang có lãi suất tiền gửi ngắn hạn cho đồng nội tệ ở mức 0%, lãi suất tiền gửi dài hạn trong khoảng từ 0,2 – 0,7%/năm .
Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có giải pháp để hạ mặt bằng lãi suất huy động, song lại khiến dòng tiền nhàn rỗi đổ vào bất động sản. Do đó, để dòng tiền đưa vào các kênh đầu tư có lợi và “ngăn không chảy vào các kênh có hại cho nền kinh tế”, VAFI đưa ra hàng loạt kiến nghị để đưa dần lãi suất tiền gửi về 0%/năm.
Cụ thể, Bộ Tài chính xây dựng Luật Thuế tài sản theo hướng hạn chế mạnh dòng tiền đầu cơ chảy vào thị trường bất động sản, đồng thời kiểm soát để không cho tăng giá đất, áp dụng thu thuế tài sản lũy tiến từ căn nhà thứ hai trở đi. Giải pháp ngăn chặn vốn chảy vào đầu cơ bất động sản, theo VAFI, là điều kiện tiên quyết để hạ nhanh lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Để ngăn chặn vốn chảy vào đầu cơ bất động sản, VAFI lại kiến nghị nắn dòng vốn nhàn rỗi chảy vào thị trường trái phiếu với lãi suất huy động thấp, ở mức dưới 2 %/năm. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ huy động được nguồn vốn khổng lồ với kỳ hạn dài để làm cơ sở cho vay trung hạn, dài hạn với lãi suất cho vay thấp dưới mức 5%/năm.
Trong khi đó, VAFI cho rằng cần khuyến khích vốn nhàn rỗi chảy vào trái phiếu, nên đề nghị Bộ Tài chính sửa chính sách theo hướng bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu và đề nghị NHNN rà soát quy định hiện hành, cho phép người dân đầu tư vào trái phiếu ngân hàng như là kênh gửi tiết kiệm.
Một vấn đề nữa mà VAFI đặt ra là khi lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh, để phòng trường hợp một phần dòng tiền nhàn rỗi đầu cơ ngoại tệ thì NHNN cần ban hành chính sách thu phí tiền gửi ngoại tệ ở 1 mức nhất định…
Trước các kiến nghị và giải pháp mà VAFI đưa ra, theo giới chuyên gia là không phù hợp và bất khả thi với nền kinh tế Việt Nam. Bởi lạm phát mục tiêu nước ta năm 2021 là dưới 4%, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại một số ngân hàng đã thấp hơn cả mức lạm phát mục tiêu này, khó có khả năng giảm thêm.
Theo thống kê của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục giảm khoảng 0,3%/năm so với tháng 12/2020. Trong đó, lãi suất huy động nhiều kỳ hạn tại một số ngân hàng đã thấp hơn cả mức lạm phát mục tiêu này. Chẳng hạn: lãi suất tiền gửi bằng VND phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,1-3,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Hơn nữa, mặt bằng lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện nay đang ở mức khá thấp so với khu vực, lãi vay cũng không còn là rào cản lớn với doanh nghiệp. Theo đó, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND thuộc một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3,0-6,0%/năm. Vì vậy, lãi vay cũng không còn là rào cản lớn với doanh nghiệp.
Đề xuất áp dụng chính sách lãi suất âm với tiền gửi ngoại tệ hay khuyến khích người dân rót tiền nhàn rỗi vào kênh trái phiếu, các chuyên gia cho rằng đây là lĩnh vực vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Gần đây, Bộ Tài chính đã thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ chế chính sách và quản lý giám sát để hạn chế, giảm thiểu những rủi ro cho thị trường trái phiếu. Đồng thời, NHNN cũng đã ban hành các văn bản đề nghị các TCTD giám sát chặt chẽ hoạt động đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp… vì vậy đề xuất này không thực tế.