Chứng khoán: Đã đến lúc ưu tiên quản trị rủi ro hơn là lao theo “con sóng”?

0
125

“Quá mạnh”, “thăng hoa” hay “quá sức tưởng tượng” là những cụm từ được nhà đầu tư và cả những thành viên thị trường miêu tả về tình trạng hiện tại của thị trường chứng khoán. Dòng tiền đổ vào như “thác lũ” giúp hàng loạt cổ phiếu bứt phá ngoạn mục.

Trước đây, chắc hẳn từ cơ quan quản lý nhà nước đến các nhà đầu tư đều không thể nghĩ đến viễn cảnh hàng tỷ USD được giao dịch mỗi phiên nhưng đến nay, 1 tỷ USD chỉ đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong thời gian giao dịch buổi sáng.

“Cơn điên” của thị trường

Thị trường chứng khoán đang ở thời điểm “nóng” nhất với việc dòng tiền như đang nổi loạn khiến tháng 5/2021 phá vỡ hoàn toàn quy luật “sell in May” (bán và đứng ngoài thị trường trong tháng 5) của giới đầu tư. Thậm chí, rất nhiều kỷ lục đã được thiết lập trong khoảng thời gian này.

Theo đó, chỉ số Vn-Index chỉ có vỏn vẹn 7 phiên giảm điểm trong tổng số 20 phiên giao dịch của tháng 5, trong đó chỉ có duy nhất 1 phiên giảm 1%, còn lại chỉ giảm nhẹ. Đồng thời, chỉ số này đã vượt qua ngưỡng cản quan trọng 1.300 điểm và liên tục đi lên mức cao mới.

Vn-Index chốt phiên giao dịch cuối cùng của tháng 5 ở mức 1.328,05 điểm, tương ứng tăng 7,15% so với thời điểm cuối tháng 4. Tương tự, HNX-Index tăng 12,81% lên 317,85 điểm; UPCoM-Index tăng 10,03% lên 88,77 điểm.

Đà tăng này còn tiếp tục được duy trì đến những phiên giao dịch đầu tháng 6. Dòng tiền đổ vào thị trường ngày càng mạnh mẽ khiến hệ thống của sàn HoSE “bất lực” phải tạm dừng giao dịch phiên chiều ngày 1/6. Đến phiên giao dịch ngày 4/6, Vn-Index thiết lập mức đỉnh mới 1.374 điểm, đỉnh thanh khoản trước đó đã bị “bay” qua một cách dễ dàng với hơn 31.100 tỷ đồng được giao dịch.

Các chỉ số chứng khoán liên tục đi lên bất chấp những tin đồn liên quan đến việc các công ty chứng khoán đã rơi vào trạng thái “căng margin”. Lượng tiền dồn dập chảy vào thị trường vẫn được cho là xuất phát từ sự bùng nổ của nhà đầu tư “F0”.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD), trong tháng 5, dù nghỉ lễ 1 ngày, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mở mới vẫn xác lập kỷ lục mới với 114.107 tài khoản. Trong 5 tháng đã có tổng cộng 482.760 tài khoản giao dịch chứng khoán mới. Tính đến cuối tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 3,25 triệu tài khoản, tương đương 3,36% dân số Việt Nam.

Theo thống kê của VnBusiness, riêng trong tháng 4 và 5, các nhà đầu tư cá nhân trong nước đã “bơm” thêm gần 15.000 tỷ đồng vào thị trường.

Lý giải về dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường, ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, đây là sự dịch chuyển từ nguồn tiết kiệm trong công chúng sang kênh đầu tư chứng khoán.

“Tiền nóng” thường “bỏng tay”

Không thể phủ nhận sức nóng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua trước dòng tiền như “bão lũ” của các nhà đầu tư F0.

Tuy nhiên, trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Đông Á (DAS) lưu ý, thị trường đang có hiện tượng tăng giá cục bộ, dòng tiền chủ yếu tập trung vào một số nhóm cổ phiếu có kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ mà chưa phân bổ vào những nhóm còn lại.

Sự phân hóa này ngày càng rõ rệt khi nhóm ngành cổ phiếu tài chính đang mạnh hơn bao gờ hết và là yếu tố chính dẫn dắt thị trường, đặc biệt là các cổ phiếu ngân hàng tầm trung đang bứt phá về tốc độ tăng giá. Hay các cổ phiếu chứng khoán được kỳ vọng lớn vào kết quả kinh doanh trong tình hình giá trị giao dịch đạt tầm cao kỷ lục.

Điều này khiến các chuyên gia lo ngại về một sự tăng trưởng thiếu chắc chắn của thị trường. Theo ông Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), tiền từ giao dịch trên thị trường chứng khoán không thuần túy vào hoạt động kinh doanh, chỉ có tiền từ thị trường sơ cấp khi phát hành chứng khoán tăng vốn mới đi vào doanh nghiệp, phần còn lại là giao dịch thứ cấp mua đi bán lại trên sàn chứng khoán để hưởng chênh lệch giá.

“Nếu như thị trường giao dịch thứ cấp lớn quá thì sẽ có biểu hiện của thị trường đầu cơ, là ngắn hạn, không bền vững. Đấy là rủi ro của thị trường hiện nay, bởi dòng “tiền nóng” hay dòng tiền ngắn hạn sẽ đẩy giá của cổ phiếu vượt xa định giá cơ bản, giá trị thực của doanh nghiệp”, ông Thế Anh nhận định.

Và khi các dòng “tiền nóng” dừng lại, nhà đầu tư nhận thấy giá cổ phiếu quá cao, dòng tiền sẽ chưa rút ra khỏi thị trường ngay mà sẽ luân phiên giữ trong các nhóm cổ phiếu, tìm kiếm nhóm cổ phiếu có lợi thế, kết quả kinh doanh tốt, có thể là ngân hàng, chứng khoán, dầu khí, bất động sản…

Cùng với đó là xu hướng tăng lãi suất, mặc dù chậm nhưng sẽ khiến cho dòng tiền chững lại, rút dần ra để tìm kiếm sang các thị trường tài sản khác như bất động sản hay vàng.

Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận đà tăng trưởng trong một thời gian khá dài từ quý II/2020 đến nay. Nhiều cảnh báo đã được đưa ra từ trước đó, nhưng sức mạnh của dòng tiền đã phá tan mọi nhận định.

Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào chứng khoán trong suốt thời gian qua chủ yếu theo tâm lý đám đông, đầu tư theo để kiếm lợi nhuận. Cũng cần phải nhắc lại, chứng khoán là kênh đầu tư phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố ngoại cảnh. Và một số chuyên gia khuyến cáo, đây là thời điểm mà các nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro hơn là lao theo “con sóng”.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcLãi suất huy động được dự báo tăng nhẹ từ đầu quý III/2021
Bài tiếp theoSống khỏe giữa đại dịch: Ngân hàng ” ‘lên hương”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây