Khó giải ngân gói hỗ trợ lãi suất nếu không nới room ngay
Hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) đang là mối quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế. Theo đó, các chuyên gia kinh tế đều cho rằng, NHNN nên điều chỉnh nới room tín dụng để giải quyết một số vấn đề như: giải ngân gói 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 2%; giải tỏa nhu cầu vốn cho doanh nghiệp bất động sản…
Nguyên nhân khiến NHNN cân nhắc chưa nới room tín dụng là mối lo do lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng mà chủ yếu là tín dụng bất động sản. Tuy nhiên, TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhấn mạnh rằng: “Không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt”.
Vị chuyên gia này khẳng định: “Không nới room tín dụng ngay thì cực kỳ khó giải ngân với gói hỗ trợ lãi suất. Nếu ngân hàng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng thì làm sao có thể giải ngân được gói hỗ trợ lãi suất.”
Bên cạnh đó, TS. Cấn Văn Lực cho biết, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của NHNN bắt đầu từ ngày 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát…Đây chính là những tín hiệu “an toàn” để NHNN xem xét nới room tín dụng.
“NHNN cần linh hoạt về hạn mức tăng trưởng tín dụng. Không nên chờ đến quý IV, cuối năm khi tăng trưởng tín dụng và lạm phát “êm” rồi mới nới room tín dụng vì như vậy quá trễ so với nhu cầu phục hồi của nền kinh tế và của doanh nghiệp” – TS. Cấn Văn Lực cho hay.
Cần thay thế “công cụ” hạn mức tín dụng
Chia sẻ về vấn đề room tín dụng đang được dư luận đặc biệt quan tâm, TS. Phạm Xuân Hoè – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược (NHNN) cho biết: “Hiện nay, NHNN có nhiều công cụ để thay thế công cụ hạn mức tín dụng nhằm kiểm soát mức cung tín dụng cho nền kinh tế và định hướng điều hành theo hướng thị trường hơn qua công cụ gián tiếp, thậm chí vẫn có thể dùng công cụ nửa hành chính, nửa thị trường”.
TS. Phạm Xuân Hòe cũng nhận định rằng, khi tiếp tục sử dụng công cụ hạn mức tín dụng sẽ gây ra một số vấn đề như: vốn cho nhu cầu phục hồi sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ; hàng loạt người mua nhà bị chủ đầu tư phạt do chậm nộp tiền… Do đó, về mặt pháp lý, vị chuyên gia này cho rằng, sớm hay muộn NHNN cũng cân nhắc việc bỏ room tín dụng.
Cùng với quan điểm của TS. Cấn Văn Lực, TS. Phạm Xuân Hòe cho hay, lạm phát ở Việt Nam là lạm phát chi phí đẩy, công cụ chính sách tiền tệ không phát huy tác dụng để chúng ta cần phải cân nhắc không sử dụng công cụ hạn mức tín dụng.
Cũng thông tin về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, hiện Việt Nam không có yếu tố lạm phát nội tại, không in thêm tiền, không phát hành tiền cho ngân sách chi tiêu. Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, chúng ta có cơ hội xem xét tăng trưởng trở lại một chút room tín dụng. Dẫn số liệu tăng trưởng tín dụng của Mỹ bình quân trong vòng 3 năm vừa qua là 14%, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nếu tín dụng Mỹ tăng trưởng ở mức này thì tăng trưởng tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15-16% là có thể chấp nhận được.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Công tác Đại biểu Quốc hội thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội nhấn mạnh rằng: “Hiện dư địa tăng trưởng tín dụng còn khá lớn. Tôi tin NHNN sẽ sớm điều chỉnh room tín dụng cho các ngân hàng trong biên độ điều hành 14%. Việc điều chỉnh tuân thủ theo nguyên tắc tổ chức tín dụng nào có “thể chất” tốt hơn, tín dụng lành mạnh hơn, tham gia đóng góp nhiều hơn vào các mục tiêu chung của hệ thống và chủ trương của Chính phủ sẽ được ưu tiên nới room tín dụng”.