Cuộc chạy đua huy động”‘tỷ đô” từ nhà đầu tư nước ngoài

0
137

Một số chuyên gia kinh tế đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, thì việc huy động nguồn vốn nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng bổ sung nguồn vốn kinh doanh nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng.

Vốn ngoại rót vào ngân hàng Việt ngày càng nhiều

Gần đây nhất ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd.

Được biết, tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á. Trong năm 2021, nhà băng này cũng liên tiếp hai lần huy động 300 triệu USD. Như vậy, trong vòng 1 năm qua, VPBank đã nhận được bốn khoản vay hợp vốn quốc tế cùng được tham gia thu xếp bởi ngân hàng SMBC của Nhật Bản.

Trong bối cảnh lãi suất USD đang ở mức hấp dẫn trong ba năm qua, có thể thấy nhiều ngân hàng tư nhân khác cũng “tranh thủ” gọi vốn ngoại ngày càng nhiều hơn. Điển hình như trong tháng 6, Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn trị giá lên tới 1 tỷ USD vốn nước ngoài. Đây là lần thứ ba ngân hàng này tiếp cận thị trường hợp vốn nước ngoài, sau khi hoàn tất huy động khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021.

Tương tự, VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Hay như Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) cũng huy động thành công vốn từ Tập đoàn Tài chính Phát triển quốc tế Mỹ (DFC) với khoản vay trị giá 200 triệu USD.

Trước khi nhận được khoản vay từ DFC, SeABank đã được Tổ chức Tài chính quốc tế IFC – một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (World Bank) và 5 quỹ đầu tư quốc tế khác cấp gói tín dụng trị giá 220 triệu USD nhằm hỗ trợ nguồn vốn cho các DN nhỏ và vừa, DN do phụ nữ làm chủ và tài trợ chống biến đổi khí hậu.

Theo đại diện các ngân hàng, thách thức của việc gọi vốn trên thị trường quốc tế là sự thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay, nhưng quy mô tiềm năng, mức tăng trưởng cao của thị trường cùng chiến lược và phân khúc riêng của mỗi nhà băng là yếu tố để thu hút dòng vốn ngoại chảy vào.

Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc VIB, nhận định trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phát đi nhiều tín hiệu cảnh báo về sự suy thoái, thị trường huy động vốn quốc tế cũng sẽ chịu những tác động nhất định. “Việc IFC tiếp tục giải ngân một khoản vay với kỳ hạn lên đến 5 năm cho VIB cho thấy sự tín nhiệm của đối tác dành cho ngân hàng. Nguồn vốn từ khoản vay mới này sẽ được bổ sung vào cơ cấu vốn của ngân hàng, được sử dụng để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, tăng cường sự ổn định trước biến động của thị trường”, ông Vũ nói.

Siết chặt nguồn vốn huy động từ quốc tế

Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, việc huy động dòng vốn ngoại sẽ giúp các nhà băng ổn định hơn trong cấu trúc huy động vốn, vì đặc thù tiền gửi tiết kiệm là ngắn hạn, trong khi cho vay doanh nghiệp thường là kỳ hạn dài. Xu hướng này sẽ còn tiếp tục khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đã giảm và theo lộ trình sẽ còn tiếp tục giảm xuống trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, cho biết: “Các nguồn vốn này sẽ giúp ngân hàng thúc đẩy những chương trình tín dụng cho nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, vệ sinh, giao thông và xây dựng nhà ở xã hội…”.

Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư hồi đầu năm, ông Ngô Hoàng Hà, Giám đốc cao cấp Tài chính doanh nghiệp Techcombank, chia sẻ: “Việc duy trì được nguồn tiền gửi không kỳ hạn và một phần từ tối ưu hóa nguồn vốn bằng cách huy động vốn nước ngoài đã giúp Techcombank giữ mức chi phí vốn cạnh tranh so với các ngân hàng khác”.

Trong khi đó, chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đại diện VIB cho biết, ngân hàng này tiếp tục định hướng tăng cường huy động vốn từ thị trường quốc tế, vì có ưu điểm là chi phí huy động thấp hơn tương đối so với việc huy động từ thị trường trong nước, giúp ngân hàng có nguồn vốn kinh doanh tốt hơn.

Trong bối cảnh vay nước ngoài của tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có xu hướng tăng do tận dụng mặt bằng lãi suất thấp trên thị trường quốc tế. Lo ngại dẫn đến nguy cơ không đảm bảo chỉ tiêu tổng hạn mức rút vốn ròng trung, dài hạn và mức tăng dư nợ vay ngắn hạn nước ngoài được phê duyệt hàng năm. Vì vậy, NHNN đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định về điều kiện vay nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh nhằm mục đích quản lý điều kiện vay nước ngoài, tập trung vào hỗ trợ các nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạn chế vay nước ngoài cho các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN, nhận định việc tăng trưởng “nóng”, “ồ ạt” của thị trường chứng khoán và kinh doanh bất động sản tiềm ẩn rủi ro lớn vì có thể tạo ra tình trạng vốn “ảo”, “bong bóng” tài sản, bất ổn tài chính vĩ mô.

Do đó, dòng vốn vay nước ngoài ngắn hạn cần được quản lý chặt chẽ hơn nữa để hạn chế các nguy cơ đảo chiều, NHNN cho rằng cần hạn chế việc doanh nghiệp vay nước ngoài ngắn hạn cho các mục đích tiềm ẩn rủi ro bong bóng giá như chứng khoán, bất động sản. NHNN khẳng định với quan điểm đánh giá rủi ro, qua đó, cần quản lý chặt chẽ đối với các lĩnh vực kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản trong hoạt động cấp tín dụng trong nước.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcĐổi mới, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đáp ứng yêu cầu mới
Bài tiếp theoChuyển đổi số lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc “ghi điểm” với những bước tiến vượt bậc

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây