Chứng khoán Việt Nam vẫn tiềm năng giữa vùng nhiễu động

0
148

Quỹ ngoại chớp thời cơ

Kể từ đầu tháng 4/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận đà sụt giảm khá mạnh. Trong đó, chỉ số VN-Index đã “bốc hơi” hơn 312 điểm vào ngày 24/6, tương đương mức giảm gần 21% so với hồi đầu năm. Nhiều cổ phiếu rơi về vùng đáy trong vòng một năm, dù doanh nghiệp vẫn tăng trưởng lợi nhuận khả quan.

Tuy nhiên, hoạt động mua bán cổ phiếu của các quỹ ngoại lại diễn ra sôi động, khi tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường trong giai đoạn này, để gia tăng sở hữu lên các cổ phiếu tiềm năng với mức giá hợp lý hơn.

Tiêu biểu là hai quỹ Norges Bank và Samsung Vietnam Sercurities Master Investment Trust (Equity) do Dragon Capital quản lý đã mua vào tổng cộng hơn 1,7 triệu cổ phiếu DXG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh. Hay Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) và Grinling International Limited, hai quỹ khác cũng do Dragon Capital quản lý đã mua vào tổng cộng 900.000 cổ phiếu DPM (Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí – CTCP), khi cổ phiếu này tạo đáy một tháng.

Cùng thời gian này, F&N Dairy Investment Pte. Ltd cũng đăng ký mua gần 20,9 triệu cổ phiếu VNM của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) để nâng lượng nắm giữ lên gần 390,7 triệu cổ phần, tương đương 18,7%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 22/6 đến 21/7 tới theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng của VinaCapital đánh giá, mặc dù chỉ số VN-Index hiện có dấu hiệu suy giảm cùng với thị trường chứng khoán toàn cầu, nhưng nền kinh tế Việt Namvẫn đang trong tình trạng vững mạnh, chủ yếu do tiêu dùng nội địa chiếm 2/3 GDP của Việt Nam đang bùng nổ. “Khả năng chống chịu này, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP và tăng trưởng thu nhập cao của Việt Nam sẽ thúc đẩy chỉ số VN-Index tăng đáng kể khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) từ bỏ việc tăng lãi suất”.

Nhìn lại từ đầu năm đến nay, chứng khoán Việt Nam đã có nhịp điều chỉnh sâu và diễn biến khá giằng co xuyên suốt quý 2/2022, từ sự kiện khởi điểm thanh lọc thị trường chứng khoán và trái phiếu của Chính phủ đầu tháng 4 vừa qua.

Phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, vừa qua cơ quan chức năng thực hiện một số biện pháp chấn chỉnh thị trường vốn để phát triển an toàn, lành mạnh, công khai minh mạch. Trong quá trình thực hiện việc này đã xử lý một số vụ việc vi phạm nhằm bảo vệ thị trường và người đầu tư chân chính.

Thủ tướng cũng nhận định, dù thị trường chứng khoán có trồi sụt, tác động bởi bên ngoài, nhưng thị trường vẫn đang lành mạnh và phát triển ổn định. Đồng thời kêu gọi nhà đầu tư tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực này. Để các nhà đầu tư yên tâm, Thủ tướng nhắc lại cam kết không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự.

“Chúng ta cần hướng dòng tiền đi đúng vào sản xuất kinh doanh để hỗ trợ phát triển, bảo vệ nhà đầu tư. Khi dòng tiền đi không đúng chỗ, bị méo mó đi, thao túng bởi các tổ chức, cá nhân làm ăn không lành mạnh, không chính đáng thì phải xử lý”, Thủ tướng khẳng định.

Nhiều dư địa và triển vọng

Vừa qua, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra nhận định, nền kinh tế thế giới sẽ chậm lại ở mức 4,4% so với 5,9% năm 2021. Dự báo thị trường chứng khoán cũng giảm so với năm 2021, đặc biệt khi các nước cắt giảm các hỗ trợ kinh tế, Fed, Ngân hàng Trung ương Anh thắt chặt qua cắt giảm các gói định lượng và tăng lãi suất,… Mặt bằng lãi suất tăng sẽ là lực cản với thị trường chứng khoán, đồng thời khiến dòng vốn dịch chuyển từ thị trường mới nổi sang thị trường phát triển.

Tuy nhiên, theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCKNN, thì dư địa tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2022 vẫn triển vọng. Mặt bằng lãi suất chưa có những thay đổi mạnh trong ngắn hạn, dòng tiền vẫn được giữ lại trên thị trường. Đặc biệt sự quan tâm của nhà đầu tư tiếp tục duy trì.

Ở góc nhìn của công ty chứng khoán, ông Lưu Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư tại VPS cho hay, năm 2022, giá dầu, giá hàng hoá cơ bản đồng loạt tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán ở các thị trường phát triển đều suy giảm.

“Mối quan hệ liên thị trường là điều đáng ngại, sẽ ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Thêm nữa, lạm phát tại Mỹ, Châu Âu tăng mạnh trong thời gian qua. Tôi lo ngại lạm phát ở khu vực Châu Á, Đông Nam Á sẽ bắt đầu ảnh hưởng từ quý 2 – quý 3/2022. Các nhà đầu tư rất quan tâm tới động thái của FED, với việc tăng lãi suất từ 5-7 lần trong năm nay, thì cách thức điều hành của các ngân hàng trung ương sẽ phải thay đổi.

Về các tác động tích cực với thị trường chứng khoán Việt Nam, có thể thấy chỉ tiêu PMI ổn định, tăng trưởng nhẹ trong lĩnh vực chế biến chế tạo – xuất khẩu, FDI tăng khá, nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển thuận lợi.

Áp lực điều chỉnh chứng khoán trên thế giới và Việt Nam có sự đồng pha. Dù vậy, nhà đầu tư không nên bi quan quá, dù thị trường lên hay xuống, điều quan trọng là chúng ta đầu tư cổ phiếu nào, nhóm ngành nào. Đôi khi, bất chấp lạm phát, dòng tiền vẫn trú ẩn ở một số mã chứng khoán.

Trong năm tới, không phải câu chuyện nhóm ngành nào dẫn dắt, mà theo các cổ phiếu riêng lẻ thuộc diện đứng đầu, có lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực như: Xuất nhập khẩu, cảng biển, bảo hiểm, dầu khí, thủy sản, phân bón hóa chất và thép, cao su tự nhiên. Đây cũng là cơ hội tốt để các doanh nghiệp với nền tảng tài chính tốt phát hành cổ phiếu ”, ông Khánh phân tích.

Để thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian tới, đại diện Vụ Phát triển thị trường khẳng định, trong năm 2022, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tập trung vào một số giải pháp tập trung vào một số giải pháp như:

Thứ nhất, tích cực hoàn thiện khung pháp lý, hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2021-2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường cung cấp thông tin chính thống giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân.

Thứ hai, tăng cường thanh kiểm tra, giám sát hoạt động thị trường, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, các trường hợp cố tình, tái phạm hành vi vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin đảm bảo TTCK phát triển theo hướng minh bạch và bền vững.

“Nâng cao vai trò giám sát tuyến 1 của Sở Giao dịch chứng khoán trong việc phân tích, đánh giá và chịu trách nhiệm xác định các giao dịch nghi vấn có khả năng vi phạm pháp luật về giao dịch chứng khoán; yêu cầu CTCK tăng cường quản lý các hội nhóm do môi giới lập; xử lý nghiêm công ty chứng khoán hỗ trợ các hoạt động thao túng chứng khoán”, bà Bình nhấn mạnh.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát và giao dịch cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ nhằm tăng cường tính minh bạch, an toàn và giảm thiểu rủi ro cho thị trường.

Thứ tư, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới trên TTCK Việt Nam.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcCông nghiệp xanh – Giải pháp gia tăng dòng vốn FDI vào bất động sản
Bài tiếp theoTăng cường quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây