Đẩy mạnh chống thất thu ngân sách nhà nước qua chuyển giá, trốn thuế

0
191

Để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vốn (FDI), công nghệ vào Việt Nam, Chính phủ Việt Nam và TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chính sách ưu đãi, từ môi trường đầu tư, chính sách thuế và các điều kiện đảm bảo khác. Tuy nhiên, ngoài đóng góp cho sự phát triển kinh tế của TP. Hồ Chí Minh, khu vực FDI cũng đã và đang bộc lộ những vấn đề gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của ngân sách, đến môi trường cạnh tranh.

Đó là hiện tượng chuyển giá, trốn thuế, tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư.

Các doanh nghiệp FDI thường sử dụng các chiêu trò, như: Nâng giá hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào cao, hạ giá xuất khẩu xuống thấp, để từ đó báo lỗ hoặc giảm lợi nhuận trên sổ sách (chuyển giá) nhằm trốn nộp thuế. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp có hiện tượng trên thường phổ biến nhất ở các lĩnh vực có nhiều tài sản vô hình là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm không phổ biến trong nước, nên không có tiêu chí hay cơ sở để so sánh.

Nhằm kiểm soát hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp (chủ yếu doanh nghiệp FDI) trong nội dung kế hoạch chống thất thu ngân sách nhà nước năm nay do Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh soạn thảo và trình UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành, có đến 8 chuyên đề bao phủ hầu hết các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế, hoạt động chống chuyển giá được cơ quan thuế đặt ra trước tiên.

Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng các tiêu chí để cơ quan thuế dùng xác định đối tượng gồm: Người nộp thuế không kê khai, kê khai không đầy đủ thông tin hoặc không nộp Phụ lục I, hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết quy định tại Phụ lục II, Phụ lục III của Nghị định 132/2020/NĐ-CP.

Cán bộ, công chức Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh xác minh, rà soát những doanh nghiệp nộp thuế để sử dụng các thông tin về giao dịch độc lập không trung thực, không đúng thực tế để phân tích, so sánh, kê khai xác định giá giao dịch liên kết, hoặc dựa vào các tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp. Không hợp lệ hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận hoặc tỷ lệ phân bổ lợi nhuận áp dụng cho giao dịch liên kết.

Sau khi xác định các đối tượng, cơ quan thuế sẽ soạn thảo tài liệu tóm tắt các hành vi chuyển giá theo pháp luật thuế Việt Nam gởi đến các doanh nghiệp FDI để tuyên truyền, cảnh báo nhằm giúp doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật thuế Việt Nam.

Song song đó là tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát chặt chẽ đối với hoạt động chuyển giá, báo lỗ, chuyển lợi nhuận ra nước ngoài của các doanh nghiệp này. Cơ quan thuế cũng gởi đến các công ty kiểm toán độc lập, đại lý thuế cung cấp dịch vụ hỗ trợ kê khai thuế cho doanh nghiệp thực hiện việc kê khai các hồ sơ giá chuyển nhượng của DN khách hàng.

Trong công tác chống chuyển giá, việc phối hợp giữa Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Thị trường TP. Hồ Chí Minh với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh được xác định rất quan trọng. Chẳng hạn, khi thấy doanh nghiệp có giao dịch liên kết có dấu hiệu chuyển giá, Cục Hải quan Thành phố cần phối hợp với cơ quan Thuế để xử lý, nhất là khi thấy những yếu tố như: vốn góp vào dự án đầu tư là máy móc thiết bị, nguyên liệu, tài sản vô hình, bản quyền định giá quá cao.

Cơ quan Hải quan TP. Hồ Chí Minh cũng cần chủ động rà soát các doanh nghiệp thực hiện gia công sản xuất xuất khẩu; phân loại, lập danh sách các doanh nghiệp có độ rủi ro cao để theo dõi và có biện pháp quản lý… Đối với cơ quan quản lý thị trường TP. Hồ Chí Minh, cần phối hợp với cơ quan thuế để trao đổi thông tin về kiểm soát lưu thông hàng hóa, hàng gian, hàng giả để cơ quan thuế hoàn thiện chuyên đề kiểm soát hoạt động chuyển giá trên địa bàn…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcMoody’s công bố hoàn thành rà soát định hạng tín nhiệm định kỳ cho BIDV
Bài tiếp theoCần chứng khoán hóa nợ xấu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây