Kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin
Trong những năm qua, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã triển khai công tác chuyển đổi số theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và trở thành một trong cơ quan đi đầu về xây dựng Chính phủ số. Trong 5 năm liên tiếp (2017, 2018, 2019, 2020, 2021), Bộ Thông tin và Truyền thông đã đánh giá BHXH Việt Nam là cơ quan triển khai hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), dịch vụ công trực tuyến.
Với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt, triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số và đạt một số kết quả nổi bật. BHXH Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) với 6 trường thông tin cơ bản của hơn 98 triệu dân, tương ứng với gần 27 triệu hộ gia đình trên toàn quốc (là nền tảng hình thành CSDL quốc gia về bảo hiểm).
Theo BHXH Việt Nam, hiện nay, cơ quan này đang quản lý hơn 30 CSDL nghiệp vụ. Các CSDL được cập nhật liên tục theo thời gian từ hoạt động nghiệp vụ của BHXH cấp quận, huyện và BHXH cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ năm 2021, BHXH Việt Nam được giao là đơn vị chủ quản của cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm. Hiện nay, BHXH Việt Nam rà soát, hoàn thiện các CSDL chuyên ngành bảo đảm tính liên thông, sẵn sàng kết nối, chia sẻ giữa các CSDL chuyên ngành và CSDL quốc gia về bảo hiểm. Các phần mềm đều được triển khai theo mô hình tập trung tại BHXH Việt Nam và trên các nền tảng công nghệ hiện đại.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện và đưa vào triển khai thành công ứng dụng VssID – BHXH số (qua ứng dụng người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); thực hiện các dịch vụ về BHXH, BHYT một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho doanh nghiệp, người dân). Từ ngày 01/6/2021 đến nay, BHXH Việt Nam đã triển khai, sử dụng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi khám chữa bệnh BHYT trên phạm vi toàn quốc. Theo thống kê, hiện tại có trên 23 triệu người cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID – BHXH số.
Bên cạnh chú trọng hoàn thiện hệ thống CSDL và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng tăng cường kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu với các Bộ, ngành trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đến nay, BHXH Việt Nam đã kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với Tổng cục Thuế; kết nối, liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khai tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối chia sẻ dữ liệu đăng ký kinh doanh với Bộ Kế hoạch và Đầu tư; liên thông dữ liệu với hơn 12 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc; bàn giao toàn bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình tham gia BHYT cho Bộ Y tế để xây dựng hồ sơ sức khỏe, bệnh án điện tử; hợp tác, kết nối với 05 ngân hàng thương mại để thực hiện thanh toán thu, chi điện tử; nhất là kết nối, đồng bộ hóa dữ liệu, thông tin với CSDL quốc gia về dân cư (đã có 32 triệu công dân được xác thực)…
Đặc biệt, trong hai năm qua, đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, để triển khai nhiệm vụ được giao đảm bảo liên tục, thông suốt, BHXH Việt Nam đã kịp thời cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu về người tham gia, thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN để phục vụ hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại các địa phương; phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thực hiện việc chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH linh hoạt để đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ, cung ứng dịch vụ công của ngành BHXH Việt Nam thông qua ý kiến phản hồi của người dân, tổ chức và doanh nghiệp, BHXH Việt Nam vừa công bố kết quả triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của ngành BHXH Việt Nam năm 2020 (SIPAS 2020).
Kết quả cho thấy, 81,6% người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia khảo sát hài lòng với chất lượng cung cấp dịch vụ công, khi đến giao dịch trực tiếp với ngành BHXH Việt Nam tại bộ phận “Một cửa”, Bưu điện, đại lý thu, cơ sở khám chữa bệnh; 75,9% người dân, tổ chức, doanh nghiệp hài lòng với chất lượng giao dịch trực tuyến (giao dịch điện tử, tra cứu thông tin tại Trang/Cổng Thông tin điện tử của cơ quan BHXH; hỏi đáp qua tổng đài chăm sóc sức khỏe).
Tại các vùng miền, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công lần lượt là 82,9% vùng Đồng bằng sông Hồng; 88,1% vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; 82,9% vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ; 83,4% vùng Tây Nguyên; 73,5% vùng Đông Nam Bộ; 80,2% vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Bên cạnh đó, tiến hành khảo sát sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan BHXH khi sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến cho thấy, 78,4% người dân, đại diện tổ chức hài lòng khi thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT.
Kết quả trên cho thấy, những nỗ lực trong triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã được người dân, tổ chức, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Đây là động lực quan trọng để cơ quan BHXH các cấp tiếp tục phát huy nền tảng của CNTT để phục vụ tốt nhất quyền lợi cho người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ người tham gia bảo hiểm xã hội ngày càng tốt hơn
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ, hỗ trợ người tham gia BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tốt hơn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Để đạt mục tiêu đề ra và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cũng như gắn việc chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ của ngành BHXH Việt Nam, thời gian tới, cần tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, nghiên cứu, hoàn thiện các quy trình hướng dẫn nghiệp vụ, nhanh chóng hoàn thiện việc tích hợp, cung cấp các dịch vụ công theo hướng tính giảm trừ mức đóng khi gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình cho người tham gia; giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp thuận tiện, nhanh chóng cho người tham gia.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy tối đa nền tảng, nguồn lực cơ sở vật chất CNTT trong các hoạt động quản lý, nghiệp vụ của Ngành để phục vụ doanh nghiệp, người dân ngày càng tốt hơn. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm sự đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho doanh nghiệp, người dân; đa dạng hóa các hình thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tiếp tục đổi mới phương thức phục vụ, đẩy mạnh chi trả qua các tổ chức dịch vụ công, chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ…
Ba là, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, bảo đảm thông suốt, chính xác, nhanh chóng, an ninh an toàn, tạo thuận lợi cho việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số cho ngành BHXH Việt Nam, như việc xây dựng hệ thống phân tích, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các hoạt động của Ngành, nhằm phục vụ tốt nhất quyền lợi cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân.
Năm là, tiếp tục hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới (định danh trực tuyến – eKYC; liên kết tài khoản, ứng dụng ví điện tử để thanh toán, chi trả chế độ, chính sách…) để hoàn thiện hệ sinh thái BHXH 4.0 hướng tới phục vụ tốt nhất quyền lợi của doanh nghiệp, người dân và các chủ thể tham gia BHXH, BHYT trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
* ThS. Nguyễn Thị Dung
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 4/2022