Theo cơ quan Hải quan, đối với các doanh nghiệp nợ thuế, cơ quan chức năng sẽ áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế theo Luật Quản lý thuế, trong đó, có biện pháp dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của các doanh nghiệp.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn “chây ỳ” không thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Đối với các trường hợp này, cơ quan Hải quan sẽ áp dụng biện pháp mạnh là ban hành thông báo tạm hoãn xuất cảnh được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14; Điều 21 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Thông tư số 79/2020/TT-BCA ngày 14/7/2020 của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, chưa cho nhập cảnh, nhằm thu hồi tiền thuế cho ngân sách nhà nước.
Theo Cục Hải quan An Giang, tính đến ngày 31/3/2021, trên địa bàn còn 38 doanh nghiệp thuộc diện nợ thuế “chây ỳ” với tổng số nợ gần 6,2 tỷ đồng. Đứng đầu danh sách nợ thuế là trường hợp của doanh nghiệp tư nhân Minh Phát, nợ trên 1,2 tỷ đồng; tiếp theo là Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm An Thái (TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang), nợ thuế trên 1 tỷ đồng, các trường hợp còn lại nợ từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Do vậy, người đại diện pháp luật của 38 doanh nghiệp nêu trên đều đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Cục Hải quan An Giang cũng đã ban hành thông báo quyết định áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với 38 doanh nghiệp nợ thuế nêu trên. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh kể từ ngày ban hành quyết định tạm hoãn xuất cảnh đến khi doanh nghiệp nộp đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.
Các thông báo này đều được gửi tới Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) để phối hợp thực hiện. Đồng thời, gửi văn bản cho UBND phường nơi giám đốc các doanh nghiệp đăng ký địa chỉ thường trú hỗ trợ chuyển Thông báo tạm hoãn xuất cảnh cho các cá nhân.