Theo Bloomberg, trong khu vực châu Á, nhà đầu tư cá nhân đang có tầm ảnh hưởng khá lớn tới các thị trường chứng khoán có mức tăng trưởng tốt nhất, điển hình là Việt Nam, Đài Loan, Hàn Quốc.
Tuy nhiên, không nơi nào thể hiện điều này rõ hơn Việt Nam, khi nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 90% thanh khoản thị trường. Chỉ số Vn-Index đã tăng 20% kể từ đầu năm, cao nhất trong các thị trường khu vực.
Sức mạnh “tiền tươi, thóc thật”
Theo thống kê, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới trong 4 tháng đầu năm nay là 368.653 tài khoản. Trong đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm phần lớn với 366.314 tài khoản.
Lũy kế kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào tháng 2/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam có thêm 755.140 tài khoản, nâng tổng số tài khoản lên 3,14 triệu.
Sự gia nhập của lực lượng đông đảo nhà đầu tư mới (nhà đầu tư F0) đẩy thanh khoản của thị trường tăng mạnh. Hiện tại, những phiên giao dịch với thanh khoản tỷ USD không còn xa lạ với nhà đầu tư.
Điều đáng nói là sự tăng điểm diễn ra ngay cả khi khối ngoại bán ròng mạnh mẽ trên toàn thị trường với khoảng gần 23.000 tỷ đồng. Giá trị bán ròng đạt cao nhất vào tháng 3 với gần 11.400 tỷ đồng, chiếm gần 50% tổng lượng bán ròng.
Trong hơn nửa đầu tháng 5, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hơn 8.600 tỷ đồng, hướng đến tháng có lượng bán ròng cao thứ hai hoặc thậm chí có thể vượt qua mức bán ròng của tháng 3, trong đó riêng trên sàn HoSE đã bán ròng hơn 8.400 tỷ đồng và vẫn tập trung vào các mã vốn hóa lớn trong nhóm VN30.
Bên cạnh đó, dư nợ margin của thị trường trong giai đoạn 2019-2021 đang tăng dần qua mỗi năm, lần lượt ghi nhận 60.000 tỷ đồng, 90.000 tỷ đồng và chạm ngưỡng 110.000 tỷ đồng.
So với thanh khoản thị trường trong giai đoạn này khi đạt 5.000 tỷ đồng trong năm 2019, năm 2020 là 14.000-17.000 tỷ đồng và năm 2021 đạt mốc 22.000 tỷ đồng (khi cải thiện hệ thống có thể đạt mốc 25.000-27.000 tỷ đồng), có thể nhận thấy tốc độ tăng trưởng của giá trị thanh khoản đã cao hơn nhiều lần so với tốc độ tăng dư nợ margin tại các công ty chứng khoán.
Trước đây, tại các thời điểm rơi vào tình trạng căng margin có thể khiến thị trường điều chỉnh do nguồn cầu thiều hụt, cung áp đảo. Tuy nhiên, nhìn vào con số hiện nay có thể thấy, margin không còn gây áp lực.
Hay như trước đây, mỗi kỳ tái cơ cấu của các quỹ ETF có quy mô vốn 8.000-12.000 tỷ đều có tác động lớn lên thị trường, thì việc các quỹ này hiện nay mua bán ra sao không còn là mối lo ngại của các nhà đầu tư.
Vì vậy, nhìn vào các diễn biến đó có thể thấy, thị trường đang vận hành bởi “tiền tươi, thóc thật” của nhà đầu tư mới tham gia thị trường.
Chưa có dấu hiệu giảm tốc?
Tính đến thời điểm hiện tại, dù sức mạnh của các nhà đầu tư F0 là không thể phủ nhận, nhưng nhóm các nhà đầu tư này cũng đã có những bài học cho bản thân tại nhiều phiên rung lắc.
Không ít nhà đầu tư F0 lao đao bởi sự trồi sụt của thị trường, “mua là thắng” không còn là diễn biến chính, bởi rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào.
Sau một thời gian tham gia thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư F0 phải ngậm ngùi thừa nhận đây là một cuộc chơi đầy mạo hiểm và không thể bỏ vốn “đánh bạc” với những mã cổ phiếu. Nhiều người đã quyết định rời bỏ thị trường chứng khoán và tìm kiếm kênh đầu tư mới.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam, bản chất của dòng tiền F0 là vào nhanh thì rút ra cũng nhanh.
Từ những diễn biến này, câu hỏi đặt ra là liệu dòng tiền của các nhà đầu tư F0 sẽ còn mạnh đến bao giờ?
Bloomberg cho biết, làn sóng nhà đầu tư cá nhân đã nổi lên trên toàn cầu kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Các biện pháp hạn chế đi lại để chống dịch là lý do khiến nhiều người tìm kiếm cơ hội ở thị trường chứng khoán với mong muốn bù đắp phần thu nhập bị mất hoặc tìm kiếm mức lợi nhuận tốt hơn so với lãi suất ngân hàng.
“Các nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là một lực lượng thị trường quan trọng khi họ ngày càng hiểu biết và có kỹ năng giao dịch, đầu tư tốt hơn”, chiến lược gia Margaret Yang thuộc DailyFX nhận định.
Tại Việt Nam, các nhà đầu tư nội “cân” lại hết khối lượng cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra. Các lựa chọn đầu tư cho cá nhân hạn chế, lãi suất tương đối thấp và sự phát triển của dịch vụ môi giới là những điều kiện lý tưởng.
Stephen McKeever – Giám đốc bộ phận khách hàng tổ chức của CTCP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng mức độ hoạt động của nhà đầu tư ở mức cao sẽ được duy trì, miễn là lãi suất tiền gửi ngân hàng vẫn trong xu hướng giảm”.
Thực tế cho thấy, tiềm năng tiền mới đổ vào kênh chứng khoán cũng như việc đạt được mục tiêu 4-5 triệu tài khoản chứng khoán ở cuối năm 2021 là khá khả thi. So với mức tiền gửi ở ngân hàng đang là 9 triệu tỷ đồng thì lượng tiền đổ vào thị trường chứng khoán hiện vẫn ở mức thấp.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, dòng tiền từ các kênh đầu tư không chính thống cũng sẽ tham gia vào thị trường trong giai đoạn tới.