Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác thực hành tiết kiệm là lĩnh vực có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều địa phương và nhiều đơn vị, do vậy, Bộ trưởng mong Quốc hội hết sức thấu hiểu, chia sẻ và hỗ trợ Chính phủ trong việc hoàn thiện pháp luật một cách nhanh nhất, tạo ra “đường băng” để kinh tế phát triển.
Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, công tác thực hành tiết kiệm trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực. Điều này được thể hiện qua các con số như: tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 6,8%; thu ngân sách nhà nước đạt 6,9 triệu tỷ đồng, chiếm 25% GDP và tăng gấp 1,66 lần của nhiệm kỳ trước; nợ công giảm từ 63,7% xuống còn 55,9% vào năm 2020; tỷ trọng chi đầu từ 22,9% lên đến 29%; bội chi ngân sách chỉ còn 3,37%… Đặc biệt, bộ máy tinh gọn, tinh giản biên chế tại các đơn vị sự nghiệp công lập có chuyển biến mạnh mẽ (các đơn vị sự nghiệp công lập giảm 13,85%, công chức giảm 10,1%, viên chức giảm 11,2%…).
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ rõ một số nguyên nhân tác động đến việc thực hành tiết kiệm đó là vấn đề về văn bản quy phạm pháp luật phải được tiếp tục hoàn thiện, cùng với đó phải hoàn thiện về các giải pháp, về trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như việc giải quyết những vấn đề do lịch sử để lại…
Chia sẻ về các giải pháp tiếp tục triển khai thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện Bộ Tài chính hiện đang hoàn thiện các quy định về các định mức sử dụng xe ô tô, quy định về cơ chế tiếp khách, công tác phí… Trong đó, dự kiến tháng 11/2022, Chính phủ sẽ ban hành quy định về sử dụng xe ô tô. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã 2 lần công khai dự thảo trên các Cổng Thông tin điện tử, trong đó, dự thảo quy định rõ tiêu chí về việc mua sắm ô tô tại cấp huyện, nhằm giải quyết các vương mắc hiện tại; tổ chức nhiều hội thảo, lấy ý kiến của 63 tỉnh thành, các cơ quan đơn vị sử dụng ngân sách…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về công tác thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sẽ hoàn thiện báo cáo gửi Quốc hội.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Quốc hội cơ bản tán thành nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Quốc hội khẳng định, việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đã đạt được những kết quả rất quan trọng, tích cực, song hành cùng với kết quả to lớn của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước.