Thuế bảo vệ môi trường
Theo Khoản 1 Điều 2 Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2010: “Thuế BVMT là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường”. Như vậy, Nhà nước đánh thuế môi trường vào các sản phẩm, hàng hoá gây hại cho môi trường nhằm điều tiết các hoạt động có ảnh hưởng tới môi trường và kiểm soát ô nhiễm môi trường. Thuế BVMT là một loại thuế gián thu, thu thông qua giá cả hàng hoá dịch vụ và người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu khoản thuế này. Đánh thuế môi trường là hình thức hạn chế một sản phẩm hay hoạt động không có lợi cho môi trường.
Luật Thuế BVMT số 57/2010/QH12 quy định rõ nhóm các mặt hàng chịu thuế BVMT như: Xăng dầu, than đá, dung dịch hydro-chloro-fluoro-carbon (dung dịch HCFC), túi ni lông, thuốc trừ cỏ, thuốc bảo quản lâm sản… Đây là những mặt hàng khi sử dụng sẽ có tác động xấu đến môi trường sinh thái.
Vai trò của thuế môi trường
Chính sách thuế BVMT thể hiện các vai trò như sau:
(i) Thuế BVMT góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (NSNN), đáp ứng nhu cầu chi tiêu cho các hoạt động, trong đó có hoạt động quản lý, cải thiện và BVMT.
(ii) Thuế BVMT góp phần thay đổi hành vi, điều tiết tiêu dùng, định hướng cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm thiểu nguy cơ gây hại môi trường.
(iii) Đây là công cụ quản lý, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp, định hướng phát triển an toàn, thân thiện với môi trường, tái tạo môi trường.
(iv) Thuế BVMT khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới công nghệ theo hướng đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường.
(v) Thuế BVMT có vai trò trong việc có thể làm giảm bớt gánh nặng quản lý cho hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về BVMT.
Nguồn thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường trong những năm qua
Thuế BVMT là sắc thuế góp phần động viên sự đóng góp hợp lý của xã hội vào NSNN để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội của đất nước, trong đó có chi giải quyết các vấn đề môi trường, giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho Nhà nước trong việc quản lý và BVMT.
Số thu từ thuế BVMT tăng liên tục qua các năm, cụ thể: Tỷ trọng thu từ thuế BVMT tăng dần trong tổng thu NSNN, từ 1,7% năm 2012 lên 2,7% năm 2015 và chiếm 4% vào năm 2020 (bình quân giai đoạn 2016-2020 chiếm 3,7% tổng thu NSNN) và chiếm tỷ trọng khoảng 0,34%- 0,98% trên GDP hàng năm.
Hiện nay, có 3 sắc thuế gián thu quan trọng là thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT chiếm trên 35% tổng thu NSNN của Việt Nam. Điều này đã góp phần ổn định nguồn thu thuế nội địa trong giai đoạn thu ngân sách gặp nhiều khó khăn do phải cắt giảm mức thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế.
Chính sách thuế môi trường tại Việt Nam hiện nay
Trước năm 2010, nước ta chưa có một sắc thuế riêng nào về BVMT để đánh thuế vào hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Liên quan đến lĩnh vực môi trường, Nhà nước ban hành các quy định về phí BVMT đối với nước thải, phí BVMT đối với khai thác khoáng sản, phí BVMT đối với chất thải rắn. Tuy nhiên, nguồn thu từ các khoản phí này ở mức thấp, hiệu quả thu phí thấp và tính pháp lý không cao.
Ngày 15/11/2010, Quốc đã thông qua Luật Thuế BVMT và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012. Luật quy định về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, khai thuế, tính thuế, nộp thuế và hoàn thuế BVMT. Luật được ban hành có vai trò quan trọng trong việc tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, ổn định điều chỉnh toàn diện các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường nhằm nâng cao ý thức BVMT của toàn xã hội, từ đó góp phần làm thay đổi hành vi của tổ chức, cá nhân, nâng cao ý thức BVMT.
Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 08/8/2011 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế BVMT, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP; Thông tư số 106/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 152/2011/TT-BTC và Văn bản hợp nhất số 32/VBHN-BTC thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP và mới nhất là Nghị quyết số 31/NQ-CP của Chính phủ thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022.
Như vậy, khung khổ pháp lý trong lĩnh vực môi trường liên tục được củng cố và hoàn thiện nhằm tạo một hệ thống văn bản pháp quy hoàn chỉnh để điều chỉnh hoạt động thu thuế môi trường một cách khoa học và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội thực tế ở nước ta. Tuy nhiên, so với một số quốc gia trên thế giới, thì Việt Nam, thuế môi trường là công cụ kinh tế còn khá mới mẻ, do đó, chính sách thuế BVMT ở nước ta hiện nay vẫn một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, về đối tượng chịu thuế BVMT: Theo Luật thuế BVMT, có 8 nhóm đối tượng chịu thuế BVMT, các đối tượng trực tiếp và khá rõ ràng với môi trường như xăng dầu, nilon, than đá… Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều hàng hóa, sản phẩm mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường nhưng lại chưa được đưa vào đối tượng chịu thuế BVMT như phân bón, thuốc tăng trưởng cho động thực vật, các chất tẩy rửa, các chất xả thải ra môi trường bằng nước thải hay chất thải (rắn, lỏng), sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần… hiện nay chính sách thuế BVMT chưa đề cập đến các sản phẩm này.
Thứ hai, về Biểu khung thuế BVMT: Theo Luật Thuế BVMT đã quy định Biểu khung thuế với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa. Tuy nhiên, nhìn vào Biểu khung thuế quy định tại Điều 8 Luật thuế BVMT và các nghị quyết ban hành qua các thời kỳ thì thấy rằng, mức thuế áp dụng cho có sản phẩm chịu thuế chưa thực sự phù hợp với nguyên tắc đánh thuế quy định tại khoản 2 điều 8 của Luật thuế BVMT đó là: “Mức thuế đối với hàng hóa chịu thuế được xác định theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường của hàng hóa”.
Thứ ba, về mức thuế BVMT: Mức thuế BVMT hiện tại nước ta đang áp dụng khá thấp so với các nước trên thế giới, dẫn đến việc sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường ở Việt Nam vẫn còn phổ biến, chưa thực hiện được vai trò hạn chế sử dụng trong ở người dân cũng như doanh nghiệp. Chẳng hạn như túi nilong, hiện tại người dân đang sử dụng phổ biến. Tuy nhiên, mức thuế BVMT đối với túi nilong thuộc diện chịu thuế là 30.000 – 50.000 đồng/1kg, thấp hơn rất nhiều so với các nước như ở Anh đánh thuế: 15 cent/túi (tương đương 4.500 đồng/túi), Ailen đánh thuế 15 cent/túi (tương đương 4.500 đồng /túi), ở Hồng Kông đánh thuế 0,05USD/túi (tương đương 1.050 đồng/túi). Một số nước khác còn cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông mỏng, ví dụ như Trung Quốc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lông có độ dày nhỏ hơn 0,025mm.
Như vậy, việc đánh thuế trên một đơn vị kg với mức vài chục nghìn đồng không làm thay đổi được thói quen tiêu dùng của người dân. Hơn nữa công tác thu thuế BVMT của Nhà nước về sản phẩm này vẫn chưa triệt để dẫn đến giá thành sản phẩm này khi đến tay người tiêu dùng rất thấp, không hạn chế được nhu cầu tiêu dùng của người dân, gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống trong hiện tại và tương lai.
Thứ tư, quy định về thời điểm tính thuế BVMT: Theo Điều 9 Luật Thuế BVMT năm 2020: Thời điểm tính thuế đối với xăng dầu nhập khẩu để bán là thời điểm đầu mối kinh doanh xăng dầu bán ra, dẫn đến khó khăn trong việc quản lý cũng như trong việc kê khai, nộp thuế. Không nhất quán với khoản 3 của điều này về thời điểm nộp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu “Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan”
Thứ năm, quy định về đối tượng không chịu thuế trong Luật BVMT: Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu là đối tượng không chịu thuế. Điều này không phù hợp, vì thực tế trong giai đoạn sản xuất sản phẩm, các doanh nghiệp cũng tăng phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Thứ sáu, về chính sách ưu đãi và miễn giảm thuế: Như quy định tại các luật thuế khác thì Nhà nước luôn có chính sách miễn giảm thuế cụ thể. Tuy nhiên, Luật thuế BVMT chưa có quy định về vấn đề ưu đãi thuế. Việc ưu đãi thuế cũng một mặt làm tăng cường ý thức BVMT, các doanh nghiệp sẽ nỗ lực hơn trong việc thay đổi công nghệ sản xuất, tìm kiếm các biện pháp để giảm thiểu khả năng gây hại cho môi trường để được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước.
Một số đề xuất, kiến nghị
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Thuế Bảo vệ môi trường cũng như hoàn thiện khung khổ pháp lý về thuế môi trường, cần chú trọng các nội dung sau:
Một là, cần xem xét, bổ sung danh mục các hàng hoá, sản phẩm chịu thuế môi trường để phù hợp hơn với tình hình phát thải gây hại môi trường hiện nay.
Hai là, quy định về khung và mức thuế BVMT đối với các hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế chưa đảm bảo phù hợp với mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hàng hóa nên cần thiết phải xem xét, đánh giá mức độ gây hại của các sản phẩm hàng hoá và đưa ra mức thuế phù hợp nhằm điều tiết mạnh hơn thói quen tiêu dùng của người dân.
Ba là, thống nhất trong quy định về thời gian tính thuế của các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sản phẩm xăng dầu để thuận lợi hơn trong công tác quản lý thuế, tránh thất thu nguồn NSNN.
Bốn là, điều chỉnh lại đối tượng không chịu thuế của trường hợp sản xuất sản phẩm để xuất khẩu. Khác với thuế GTGT hay thuế TTĐB, thuế BVMT đánh vào các hoạt động có nguy cơ gây hại môi trường nên cả trong quá trình sản xuất, nhà nước cần xem xét áp dụng loại thuế này.
Năm là, nên bổ sung trường hợp được miễn giảm, ưu đãi thuế BVMT nhằm khuyến khích doanh nghiệp cải tiến kỹ thuật, hạn chế xả thải gây hại môi trường.
Sáu là, cơ quan chức năng tăng cường giám sát, quản lý góp phần tăng thu NSNN để có nguồn kinh phí cải thiện môi trường. Bên cạnh đó, nâng cao được ý thức xả thải, ý thức BVMT của người dân và doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hơn môi trường sống theo đúng mục tiêu của Đảng và Nhà nước đề ra.
Tài liệu tham khảo:
- Quốc hội, Luật thuế Bảo vệ môi trường 57/2010/QH12;
- Chính phủ (2011), Nghị định số 67/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế Bảo vệ môi trường;
- Chính phủ (2022) Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết ngày 31/12/2022;
- Bộ Tài chính, Văn bản hợp nhất 32/VBHN-BTC thi hành Nghị định số số 67/2011/NĐ-CP;
- Bộ Tài chính (2018), Thông tư số 106/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 152/2011/TT-BTC.
* ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Giao – Trường Đại học Duy Tân
** Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số kỳ 2 tháng 5/2022