Đến ngày 26/8/2022, có trên 1.148 triệu hóa đơn điện tử được tiếp nhận và xử lý

0
116

Theo Tổng cục Thuế, để hoàn thành mục tiêu đến ngày 01/7/2022, toàn bộ người nộp thuế đang sử dụng hóa đơn theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phê duyệt và ban hành các quyết định, công văn tổ chức thực hiện triển khai áp dụng hóa đơn điện tử theo lộ trình 2 giai đoạn.

Ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 06 tỉnh, thành phố là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Bình Định, Phú Thọ và TP. Hải Phòng. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2, ngày 21/4/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai hóa đơn điện tử tại địa bàn 57 tỉnh, thành phố còn lại theo lộ trình được Bộ Tài chính phê duyệt.

Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, toàn ngành Thuế đã phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo triển khai hóa đơn điện tử tại các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua đó, lập kế hoạch triển khai chi tiết tới từng cơ quan thuế theo đặc điểm của từng vùng miền, xác định phương án triển khai phù hợp.

Cơ quan Thuế các cấp đã tổ chức tập huấn chính sách, quy trình sử dụng hóa đơn điện tử cho cả cán bộ thuế và người nộp thuế; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử; tổ chức cung cấp chữ ký số để yêu cầu bổ sung nguồn lực hỗ trợ người nộp thuế chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng hóa đơn điện tử. Cục thuế các địa phương đồng loạt tổ chức hội nghị giữa các tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử. 

Nhằm khuyến khích người tiêu dùng có thói quen mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ và lấy hóa đơn điện tử, Tổng cục Thuế đã triển khai chương trình Hóa đơn may mắn và thực hiện cho 2 kỳ lập hóa đơn từ ngày 21/11/2021 đến ngày 31/12/2021 và kỳ từ ngày 01/01/2022 đến ngày 31/3/2022. 

Tổng cục Thuế cũng tổ chức livestream hướng dẫn về nghiệp vụ, ứng dụng hóa đơn điện tử trên facebook chính thức của Tổng cục. Song song với đó, ngành Thuế cũng tập trung nâng cấp hệ thống hóa đơn điện tử, đảm bảo ứng dụng hoạt động ổn định 24/7 và không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người nộp thuế…

Nhờ các giải pháp quyết liệt và đồng bộ trên toàn hệ thống thuế, tính đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế. Toàn bộ 867.958 tổ chức, doanh nghiệp, chi nhánh và 68.200 hộ kinh doanh, cá nhân đang sử dụng hóa đơn trên toàn quốc đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện.

Tổng cục Thuế cho biết, sau hơn 5 tháng triển khai trên cả nước, hóa đơn điện tử đã chứng minh được vai trò và lợi ích mang lại cho cả người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Việc triển khai hóa đơn điện tử không những giúp doanh nghiệp nhận được những giá trị hữu hình mà còn nhận được những giá trị vô hình không thể quy đổi thành tiền được. Có thể kể đến như giá trị cơ hội khi cung cấp cho khách hàng dịch vụ hiện đại, nhanh chóng, tiện ích, góp phần nâng tầm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Tiện ích nổi bật nhất của hóa đơn điện tử là giúp các tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ dễ dàng tra cứu và đối chiếu hóa đơn do người bán hàng cung cấp; giảm chi phí sử dụng so với hóa đơn giấy (giảm chi phí giấy in, mực in, vận chuyển, lưu trữ hóa đơn, không cần không gian lưu trữ hóa đơn…); giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính thuế; khắc phục triệt để một số rủi ro của hóa đơn giấy như mất, hỏng, cháy… 

Đồng thời, hóa đơn điện tử còn tạo sự yên tâm cho người mua hàng hóa, dịch vụ, bởi sau khi nhận hóa đơn điện tử, người mua hàng hóa, dịch vụ có thể kiểm tra ngay trên hệ thống của cơ quan thuế để biết chính xác thông tin của hóa đơn mà người bán cung cấp. 

Đối với cơ quan quản lý nhà nước nói chung và cơ quan thuế nói riêng, hóa đơn điện tử đã giúp xây dựng cơ sở dữ liệu về hóa đơn, kết hợp với các thông tin quản lý thuế khác để xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu phân tích thông tin phục vụ điều hành, dự báo, hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế và quản lý rủi ro.

Có thể khẳng định, việc sử dụng hóa đơn điện tử đã góp phần thay đổi phương thức quản lý trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến các quy trình nghiệp vụ theo hướng xử lý, kiểm soát dữ liệu tự động giúp cơ quan quản lý sử dụng hiệu quả nguồn lực, đồng thời ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả các hành vi gian lận thuế, trốn thuế…

Trong thời gian tới, toàn ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hình thức khuyến khích sử dụng hóa đơn điện tử của người nộp thuế thông qua các hoạt động như quay số hóa đơn may mắn, trên cơ sở đó sẽ triển khai các giải pháp về xây dựng cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử và các công cụ khai thác, phân tích, quản lý, sử dụng hiệu quả dữ liệu từ hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý thuế.

Ngành Thuế cũng sẽ đẩy mạnh trao đổi thông tin hóa đơn điện tử giữa các cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả quản lý hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, góp phần thực hiện tốt đề án chuyển đổi số quốc gia.

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, tính đến ngày 26/8/2022, tổng số hóa đơn điện tử đã tiếp nhận và xử lý trên hệ thống của cơ quan thuế các cấp là hơn 1.148 triệu hóa đơn. Trong đó, hóa đơn có mã của cơ quan thuế là 325 triệu hóa đơn; Hóa đơn không mã gửi đầy đủ dữ liệu đến cơ quan thuế là 297,3 triệu hóa đơn; Hóa đơn không mã gửi theo bảng tổng hợp của cơ quan thuế là 525,5 triệu hóa đơn; số Hóa đơn theo lần phát sinh là 263 nghìn hóa đơn.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcPhát huy vai trò của công phiếu, tín phiếu để phục vụ kháng chiến chống Pháp
Bài tiếp theoChấp hành dự toán ngân sách nhà nước gắn với cân đối thu – chi giai đoạn 1981 – 1985

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây