Đồng bộ giải pháp điều hành giá trong bối cảnh tác động của dịch bệnh Covid-19

0
158

Thời gian qua, với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính đã tham mưu cho Chính phủ các chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn.

Bộ Tài chính cũng đã thực hiện đồng bộ chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá và đề nghị các bộ, ngành, địa phương thực hiện quản lý nhà nước về giá phù hợp với mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô trong từng thời kỳ.

Trên cơ sở đó, công tác tổng hợp, phân tích dự báo, bình ổn giá, nhất là trong những thời điểm thị trường có nhiều biến động về giá đã được thực hiện có hiệu quả và đồng bộ từ trung ương tới địa phương. 

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính nhận định, năm 2021 dự báo tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, do đó, cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ có thúc đẩy sản xuất kinh doanh mới có thể điều hòa cung cầu, từ đó mới kiểm soát tốt được lạm phát.

Ông Nguyễn Anh Tuấn nhận định, trong năm 2021, một số yếu tố tác động bất lợi đến tình hình giá cả như nhóm mặt hàng nhiên liệu, xăng dầu diễn biến hết sức phức tạp, có yếu tố tăng, có giảm nhưng diễn biến rất bất thường…

Ngoài ra, tình hình thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nguồn cung cũng như tác động tới thị trường. Bên cạnh đó, công tác điều hành giá một số mặt hàng Nhà nước còn tiếp tục phải thực hiện theo lộ trình như dịch vụ công y tế, giáo dục. Tất cả đều là áp lực đối với công tác điều hành giá năm 2021.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 cần tiếp tục thực hiện một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

Theo ông Long, Bộ Tài chính với chức năng quản lý giá cần theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp cuối năm và các hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đồng thời góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của người dân chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Đại diện Cục Quản lý giá cho biết, thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường quản lý, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá gắn với kiểm tra chấp hành pháp luật về thuế, phí; quản lý chặt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết các mặt hàng có nhu cầu tăng cao sau Tết, nhất là các mặt hàng mặt hàng nhạy cảm theo định giá của Nhà nước.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý tiếp tục theo dõi sát diễn biến, chủ động thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu nhằm bình ổn thị trường, giá cả nhất là những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết, trong dịp giáp hạt của người dân và các hàng hóa, vật tư y tế phòng, chống dịch.

Về phía Bộ Tài chính, sẽ chủ động công tác dự báo, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá các mặt hàng thiết yếu theo lộ trình thị trường nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công theo lộ trình thị trường và các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo nguyên tắc thị trường trên cơ sở đánh giá, tính toán kỹ tác động để tránh gây xáo trộn lớn về mặt bằng giá cả.

Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo nguyên tắc thị trường, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Cùng với đó, nghiên cứu, xây dựng các phương án giá điện trong năm 2021 theo quy định trên cơ sở đánh giá kỹ các chi phí đầu vào, kế hoạch cung cấp điện, chi phí dự kiến và các khoản chi phí chưa được tính vào giá điện (nếu có) để xây dựng phương án điều hành.

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm soát chặt chẽ phương án kê khai giá sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 9130/VPCP-KTTH ngày 2/11/2020 và đánh giá chương trình sách giáo khoa theo Nghị quyết của Quốc hội để đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa nhằm mục tiêu bình ổn giá, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó, Bộ Tài chính tổng hợp, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật theo quy định trình Chính phủ xây dựng và ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP về về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm 2015-2016 đến năm học 2020-2021. 

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị các địa phương cần chủ động các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội trong điều hành giá của cơ quan quản lý, tránh lạm phát kỳ vọng.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcBất động sản năm 2021 – Sân chơi không dành cho nhà đầu tư “lướt ván”
Bài tiếp theoĐể sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây