Số liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai VN30 (chứng khoán phái sinh) đạt hơn 25 triệu hợp đồng, theo đó giá trị giao dịch đạt 3.473 nghìn tỷ đồng. Như vậy, tính bình quân, khối lượng giao dịch 6 tháng đầu năm đạt 209.559 hợp đồng/phiên, giá trị giao dịch bình quân theo danh nghĩa đạt 28,94 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 10,94% về khối lượng giao dịch và 10,77% về giá trị giao dịch so với năm 2021.
Về sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ (TPCP), trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng khối lượng giao dịch hợp đồng tương lai TPCP đạt 64.782 hợp đồng, tổng giá trị giao dịch theo danh nghĩa đạt 69.619 tỷ đồng. Riêng đối với giao dịch TPCP thì các giao dịch đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư tổ chức.
Trong khi thị trường chứng khoán cơ sở không hút mạnh được dòng tiền của giới đầu tư thì số lượng tài khoản giao dịch phái sinh vẫn tiếp tục tăng so với tháng trước. Tại thời điểm cuối tháng 6/2022, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt hơn 1 triệu tài khoản. Theo đó, phần lớn thị phần môi giới phái sinh tiếp tục nằm trong tay các Công ty. Đứng đầu là Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS (55,37%); thứ 2 là Chứng khoán HSC ( chiếm 12,89%); thứ ba là Công ty Chứng khoán SSI với thị phần là 5,93% và Công ty Chứng khoán VNDirect với thị phần là 5,41%.
Đánh giá về thị trường chứng khoán phái sinh vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều nhau. Có nhiều nhà đầu tư cho rằng, sự thao túng trên thị trường chứng khoán phái sinh là nguyên nhân khiến thị trường cơ sở giảm.
Chứng khoán phái sinh ra đời tại thị trường Việt Nam từ năm 2017, với mục đích ban đầu là đa dạng hóa sản phẩm cho thị trường, đồng thời trang bị thêm công cụ phòng ngừa rủi ro cho nhà đầu tư, tiếp cận dần với xu hướng chung của các thị trường chứng khoán tiên tiến trên thế giới.
Với mục đích là công cụ phòng ngừa rủi ro, khi thị trường cơ sở bất ngờ giảm mạnh mà nhà đầu tư không muốn bán danh mục cổ phiếu tiềm năng, có thể mở vị thế bán (Short) hợp đồng phái sinh. Khi đó, sự thiệt hại của danh mục cơ sở sẽ được bù đắp bằng lợi nhuận từ Short phái sinh.
Các chuyên gia chỉ ra rằng, với đặc thù chỉ cần ký quỹ một phần giá trị hợp đồng, hợp đồng tương lai sẽ mang lại cho nhà đầu tư mức đòn bẩy rất cao, khiến cho số lãi nhận được có thể cao hơn nhiều so với đầu tư vào cổ phiếu. Nếu như trong giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư sau khi mua cổ phiếu phải chờ 2 ngày để cổ phiếu về tài khoản mới có thể thực hiện bán, thì ở giao dịch hợp đồng tương lai, lợi ích từ việc nhà đầu tư có thể ngay lập tức đóng vị thế vừa mở (bất kể là vị thế mua hay vị thế bán). Như vậy, nhà đầu tư có thể liên tục mở và đóng vị thế trong phiên để tìm kiếm lợi nhuận trên mọi biến động của thị trường.
Hiện tại trên thị trường cổ phiếu, nhà đầu tư đang không có công cụ để tìm kiếm lợi nhuận trong thị trường giảm điểm. Tuy nhiên, với hợp đồng tương lai, nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện được việc này. Nhà đầu tư có thể tham gia vào vị thế bán hợp đồng tương lai bất kỳ lúc nào với điều kiện duy nhất cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia hợp đồng. Khi chỉ số giảm đúng như dự đoán, nhà đầu tư sẽ có được lợi nhuận từ giao dịch bán hợp đồng tương lai.
Nhưng rủi ro của chứng khoán phái sinh cũng luôn hiện hữu. Chứng khoán phái sinh với đặc tính giá biến động lớn và nhanh do tỷ lệ đòn bẩy cao, khoảng 6 lần, do đó nhà đầu tư khi tham gia cần nắm vững kiến thức cũng như chuẩn bị tâm lý để tránh mua/bán quá nhiều trong ngày theo biến động giá và dẫn đến thua lỗ. Khi giao dịch phái sinh nhà đầu tư chỉ ký quỹ một phần nên nếu trong phiên giá biến động ngược chiều với kỳ vọng thì nhà đầu tư cần phải bổ sung tiền ngay để tránh bị đóng bớt hợp đồng đang nắm giữ để đưa tài khoản về mức an toàn. Do vậy, các nhà đầu tư cần cân nhắc và cẩn trọng khi đầu tư vào lĩnh vực chứng khoán phái sinh nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rủi ro…