Bộ Tài chính vừa ban hành Quyết định số 1697/QĐ-BTC ngày 23/8/2022 về việc ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ Tài chính năm 2022. Tại Quyết định này, Bộ Tài chính đề ra các chỉ tiêu và giải pháp thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, trong năm 2022, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ Luật quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công, khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà, đất của đơn vị theo quy định Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ…
Bộ Tài chính cũng tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định; hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền. Tổ chức công tác mua sắm tài sản theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và công khai, minh bạch. Đẩy mạnh thực hiện khoản kinh phí sử dụng tài sản công theo quy định; xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản, đồng thời xác định công năng sử dụng của tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản.
Tài sản công chỉ được sử dụng vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết theo đúng các trường hợp được pháp luật quy định, có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải đảm bảo phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản. Kiên quyết chấm dứt, thu hồi tài sản công sử dụng vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định pháp luật. Việc quản lý số tiền thu được từ các hoạt động cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết của các đơn vị sự nghiệp công lập phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản hướng dẫn.
Bộ Tài chính cũng sẽ thực hiện xử lý kịp thời tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc theo đúng quy định của pháp luật, tránh làm thất thoát, lãng phí tài sản.
Để thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu đề ra, tại Quyết định số 1697/QĐ-BTC, Bộ Tài chính đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện, cụ thể:
Một là, hướng dẫn, quy định các nội dung về quản lý, sử dụng và xử lý tài sản trong các đơn vị thuộc Bộ Tài chính phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật quản lý, sử dụng tài sản công, các nghị định của Chính phủ và văn bản hướng dẫn thực hiện liên quan.
Hai là, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và từng bước nâng cấp Cơ sở dữ liệu tài sản ngành Tài chính, đảm bảo phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia và yêu cầu quản lý đặc thù đối với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính. Thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo, cập nhật thông tin tài sản công vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định.
Ba là, thực hiện việc mua sắm tập trung đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục phải mua sắm tập trung theo quyết định của cấp có thẩm quyền và quy định về mua sắm tập trung của Nhà nước.
Bốn là, thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất không đúng quy định của pháp luật; sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, không đúng kế hoạch sử dụng đất, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định tại các đơn vị trong ngành Tài chính.
Năm là, tiếp tục chủ động tháo gỡ các vướng mắc và những tồn tại trong thực hiện phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất. Rà soát, kiểm tra, kịp thời đề xuất và báo cáo cấp thẩm quuyền, cơ quan quản lý nhà nước xem xét, giải quyết đối với những trường hợp cơ sở nhà, đất phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện hoặc các cơ sở nhà, đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp, xử lý.
Sáu là, rà soát tổng thể, kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kịp thời trình cấp có thẩm quyền xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền việc sắp xếp lại, xử lý đối với các tài sản công của các đơn vị thực hiện sắp xếp lại mô hình tổ chức.
Bảy là, kiểm soát chặt chẽ việc mua sắm, sử dụng tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại tại các đơn vị. Tận dụng, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản, trang thiết bị, phương tiện làm việc, phương tiện đi lại hiện có; chỉ thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm mới tài sản khi thực sự cần thiết và bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ quy định. Kiên quyết thu hồi, xử lý theo quy định đối với những trường hợp trang bị sử dụng tài sản sai tiêu chuẩn, định mức, chế độ. Rà soát, điều chuyển tài sản từ nơi thừa sang nơi thiếu; thu hồi nộp ngân sách các khoản thu phát sinh từ sử dụng tài sản không đúng quy định. Xây dựng và điều chỉnh bổ sung kịp thời tiêu chuẩn định mức xe ô tô chuyên dùng của các đơn vị: Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước và tại Cơ quan Bộ Tài chính.
Tám là, các đơn vị xây dựng, ban hành quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại và thực hiện công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng; quy định cụ thể về định mức tiêu hao xăng, dầu…, mở sổ theo dõi lịch trình hoạt động của từng xe ô tô, tàu, thuyền và các phương tiện đi lại khác. Không sử dụng xe ô tô công đưa đón cán bộ không có tiêu chuẩn từ nơi ở tới nơi làm việc và ngược lại, hoặc sử dụng xe ô tô công vào việc riêng trái quy định. Bố trí xe ô tô sử dụng chung khi đi công tác nhiều người hoặc sử dụng phương tiện công cộng khi không cần thiết phải đi xe ô tô riêng; tổ chức sử dụng hợp lý, tiết kiệm xe ô tô công trong các chuyến đi công tác cơ sở, phục vụ hội nghị.
Chín là, tăng cường công tác đấu thầu rộng rãi, công khai mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các văn bản hướng dẫn. Tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các trường hợp mua sắm tài sản lãng phí, kém hiệu quả, làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Bảo đảm công khai, minh bạch trong đấu thầu mua sắm tài sản; hạn chế tối đa việc chỉ định thầu trong mua sắm tài sản.
Mười là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tiến độ tổ chức triển khai công tác mua sắm tài sản để bảo đảm sử dụng, thực hiện dự toán mua sắm tài sản hiệu quả, tránh lãng phí. Chỉ đạo các đơn vị được giao dự toán mua sắm tài sản triển khai theo đúng tiến độ, đáp ứng yêu cầu trang bị sử dụng phục vụ hoạt động và nhiệm vụ chuyên môn. Kịp thời đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh dự toán chi mua sắm của đơn vị không thực hiện đúng tiến độ, không có khả năng giải ngân sang các đơn vị có nhu cầu, có khả năng thực hiện nhưng chưa được bố trí dự toán mua sắm trong năm.