Báo cáo thị trường đầu tư bất động sản châu Á – Thái Bình Dương của Colliers International cho biết, có các xu hướng bất động sản tăng trưởng nhanh trong đại dịch. Cụ thể:
Thứ nhất, bất động sản thay thế, đó là các loại tài sản thay thế (alternative asset) tiếp tục vươn lên và hiện đã chiếm 8,5% trong tổng số tài sản bất động sản trong khu vực, nhiều gấp đôi thị phần của tài sản thay thế trong giai đoạn 2014 -2019. Điều này được quyết định phần nhiều bởi các phân khúc kinh tế công nghệ như trung tâm dữ liệu (data centres), trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D centres), chuỗi cung ứng lạnh (cold chain) và khoa học về đời sống (life sciences).
Thứ hai, bất động sản nằm ngoài trung tâm tăng nhiệt. Theo đó, cả năm 2020 và nửa đầu năm 2021, thị trường bất động sản châu Á – Thái Bình Dương chứng kiến khoảng một nửa các thương vụ đầu tư phân khúc văn phòng dịch chuyển ra khu vực ngoài trung tâm các thành phố lớn. Một phần nguyên do là bởi các tiện ích dịch vụ ngày một tốt hơn cũng như nhiều dự án cơ sở hạ tầng lớn tiếp tục được đầu tư tại các khu vực này.
Thứ ba, bất động sản bán lẻ chuyển đổi công năng. Thị trường khu vực đã chứng kiến nhiều thương vụ mua lại bất động sản bán lẻ với mục đích chuyển đổi thành các khu phục vụ nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc văn phòng với khuôn viên rộng lớn, cũng như tái định vị các trung tâm mua sắm này thành các tài sản đa dụng. Thêm vào đó, những thay đổi mạnh mẽ về công nghệ cùng với nhu cầu gia tăng về kho hàng hóa phân khúc hạng A cũng tạo ra nhu cầu làm mới, tái phát triển và định vị rất lớn trong vòng vài năm tới.
Thứ tư, bất động sản công nghiệp và logistics (hậu cần) là những phân khúc có đà hồi phục nhanh nhất, tăng trưởng 70% so với năm trước. Tiếp đến là phân khúc bất động sản bán lẻ với số lượng giao dịch tăng 65%. Mảng khách sạn (28%) và văn phòng (20%) cũng có những dấu hiệu hồi phục trong nửa đầu năm 2021.
Trong khi đó, báo cáo của Savills Research toàn cầu, xu hướng BĐS nhà ở cũng tăng nhiệt tại nhiều nước trên thế giới do nhu cầu làm việc tại nhà đã khiến nhiều người muốn có một không gian làm việc tốt hơn.
Đại dịch đã mang tới những thay đổi đáng kể đối với bình diện thị trường BĐS toàn cầu, đặc biệt với một số nước đang phục hồi sau dịch trong đầu năm 2021, khi phân khúc nhà ở nhiều hộ gia đình vượt qua văn phòng để trở thành phân khúc lớn nhất toàn cầu. Trong 6 tháng đầu năm 2021, 136 triệu USD đã được đầu tư vào phân khúc nhà ở toàn cầu, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2020. Nguyên nhân được đánh giá là do nhu cầu làm việc tại nhà tăng cao đã thúc đẩy số lượng giao dịch gia tăng.
Một xu hướng bất động sản không thể không nhắc tới đó là mảng văn phòng làm việc với chi phí phải chăng như sử dụng mô hình co-working. Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới đứng đầu về số lượng nhà cung cấp dịch vụ co-working, chiếm 1,2% nguồn cung co-working toàn cầu. Nhu cầu cho văn phòng co-working đồng thời được thúc đẩy bởi sự phát triển về số lượng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng thêm yếu tố môi trường khởi nghiệp lành mạnh, đặc biệt khi Hà Nội hiện có kế hoạch thêm khoảng 150.000 doanh nghiệp khởi nghiệp mới trong vòng 5 năm tới. Nhu cầu cho không gian co-working cũng đồng thời tăng trong thời kỳ dịch bệnh, khi nhiều doanh nghiệp phải đối mặt với áp lực gia tăng về tài chính.
Trước đó, Savills Việt Nam đánh giá, bất động sản kho lạnh là một phần chuyên biệt của chuỗi cung ứng, sử dụng các nhà kho kiểm soát nhiệt để lưu trữ và vận chuyển thực phẩm hoặc vật tư y tế như vắc xin. Một báo cáo của Research & Markets ước tính rằng 7,9 tỷ USD đã được đầu tư để phát triển kho bảo quản lạnh trên toàn cầu vào năm ngoái, con số này sẽ tăng lên 19 tỷ USD vào năm 2027, do sự thúc đẩy của nhu cầu mua sắm hàng tạp hóa trực tuyến và giảm lãng phí thực phẩm, đồng thời cũng là nơi bảo quản vắc xin đáp ứng nhu cầu của đại dịch.
Bên cạnh đó, nhiều loại hình bất động sản công nghiệp khác cũng sẽ tiếp tục được mở rộng như các nhà sản xuất nội dung như Netflix và Apple đã lấy không gian kho bãi để sử dụng làm phim trường bởi sự bùng nổ của các dịch vụ phát trực tuyến video. Nhu cầu ngày càng cao về không gian studio đang thúc đẩy nhu cầu về kho bãi ở các thành phố mạnh về truyền thông như London, Los Angeles và New York.
Thêm nữa, hội nghị truyền hình và điện toán đám mây bùng nổ đồng nghĩa với việc nhu cầu về trung tâm dữ liệu đang tăng lên trên toàn thế giới. Ở Trung Quốc, những quỹ phát triển trung tâm dữ liệu mới đã được ra đời bởi Gaw Capital Partners. Ngoài ra, Keppel Group cũng đã phát triển nhiều quỹ để xây dựng và phát triển các trung tâm dữ liệu ở thị trường châu Á và châu Âu. Việt Nam đang ở ngã rẽ, với sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự thúc đẩy mạnh mẽ hướng tới nền kinh tế kỹ thuật số.