Củng cố khung pháp lý cho thị trường trái phiếu trở lại

0
139

Cơ hội cho thị trường

Theo báo cáo thị trường tháng 8/2022 do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) công bố, trong tháng 8 có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ và 1 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị hơn 14.200 tỷ đồng.

Trong đó, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng thứ 2 về phát hành trái phiếu, sau nhóm ngân hàng thương mại. Có hai đợt phát hành từ Công ty cổ phần Fuji Nutri Food và Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh nhà Khang Điền với tổng giá trị phát hành 1.800 tỷ đồng.

Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, nhóm bất động sản tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 khi có tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt hơn 47.000 tỉ đồng, chiếm 21,3% tổng giá trị phát hành. Lãi suất phát hành trung bình của nhóm này là gần 10,2%/năm.

Theo TS. Trịnh Quang Anh, Chủ tịch Hội Nghiên cứu thị trường liên ngân hàng Việt Nam, xét về khía cạnh vĩ mô, quy mô tín dụng hiện nay khoảng 11,5 triệu tỷ đồng chia cho GDP 8 triệu tỷ, được khoảng 144%; còn thị trường TPDN khoảng 17% GDP. Tín dụng năm nay khoảng 14% và hầu hết các ngân hàng đều đang cạn room, sẽ tạo cơ hội cho thị trường TPDN, bởi doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng sẽ quay qua phát hành trái phiếu để huy động vốn. Một số ngân hàng cũng giới thiệu cho các nhà đầu tư mua trái phiếu của các doanh nghiệp phát hành qua các ngân hàng.

“Hiện nay, bối cảnh thị trường, bối cảnh tiền tệ đang thay đổi rất nhanh, nhưng nhiều người vẫn đang “mơ ngủ” về giai đoạn tiền rẻ. Chỉ trong một thời gian rất ngắn nữa, lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lên đến 3,95%. Khi đó, VND phải hấp dẫn hơn để người ta nắm giữ. Đặc biệt khi các đồng tiền khác đang mất giá nghiêm trọng, VND mới chỉ mất chưa tới 3% nhưng để có được điều này Việt Nam phải đánh đổi bằng lãi suất cao hơn. Điều này có thể khiến mọi người lo lắng, nhưng thật ra chúng ta đang trở về điều kiện bình thường mới và cần chấp nhận mặt bằng lãi suất trở về trạng thái bình thường mới”, TS. Trịnh Quang Anh nhận định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Đặng Trần Phục, Chủ tịch HĐQT AzFin cho biết, thời gian vừa qua, thị trường xảy ra rất nhiều vấn đề mà trong đó, nhiều nhà đầu tư chưa thu hồi được tài sản. Chính các vấn đề này dẫn đến động thái thắt chặt của cơ quan quản lý, khiến các doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị liên lụy. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của cơ quan quản lý đến đâu, trách nhiệm của các doanh nghiệp phát hành như thế nào? Thị trường TPDN của chúng ta còn non trẻ, chưa thực sự phát triển, dẫn đến thực trạng là nhiều doanh nghiệp coi đây như một “bữa tiệc” để lợi dụng vốn nhà đầu tư.

Đối với doanh nghiệp phát hành, rất mong các cơ quan truyền thông cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hiểu hơn, theo đó, doanh nghiệp phải có trách nhiệm với nhà đầu tư, với chính mình, với cán bộ nhân viên của mình, với sự phát triển của thị trường tài chính.

Còn khoảng trống pháp lý

Đến nay, các quy định pháp lý cho thị trường TPDN vẫn chưa rõ ràng, Nghị định 153 sửa đổi chưa được ban hành, hay nói như các chuyên gia, bộ máy giám sát, điều tiết thị trường vẫn chưa đầy đủ.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch công ty TNHH SBlaw phân tích, đứng về khía cạnh nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân, họ không hiểu nhiều về vĩ mô mà chỉ quan tâm đến lãi suất cao hay thấp khi đầu tư TPDN, như một khoản gửi tiết kiệm. Khi thị trường xảy ra sự cố, có sự tham gia của các cơ quan tư pháp, nhưng chúng ta đang có ứng xử chưa phù hợp vì chưa có kinh nghiệm xử lý và còn có khoảng trống pháp lý.

“Thứ nhất, nhiều nhà đầu tư mong muốn lấy lại tiền khi đã mua trái phiếu, vấn đề đặt ra là những người lãnh đạo doanh nghiệp vướng vòng lao lý có được tại ngoại xử lý không? Nhưng phải nói rằng, với nền tư pháp của Việt Nam thì điều này là rất khó.

Thứ hai, để đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư cá nhân, một số chủ doanh nghiệp muốn bán dự án để trả tiền, nhưng các cơ chế hiện nay là chưa cho phép điều đó, mà phải đợi có quyết định của Toà án mới có thể giải quyết”, ông Hà nói.

Vị Luật sư kiến nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu xử lý các doanh nghiệp đáo hạn mà không trả được tiền, phải có tổ công tác xử lý đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và trong Nghị định số 153 sửa đổi cần có quy định cụ thể về vấn đề này. Trước mắt, ngoài việc hoàn thiện lại Nghị định 153 theo hướng không chỉ phục vụ mục tiêu thắt chặt quản lý của cơ quan Nhà nước, mà cần hướng tới phục vụ thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu.

“Tôi thấy khi tư vấn cho một số nhà đầu tư, doanh nghiệp thì họ có nhiều cách lách khác nhau. Nội dung có quy định nhà đầu tư chứng khoán phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia thị trường TPDN. Tuy nhiên, số lượng lớn nhà đầu tư là cán bộ hưu trí, nhà kinh doanh nhỏ lẻ có tiền muốn tham gia thị trường vì lãi suất cao. Họ có nhiều cách để lách, có thể các CTCK biến họ từ nhà đầu tư không chuyên thành chuyên nghiệp với chi phí khoảng 4-6 triệu đồng, hoặc có tổ chức nhận toàn bộ lượng phát hành, ký hợp đồng hợp tác đầu tư để lách. Văn bản quy phạm pháp luật cần lường trước làm sao điều chỉnh các các tổ chức phát hành, người tham gia, dù tương đối khó nhưng vẫn phải tìm giải pháp.

Hiện nay dự thảo Nghị định 153 còn nhiều quy định thắt chặt hơn, đẩy những nhà phát hành vào tình thế khó khăn. Ví dụ không được huy động vốn phát hành trái phiếu đầu tư cổ phần. Tôi nghĩ về thực tế như vậy không phù hợp với những mô hình quản trị công ty mẹ công ty con ở các tập đoàn.

Ngoài ra, chúng ta phải điều chỉnh trong trường hợp quyết định hành chính của cơ quan nhà nước hủy phát hành trái phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp bị cơ quan tư pháp điều tra thì xử lý như ra sao. Khi đó, rất cần bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu ý kiến.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcTăng hiệu lực quản lý nhà nước và tính chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm
Bài tiếp theo06 mục tiêu cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây