Cuối năm 2021, đồ án quy hoạch sông Hồng sẽ được duyệt

0
158

Sau hàng chục năm chờ đợi, Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được kỳ vọng sẽ phê duyệt trong tháng 6. Tuy nhiên, đến nay kế hoạch này đã bị chậm trễ.

UBND thành phố cho biết, đồ án quy hoạch phân khu đã được lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch phòng chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn TP. Hà Nội, tích hợp vào “Quy hoạch TP. Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, TP. Hà Nội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, có ý kiến thống nhất quan điểm về quy hoạch xây dựng đối với định hướng đồ án quy hoạch.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn xác nhận, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng liên quan đến nhiều bộ, ngành. Hiện nay, đã có Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản trả lời, trên cơ sở đồng thuận cao, song yêu cầu tuân thủ phương án phòng, chống lũ.

“Thời gian tới, UBND thành phố xin ý kiến của Bộ Xây dựng, sau đó báo cáo Thành ủy, tiếp đó sẽ thực hiện phân cấp theo thẩm quyền. Dự kiến, cuối năm 2021, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt” – Ông Tuấn cho biết.

Chia sẻ với DĐDN, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, việc quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập và dự kiến được phê duyệt vào cuối 2021 là cơ sở, cơ hội tốt để khai thác hiệu quả những tiềm năng kể trên của con sông này, đưa sông Hồng trở thành thương hiệu của Thủ đô.

Bản đồ vị trí các bãi sông Hồng trong khu vực quy hoạch

Thành phố mong muốn quy hoạch sông Hồng trở thành trục cảnh quan quan trọng của Thủ đô và không giao các doanh nghiệp lớn đứng ra bỏ tiền làm quy hoạch mà giao Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội chủ trì làm quy hoạch.

“Việc nghiên cứu của tư vấn độc lập trong nước có tham khảo ý kiến tư vấn nước ngoài, kế thừa quy hoạch cũ, đưa ra ý tưởng phù hợp với yêu cầu khai thác các chức năng quy hoạch của hai bên sông Hồng sẽ hiệu quả hơn so với giao cho các doanh nghiệp làm đồ án phân khu này” – ông Chính nhấn mạnh.

Một kiến truc sư bày tỏ: “Mặc dù đồ án quy hoạch phân khu Sông Hồng lần này mới chỉ là định hướng cho các quy hoạch chi tiết và các dự án cụ thể triển khai sau này. Nhưng nếu định hướng không rõ hoặc mới chỉ dừng ở các con chữ dạng khẩu hiệu thì tính khả thi sẽ không có cơ hội chạm đến với cuộc sống thật của cư dân cũng như sự phát triển bền vững của đô thị Hà Nội với trọng trách là Thủ đô của đất nước Việt Nam”.

Theo đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, dọc hai bên sông thuộc địa phận Hà Nội đều được phát triển khang trang, hiện đại. Cụ thể, quy hoạch được lập ra thành 5 phân khu R1, R2, R3, R4, R5, trên đoạn sông dài 40km, từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Diện tích nghiên cứu khoảng 11.000ha, thuộc địa bàn 13 quận, huyện. Dân số theo nhiệm vụ quy hoạch được duyệt là 130.000 – 160.000 người, còn dân số do quy hoạch đề xuất khoảng 280.000 – 320.000 người.

Quy hoạch định hướng khu vực này sẽ là trục không gian đặc trưng cây xanh mặt nước, văn hóa lịch sử, cảnh quan chủ đạo của đô thị trung tâm với các chức năng chính là công trình công cộng, các công viên cây xanh văn hóa dịch vụ du lịch, giải trí biểu tượng của Thủ đô. Quy hoạch cũng bố trí các dịch vụ giao thông đầu mối hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết nối và hình thành trục không gian văn hoá cảnh quan sinh thái (trục tâm linh Hồ Tây – Cổ Loa) phù hợp với quy hoạch 1295 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Trong đó sẽ phát triển hệ thống đường trục và hệ thống mạng lưới đường ven sông, đường dành cho người đi bộ và xe đạp. Có hệ thống cầu, hầm kết nối đô thị hai bên bờ sông, kết nối giao thông đô thị và đường thủy…, tạo điều kiện và động lực phát triển cho khu vực.

Đồng thời chú trọng cải tạo, chỉnh trang hệ thống dân cư hiện hữu, bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị lịch sử, kết hợp với khai thác quỹ đất hai bên sông để tạo lập diện mạo kiến trúc đô thị hai bên bờ sông.

Tuy nhiên, không cơi nới ở trong lòng sông, không thu hẹp chỉ giới thoát lũ. Đồ án quy hoạch cũng xác định diện tích và các chức năng tại tám khu vực bãi sông Hồng gồm: Tàm Xá – Xuân Canh, Long Biên – Cự Khối, Thượng Cát – Liên Mạc, Hoàng Mai – Thanh Trì, Chu Phan – Tráng Việt, Đông Dư – Bát Tràng, Kim Lan – Văn Đức, Bắc Cầu – Bồ Đề.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcCách thêm Thời tiết vào Lịch Google
Bài tiếp theoHoàn thiện thể chế, tạo đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây