Còn nhớ, vào thời điểm đầu năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lúc giảm điểm khá sâu, nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt rút vốn… nhưng kể từ đầu tháng 4 đã ổn định trở lại, phục hồi bền vững và tăng trưởng ngoạn mục vào giai đoạn cuối năm 2020.
Sóng tăng nối dài
Và, đóng góp tích cực vào diễn biến “lạ” này của thị trường là mức tăng đáng kể của của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng. Theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020.
Cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội là mã tăng mạnh nhất ngành ngân hàng, khởi đầu năm với mức giá 5.350 đồng/cp nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 17.000 đồng/cp, tương ứng mức tỷ suất sinh lời gần 218%. Hiện, SHB đã kịp thời ghi nhận cho mình thêm gần 5% giá trị nữa lên 17.800 đồng/cp.
VIB của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng là một gương mặt gây ấn tượng với mức tăng gần 125% trong năm 2020, còn LPB của LienVietPostBank cũng nằm trong danh sách 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm 2020 khi tăng giá gấp 2 lần trong năm qua.
Tất nhiên, đến thời điểm hiện tại, VIB, LPB cũng đã tăng thêm cho mình vài phần trăm thị giá chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2021.
Không đạt mức tăng mạnh như VIB, LPB, SHB nhưng các cổ phiếu ngân hàng khác như TCB của Techcombank, ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu, MBB của MB, CTG của Vietinbank…đã tăng thêm vài chục phần trăm giá trị trong vòng gần 1 năm qua.
Nhìn vào đây có thể thấy, vùng giá của các cổ phiếu ngân hàng đã vượt qua các đỉnh giá cũ và thông thường khi đạt được mức này sẽ có một nhịp điều chỉnh khá sâu để đưa thị giá cổ phiếu về mức hấp dẫn hơn.
Tuy nhiên điều này dường như không đúng với nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ đà tăng được duy trì là nhờ nhóm này đang được tiếp thêm nguồn mới.
Gần đây nhất là cổ phiếu BAB của Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank ) vừa gây ấn tượng với giới đầu tư khi vừa mới lên sàn 9 phiên nhưng đã tăng 112,5% từ mức giá tham chiếu 16.000 đồng/cp lên 34.000 đồng/cp với 6 phiên tăng trần và 2 phiên đóng cửa trong sắc xanh, chỉ duy nhất một phiên giữ nguyên mức giá tham chiếu.
Ngày 24/3 tới, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeA Bank) cũng sẽ đưa hơn 1,2 tỷ cổ phiếu SSB lên niêm yết trên HoSE với giá tham chiếu là 16.800 đồng/cp. SeABank là ngân hàng thứ hai lên sàn HoSE và là nhà băng thứ ba niêm yết cổ phiếu trong năm nay.
Trước đó, gần 1,1 tỷ cổ phiếu OCB đã chính thức giao dịch trên HoSE từ ngày 28/1. Hiện, cổ phiếu này đang giao dịch tại mức giá 24.800 đồng/cp, tăng hơn 18,6% so với giá chào sàn.
Duy trì kỳ vọng
Thực tế, có khá nhiều nguyên nhân để lý giải về mức tăng chưa thấy điều chỉnh của nhóm cổ phiếu ngân hàng trong thời gian qua, bên cạnh kết quả kinh doanh tốt thì với đặc thù là “huyết mạch kinh tế”, nhóm cổ phiếu này còn đang phản ánh kỳ vọng phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.
Có ý kiến cho rằng, đây là lần đầu tiên cổ phiếu ngân hàng thực sự trở lại đường đua mà nó đã từng tạo dựng cách đây mười lăm năm, không chỉ đóng vai trò quyết định thúc đẩy thị trường chứng khoán, mà còn là vùng trũng thu hút dòng vốn đầu tư nhàn rỗi trong xã hội.
Hay nói cách khác là “cuộc xâm chiếm” thị trường lần hai của cổ phiếu ngành ngân hàng nhờ nỗ lực trong kinh doanh của bản thân các tổ chức tín dụng và dòng tiền rẻ đang và sẽ còn kéo dài ít nhất cho đến hết năm 2021.
Trong báo cáo mới đây của JP Morgan, các ngân hàng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng và ROE cao nhất trong khu vực ASEAN. Tăng trưởng GDP danh nghĩa cao và khả năng phục hồi trong 12 tháng qua cho thấy khả năng tăng trưởng tín dụng và thu nhập trong vài năm tới.
JP Morgan kỳ vọng, tốc độ tăng trưởng EPS bình quân trong giai đoạn 2020-2023 của ngành ngân hàng Việt Nam đạt mức 16%. Điều này sẽ dẫn tới kỳ vọng giá cổ phiếu tăng từ 8-42% trong suốt năm và có thể là cao hơn trong 3 năm tới.
Dù tiềm năng là rất rõ ràng nhưng lựa chọn cơ hội đầu tư sinh lời với nhóm “cổ phiếu vua” là không đơn giản.
Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế từng có kinh nghiệm nhiều năm trong ngành ngân hàng, ông Nguyễn Đức Hưởng – Nguyên Chủ tịch LienVietPostBank cho biết, ngành ngân hàng còn đang bị bó buộc về cơ chế.
Ví dụ như giới hạn tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn năm 2018 là 60%, đến năm 2019 bị siết còn 40% và hiện nay còn 37%, thậm chí 34%. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng phải cạnh tranh trên sàn với nhóm cổ phiếu khác giàu thế lực không kém, đó là bất động sản.
Chưa kể, một số nhà quan sát cho rằng, thị trường chứng khoán sau một nhịp tăng trưởng thăng hoa sẽ là trào lưu tiếp nối của thị trường bất động sản. Một bộ phận nhà đầu tư sau khi chốt lời trên sàn chứng khoán sẽ chuyển dịch vốn đầu tư sang mua nhà đất.
Sàn chứng khoán có thể sẽ vẫn còn một lực lượng nhà đầu tư tiếp tục bám trụ, nhưng dòng tiền trong bối cảnh đó sẽ có xu hướng hút vào các cổ phiếu bất động sản.