Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2

0
159

6 Chuẩn mực kế toán công đợt 2

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế mạnh mẽ, đồng bộ với việc cải cách và đổi mới chính sách quản lý kinh tế, quản lý tài chính công, việc công bố các Chuẩn mực kế toán công Việt Nam giúp công tác quản lý tài chính trong khu vực công ngày càng chặt chẽ, thông tin chính xác, trung thực và minh bạch, nhằm đánh giá được hiệu quả trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực công của đất nước.

Theo lộ trình ban hành và công bố Chuẩn mực kế toán công Việt Nam, các Chuẩn mực kế toán công Việt Nam sẽ được xây dựng phù hợp với Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS) trên cơ sở đánh giá, so sánh với cơ chế tài chính công và pháp luật có liên quan; hệ thống chuẩn mực kế toán công quốc tế được phân loại theo các nhóm để nghiên cứu như sau:

– Các chuẩn mực không có sự khác biệt về mặt kỹ thuật, hoặc ít khác biệt, có thể điều chỉnh về mặt kỹ thuật liên quan đến kế toán, không cần điều chỉnh các cơ chế tài chính, ngân sách hiện hành của Việt Nam;

– Các chuẩn mực có khác biệt, nghiên cứu ban hành sau khi bổ sung, sửa đổi về mặt cơ chế tài chính, ngân sách; Các chuẩn mực có những khác biệt lớn, cần được nghiên cứu để áp dụng khi có đủ điều kiện để giải quyết sự khác biệt phù hợp với kinh tế Việt Nam.

Năm 2021, Bộ Tài chính đã công bố 5 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 1 (Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021). Ngày 06/7/2022 Bộ Tài chính tiếp tục ban hành Quyết định số 1366/QĐ-BTC về công bố 6 Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2, cụ thể:

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 05 “Chi phí đi vay”

Mục đích của Chuẩn mực này nhằm quy định phương pháp kế toán đối với chi phí đi vay và được áp dụng trong việc kế toán đối với chi phí đi vay của các đơn vị công ở Việt Nam. Theo đó, nguyên tắc chung đối với kế toán chi phí đi vay là phải ghi nhận ngay chi phí đi vay vào chi phí của đơn vị. Tuy nhiên chuẩn mực này cũng quy định việc vốn hóa chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư, xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang theo phương pháp thay thế được chấp nhận.

Nội dung chủ yếu của Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 05 “Chi phí đi vay” quy định 2 phương pháp kế toán đối với chi phí đi vay là phương pháp chuẩn và phương pháp thay thế được chấp nhận. Theo phương pháp chuẩn, chi phí đi vay được ghi nhận là chi phí phát sinh trong kỳ không kể khoản vay được sử dụng như thế nào. Theo phương pháp thay thế được chấp nhận, chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến việc đầu tư, xây dựng hoặc sản xuất một tài sản dở dang phải được vốn hóa vào giá trị của tài sản đó. Chi phí đi vay đủ điều kiện vốn hóa được xác định theo quy định của chuẩn mực này.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 09 “Doanh thu từ các giao dịch trao đổi”

Mục đích của chuẩn mực này nhằm quy định phương pháp kế toán đối với doanh thu phát sinh từ các giao dịch trao đổi trong các đơn vị công ở Việt Nam. Giao dịch trao đổi là giao dịch trong đó một đơn vị nhận được tài sản, dịch vụ hoặc nợ phải trả được giảm trừ và trực tiếp thanh toán cho đơn vị khác trong giao dịch bằng một giá trị tương đương (thông thường dưới hình thức hàng hóa, dịch vụ hoặc quyền sử dụng tài sản). Giao dịch trao đổi có thể là giao dịch mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ; hoặc giao dịch cho thuê tài sản và các giao dịch thông thường được thực hiện thông qua việc trao đổi ngang giá được gọi là giao dịch trao đổi và được quy định cụ thể trong chuẩn mực này.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 09 quy định về điều kiện ghi nhận đối với doanh thu trao đổi khi đơn vị có khả năng chắc chắn về sự gia tăng của lợi ích kinh tế tương lai và dịch vụ tiềm tàng cho đơn vị và các lợi ích kinh tế này có thể được xác định một cách đáng tin cậy. Theo đó, chuẩn mực này xác định các trường hợp đáp ứng tiêu chí ghi nhận doanh thu và hướng dẫn cho việc áp dụng các tiêu chí đó.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 11 “Hợp đồng xây dựng”

Mục đích của chuẩn mực này nhằm quy định phương pháp kế toán chi phí và doanh thu liên quan đến các hợp đồng xây dựng. Bao gồm việc xác định các thỏa thuận được phân loại là hợp đồng xây dựng, hướng dẫn về các loại hợp đồng xây dựng có thể phát sinh trong lĩnh vực công và các quy định về việc trình bày cơ sở ghi nhận và trình bày thông tin đối với chi phí hợp đồng xây dựng và doanh thu hợp đồng xây dựng (nếu có).

Với đặc điểm của hoạt động xây dựng, ngày bắt đầu thực hiện và ngày hoàn thành hoạt động thường vào các kỳ báo cáo khác nhau; kinh phí thực hiện hợp đồng xây dựng của các đơn vị vực công ở Việt Nam chủ yếu được cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), chuẩn mực này quy định các vấn đề cơ bản trong kế toán hợp đồng xây dựng là việc phân bổ chi phí xây dựng cho các kỳ báo cáo mà công việc xây dựng được thực hiện và việc ghi nhận các chi phí có liên quan. Ngoài ra, trong trường hợp có phát sinh hợp đồng xây dựng được thực hiện bởi các đơn vị công (có thể thu hồi toàn bộ hoặc thu hồi một phần chi phí) thì chuẩn mực hướng dẫn việc phân bổ cả doanh thu và chi phí hợp đồng xây dựng cho các kỳ báo cáo mà công việc xây dựng được thực hiện.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 14 “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm”

Mục đích của chuẩn mực này nhằm quy định các nội dung về sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đối với đơn vị trong lĩnh vực công, các sự kiện cần phải điều chỉnh và không cần điều chỉnh vào báo cáo tài chính (BCTC) của đơn vị sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

Theo quy định của Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 14, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm là các sự kiện xảy ra trong khoảng thời gian từ sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm đến ngày BCTC được phê duyệt để phát hành. Theo đó có hai loại sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần được xác định, bao gồm:

 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm cần điều chỉnh là các sự kiện cung cấp bằng chứng về các sự việc đã tồn tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm;

 – Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm không cần điều chỉnh là các sự kiện chỉ ra dấu hiệu về các sự việc phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 23 “Doanh thu từ các giao dịch không trao đổi”

Mục đích của chuẩn mực này nhằm quy định phương pháp kế toán và trình bày BCTC đối với doanh thu phát sinh từ các giao dịch không trao đổi. Nội dung chuẩn mực này đề cập đến các vấn đề cần xem xét khi ghi nhận và xác định doanh thu từ các giao dịch không trao đổi và xác định vốn góp từ chủ sở hữu.

Theo quy định của Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 23, các giao dịch không trao đổi thuộc phạm vi của chuẩn mực này là các giao dịch mà đơn vị tiếp nhận các nguồn lực theo nguyên tắc không bồi hoàn trực tiếp hoặc chỉ bồi hoàn danh nghĩa. Thực tế tại các đơn vị công có thể phát sinh doanh thu trao đổi và doanh thu không trao đổi mà đơn vị cần phải phân biệt rõ và đơn vị phải dựa vào bản chất hơn là hình thức của giao dịch để phân biệt. Căn cứ vào hoạt động của đơn vị công ở Việt Nam thì chủ yếu doanh thu của phát sinh từ các giao dịch không trao đổi, có thể bao gồm doanh thu từ các khoản thuế (trình bày trên BCTC nhà nước) và doanh thu của các đơn vị từ các khoản chuyển giao nhận được như các khoản được cấp, viện trợ không hoàn lại, xóa nợ, tiền phạt, các khoản thừa kế, quà tặng, ủng hộ từ thiện, hàng hóa và dịch vụ được biếu tặng và các khoản thu khác đáp ứng tiêu chí doanh thu không trao đổi. Đơn vị phải ghi nhận tài sản phát sinh từ một giao dịch không trao đổi khi có quyền kiểm soát các nguồn lực, mà nguồn lực này đáp ứng được định nghĩa về tài sản và các tiêu chí ghi nhận tài sản.

Chuẩn mực Kế toán công Việt Nam số 24 “Trình bày thông tin ngân sách trong báo cáo tài chính”

Mục đích của chuẩn mực này nhằm quy định việc trình bày thông tin so sánh giữa số liệu dự toán ngân sách được phê duyệt và số liệu thực tế mà đơn vị đề nghị quyết toán, áp dụng đối với đơn vị phải công khai dự toán ngân sách được phê duyệt.

Hiện nay ở Việt Nam, pháp luật về ngân sách đã quy định lập báo cáo so sánh giữa số liệu dự toán ngân sách được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt với số liệu thực hiện mà đơn vị đề nghị quyết toán, nên chuẩn mực này quy định thông tin so sánh phải được dẫn chiếu và thuyết minh trong BCTC của đơn vị. Đồng thời quy định về việc đơn vị phải thuyết minh rõ những lý do dẫn đến các chênh lệch trọng yếu giữa số liệu dự toán ngân sách được phê duyệt với số liệu thực tế đề nghị quyết toán. Việc tuân thủ yêu cầu của chuẩn mực này sẽ đảm bảo trách nhiệm giải trình của đơn vị và tăng cường tính minh bạch của BCTC thông qua việc chứng minh sự tuân thủ với dự toán ngân sách được phê duyệt mà đơn vị có trách nhiệm giải trình công khai.

Trong số 6 chuẩn mực kế toán công ban hành đợt 2 thì nội dung của Chuẩn mực kế toán công Việt Nam số 24 “Trình bày thông tin ngân sách trong BCTC” được sửa đổi khá nhiều so với nội dung chuẩn mực kế toán công quốc tế tương ứng nhằm phù hợp với các quy định của pháp luật về ngân sách ở Việt Nam.

Triển khai hướng dẫn áp dụng các chuẩn mực kế toán công

Tính đến tháng 7/2022, Việt Nam đã công bố được 11 chuẩn mực kế toán công Việt Nam, đây là bước tiến rất lớn góp phần cải cách quản lý tài chính, kế toán trong khu vực công ở Việt Nam và là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng thông tin của BCTC nhà nước.

Theo Quyết định số 1366/QĐ-BTC, Bộ Tài chính giao cho Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán căn cứ nội dung các chuẩn mực kế toán công đã ban hành, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền bổ sung, sửa đổi các chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị kế toán trong lĩnh vực công và các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công và NSNN, trình Bộ trưởng Bộ Tài chính Thông tư hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho các đơn vị theo từng lĩnh vực hoạt động theo lộ trình phù hợp. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan, tiếp tục nghiên cứu các chuẩn mực kế toán công theo kế hoạch nêu trong Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam để công bố các chuẩn mực đợt tiếp theo…

Việc hướng dẫn các nội dung Chuẩn mực kế toán công Việt Nam để áp dụng thống nhất và đảm bảo nguyên tắc phù hợp với quy định hiện hành về cơ chế tài chính công và NSNN nhằm minh bạch tình hình tài chính của các đơn vị kế toán và nâng cao chất lượng thông tin báo cáo do các đơn vị công cung cấp cho lập BCTC nhà nước. Đồng thời, Chuẩn mực kế toán công Việt Nam còn là cơ sở, nền tảng cho việc nghiên cứu xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách tài chính công phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật liên quan như Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý nợ công, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật Chứng khoán… đã và đang được cải cách phù hợp chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Như vậy, song song với việc công bố các chuẩn mực kế toán công của Việt Nam, hiện nay việc nghiên cứu để triển khai hướng dẫn áp dụng các chuẩn mực đã ban hành đang được tiến hành đúng với yêu cầu, mục tiêu của việc xây dựng hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam. Từ các quy định, yêu cầu, nguyên tắc của chuẩn mực kế toán công Việt Nam, Bộ Tài chính ban hành các hướng dẫn cụ thể trong các chế độ kế toán phù hợp với từng loại hình đơn vị công, đặc điểm tổ chức hoạt động trong mối quan hệ phù hợp với các cơ chế chính sách về tài chính công và NSNN nhằm quản lý ngày càng tốt hơn các nguồn lực của các đơn vị trong khu vực công.     

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2019), Đề án công bố hệ thống Chuẩn mực kế toán công Việt nam kèm theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019;

2. Bộ Tài chính (2021), Quyết định số 1676/QĐ-BTC ngày 01/9/2021 về công bố Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 01;

3. Bộ Tài chính (2022), Quyết định số 1366/QĐ-BTC ngày 06/7/2022 về công bố Chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 2;

4. Hệ thống Chuẩn mực kế toán công quốc tế (IPSAS).

* ThS. Trần Thị Thu Hương – Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính)

** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 – Tháng 8/2022

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước07 giải pháp trọng tâm của ngành Thuế nhằm tăng thu ngân sách các tháng cuối năm
Bài tiếp theoTừ 10/10, bỏ quy định trình độ ngoại ngữ, tin học với phóng viên, biên tập viên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây