Dòng vốn dịch chuyển ra sao khi tín dụng trên 140% GDP?

0
139

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đã trên 140%, trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất theo đánh giá của quốc tế. Tỷ lệ này tiếp tục tăng cao và vốn vay trung dài hạn cũng dựa nhiều vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lớn đối với việc cân đối vốn của hệ thống ngân hàng và cân đối vĩ mô.

Lượng tiền lưu thông khá lớn

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng GDP và tín dụng nhìn chung được các chuyên gia đánh giá có sự tương quan. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP ước đạt 5,64% và tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tính đến thời điểm 21/6/2021 đạt 5,47%.

Thông thường, tăng trưởng tín dụng sẽ cao gấp hơn 2 lần so với tăng trưởng GDP, chẳng hạn năm nay, tăng trưởng kinh tế 5%, thì tăng trưởng tín dụng sẽ vào khoảng 12%. 

Dưới góc nhìn của chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, con số 1% chưa thể hiện điều gì, bởi tương quan giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP cần phải được xem xét trên cơ sở một năm. “Vấn đề đặt ra là liệu con số tăng trưởng tín dụng 5,47% trong 6 tháng đầu năm có phù hợp hay không? Và quan trọng là sự chuyển động của dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực nào, có tăng cường được “sức khoẻ” cho nền kinh tế hay không?”, ông Hiếu nói.

Chuyên gia này cho rằng, tín dụng cũng chưa thể đi vào sản xuất – kinh doanh bình thường như giai đoạn 2018- 2019, bởi hoạt động của nhiều doanh nghiệp đang bị tắc do ảnh hưởng dịch Covid-19. Vì vậy, tín dụng hiện nay, ngoài chảy vào hoạt động sản xuất – kinh doanh, thì một phần vẫn chảy sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi thời gian qua, “cơn sốt” bất động sản bùng phát và dòng tiền chảy vào thị trường này cũng cao kỷ lục (thanh khoản mỗi phiên xấp xỉ 1 tỷ USD), từ đó tạo sức nóng cho thị trường chứng khoán.

Đánh giá về tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam, TS. Lê Đạt Chí, chuyên gia tài chính, Phó Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) cho rằng, điểm khác biệt của bối cảnh hiện nay so với trước đây là NHNN đã nhận ra điều này và đang có bước điều chỉnh dòng tín dụng. Ngoài ra, “sức khỏe” hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện đã khá tốt, đặc biệt tăng trưởng lợi nhuận giúp tạo nền tảng và nếu các ngân hàng giữ được tốc độ gia tăng vốn chủ sở hữu thì sẽ giảm được tỷ lệ nợ, tránh được những cú sốc bên ngoài.

“Bài toán và mục tiêu lớn của NHNN hiện nay, theo tôi, là vẫn sẽ phải thúc đẩy vận tốc lưu thông của tiền. Khi vận tốc tiền gia tăng thì cung tiền sẽ giảm”, chuyên gia nhấn mạnh.

Kiểm soát vốn vay ra sao?

Tại buổi tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm mới đây, NHNN cho biết, vấn đề tín dụng luôn được NHNN đặt là trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ… Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Chuyên gia kinh tế, PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh đánh giá, NHNN đang kiểm soát rất chặt tín dụng bất động sản và chứng khoán. Việc nguồn vốn ồ ạt vào hai thị trường này trong nửa đầu năm nay không phải từ tín dụng, mà từ kênh khác như tiết kiệm cá nhân, vàng…

“Nền kinh tế đã phục hồi khá tốt nhờ Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh, cộng thêm sự hỗ trợ của Thông tư số 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, nên cầu tín dụng đã tốt hơn trước rất nhiều. Trong bối cảnh NHNN đang kiểm soát chặt chẽ tín dụng rủi ro, tôi cho rằng, dòng tín dụng đang đi đúng vào sản xuất – kinh doanh, tạo đà cho doanh nghiệp hồi phục và phát triển, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng ổn định trong tương lai”, ông Thịnh nhận định.

Ngoài ra, hạn mức tín dụng đang là một trong những công cụ hiệu quả để NHNN bình ổn thị trường tiền tệ khi kinh tế Việt Nam đang dựa chủ yếu vào tín dụng (bằng khoảng 140% GDP), do đó dẫn đến việc lựa chọn kiểm soát tín dụng thận trọng.

Trong năm nay, kịch bản tăng trưởng tín dụng được đặt ra ở 12-14%. Vì vậy, những ngân hàng nào có tỷ lệ vốn chảy vào sản xuất kinh doanh tốt, hạn chế tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro sẽ được xem xét nới room trong cuối năm.

Bên cạnh đó, vấn đề quan tâm lớn hiện nay là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước. Bởi nếu không được bổ sung thì hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nếu các ngân hàng này phải cố gắng để chạy theo tăng trưởng nền kinh tế sẽ mang lại rủi ro lớn cho hệ thống ngân hàng.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcChống gian lận dễ dàng trên Windows 10 là gì và nó có an toàn không?
Bài tiếp theoKhối ngoại mua ròng cổ phiếu nào trong tháng 6 trên UPCoM?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây