Vấn đề an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, công tác này lại càng quan trọng. Trong bối cảnh dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời nhận định, đánh giá, dự báo tình hình dịch bệnh, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm sự lây lan của dịch COVID-19, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đồng thời hướng đến đảm bảo an sinh xã hội.
Khái quát về chính sách đảm bảo an sinh xã hội
Xét từ góc độ chính sách, theo Ngân hàng Thế giới (WB), an sinh xã hội (ASXH) là các chính sách của các quốc gia, nhằm đảm bảo cơ hội cho mọi người và đảm bảo khả năng chống đỡ những cú sốc và những tổn thương, đảm bảo công bằng, chống nghèo đói và sự suy giảm vốn nhân lực.
Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ASXH là tập hợp các chính sách và chương trình nhằm giảm nghèo và tổn thương thông qua thúc đẩy thị trường lao động hiệu quả, giảm rủi ro và nâng cao khả năng chống đỡ của con người khi mất thu nhập.
Trong khi đó, Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong Báo cáo rủi ro toàn cầu 2017, phần về chủ đề tương lai của hệ thống ASXH toàn cầu đã chỉ ra rằng: “ASXH là hệ thống chính sách và chương trình được thiết kế nhằm giảm nghèo và tổn thương bằng cách giúp các cá nhân quản lý rủi ro kinh tế – xã hội”.
Như vậy, chính sách đảm bảo ASXH là tổng thể các biện pháp, công cụ, cách thức mà Nhà nước thực hiện để đạt tới các mục tiêu như:
Bảo đảm người dân có việc làm, thu nhập tối thiểu; tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); bảo đảm hỗ trợ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người cao tuổi thu nhập thấp, người khuyết tật nặng, người nghèo…); bảo đảm cho người dân tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin), góp phần từng bước nâng cao thu nhập, bảo đảm cuộc sống an toàn, bình đẳng và hạnh phúc của nhân dân.
Ở Việt Nam, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến ASXH gắn với mục tiêu xây dựng xã hội chủ nghĩa, vì con người, do con người. Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020 đã đề cập đến quan điểm về ASXH và đảm bảo ASXH với các trụ cột quan trọng là: (i) Bảo đảm việc làm, thu nhập và giảm nghèo; (ii) Bảo đảm thu nhập khi gặp rủi ro hoặc về già qua BHXH; (iii) Trợ giúp xã hội cho những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; (iv) Cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.
Tiếp đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõmột trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021- 2030, là “Quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm chính sách lao động, việc làm, thu nhập, thực hiện tốt phúc lợi xã hội, ASXH. Không ngừng cải thiện toàn diện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.
Các chính sách ứng phó với đại dịch COVID-19, nhằm đảm bảo an sinh xã hội
Dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát từ tháng 12/2019 tại TP. Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, sau đó, nhanh chóng lây lan và đến nay đã trở thành đại dịch toàn cầu.
Để ứng phó với đại dịch COVID-19, nhiều nước phải thực hiện phong tỏa biên giới, cách ly ca bệnh và giãn cách xã hội. Dịch COVID -19 đã tác động rất tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội. Hậu quả của cú sốc do đại dịch COVID-19 gây ra rất khác biệt so với các cú sốc mà nhân loại đã từng quan sát được trong các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây trên toàn cầu.
Đại dịch tác động đến tất cả các tầng lớp dân cư trong xã hội, tới tất các các chủ thể từ cá nhân cho tới Nhà nước, từ doanh nghiệp (DN) nhỏ đến DN lớn, từ nông thôn đến thành thị, từ người giàu đến người nghèo. Chính vì vậy, để giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên nhiều “mặt trận”.
Các chính sách tài khóa, tiền tệ vốn được sử dụng nhiều trong việc khắc phục các “cú sốc” và chu kỳ kinh doanh trong ngắn hạn phải được điều hành theo cách khác đi trong bối cảnh đại dịch mới có thể phát huy tác dụng.
Trong giai đoạn này, ASXH và phát triển kinh tế gắn bó rất chặt chẽ với nhau, quan niệm về ASXH rất khác so với giai đoạn trước, vì đây là giai đoạn trước hết phải đảm bảo quyền được sống, quyền được an toàn về sức khỏe; Việc làm và thu nhập tối thiểu của người dân phụ thuộc tình hình kiểm soát dịch bệnh, vào hoạt động của khu vực DN.
Việt Nam đang trải qua làn sóng dịch COVID-19 thứ 4. Đợt tái bùng phát dịch bệnh lần này rất nghiêm trọng, diễn ra trên diện rộng, không chỉ ảnh hưởng nặng nề đến các ngành như: Du lịch, dịch vụ, thương mại mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành sản xuất, các khu công nghiệp…
Do dịch COVID-19 tái bùng phát nên nhiều DN tiếp tục phải đóng cửa, phá sản, kéo theo người lao động và người dân cũng gặp khó khăn do mất việc làm, không có thu nhập. Các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt trong khu vực phi chính thức càng khó khăn hơn, do mưu sinh của họ gắn nhiều với các hoạt động tiếp xúc trực tiếp giữa người và người; các hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách lại cũng gặp nhiều khó khăn.
Qua 4 lần tập trung phòng, chống dịch bệnh COVID- 19 kể từ đầu năm 2020 đến nay, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để ứng phó với những tác động do đại dịch gây ra. Cụ thể:
Chính sách tài chính
Chính sách tài chính nhằm đảm bảo ASXH đối với người dân, DN chịu tác động của dịch COVID-19 được ban hành với các hình thức hỗ trợ khác nhau:
Hỗ trợ tiền mặt trực tiếp: Nghị quyết số 42/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID- 19, theo đó, gói hỗ trợ có giá trị khoảng 61.580 tỷ đồng được áp dụng cho gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Trong đó, ngân sách nhà nước (NSNN) hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng. Các nhóm đối tượng được NSNN hỗ trợ trực tiếp gồm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, không bảo đảm mức sống tối thiểu, trong đó có nhóm đối tượng người nghèo, cận nghèo, người có công, lao động có hợp đồng bị nghỉ việc không lương, lao động tự do mất việc làm…
Nhà nước ưu tiên dành nguồn lực từ NSNN để thực hiện các chính sách. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương trên 50% tự bảo đảm kinh phí thực hiện.
Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương còn lại theo nguyên tắc: 70% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên; 50% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh chưa tự cân đối ngân sách còn lại (ngoài các tỉnh miền núi, Tây Nguyên); 30% mức thực chi theo quy định tại Nghị quyết này đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về ngân sách trung ương dưới 50%.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động sử dụng 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% quỹ dự trữ tài chính địa phương, nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện theo các nguyên tắc, chế độ hỗ trợ quy định tại Nghị quyết này.
Hỗ trợ giảm chi phí, tăng cường năng lực tài chính: Các biện pháp hỗ trợ DN, người dân giảm chi phí, tăng cường năng lực tài chính có thể thấy rõqua các quyết sách như: Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương quy định, đối với giá bán lẻ điện cho các ngành sản xuất và kinh doanh, giảm 10% giá bán lẻ điện ở các khung giá giờ cao điểm, giờ bình thường và giờ thấp điểm.
Khách hàng là các cơ sở lưu trú du lịch được giảm giá điện từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất sau khi giảm giá. Đối với giá bán buôn điện nông thôn, giá bán buôn điện khu tập thể, cụm dân cư, giá bán buôn điện cho tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt, người mua được giảm 10% giá bán buôn điện đối với bậc 1 đến bậc 4 của giá sinh hoạt; giảm 10% bán buôn điện cho mục đích khác…
Bên cạnh đó, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã ban hành quy định giảm 29 khoản phí, lệ phí, trong đó, chủ yếu là giảm phí trong lĩnh vực giao thông vận tải (phí sử dụng đường bộ; phí, lệ phí hàng không…) nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.
Cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã xây dựng và ban hành Thông tư số 112/2020/ TT-BTC ngày 29/12/2020 quy định kéo dài thời gian giảm 29 khoản phí, lệ phí (đã giảm năm 2020 nêu trên) đến hết ngày 30/6/2021, để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ASXH ứng phó với dịch COVID-19.
Năm 2021, để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, căn cứ quy định pháp luật phí và lệ phí, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định giảm mức thu 30 khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong 30 khoản phí, lệ phí nêu trên, có 29 khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 và bổ sung giảm thêm mức thu 01 khoản phí trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đặc biệt, nhiều mức giảm phí, lệ phí cao như: Giảm 50% mức thu 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; giảm 50% mức phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; giảm 30% mức thu phí sử dụng đường bộ đối với xe kinh doanh vận tải hành khách; giảm 20% mức thu phí, lệ phí trong lĩnh vực hàng không… Thời gian giảm phí, lệ phí áp dụng kể từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Lập Quỹ vắc-xin phòng chống dịch COVID-19: Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp khiến vắc-xin trở thành giải pháp lâu dài mang tính chiến lược, đểđảm bảo nguồn kinh phímua 150 triệu liều vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 tạo miễn dịch cộng đồng cho khoảng 75 triệu người dân, ngày 26/5/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, Quỹ vắc-xin phòng, chống dịch COVID- 19 tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, vắc-xin của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc-xin, nghiên cứu, sản xuất vắc-xin trong nước và sử dụng vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 cho người dân.
Việc thành lập Quỹ vắc-xin phòng chống dịch COVID-19 là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch, đẩy nhanh tiến độ tiếp cận mua, nhập khẩu vắc-xin để triển khai tiêm chủng trên diện rộng cho nhân dân.
Chính sách tiền tệ
Để hỗ trợ vốn cho DN, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí… đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250 nghìn tỷ đồng).
Nghị quyết số 42/NQ-CP cho phép người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo Khoản 3 Điều 98 của Bộ luật Lao động trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6/2020 thì được vay không có tài sản đảm bảo tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu DN) đối với hai nhóm khách hàng.
Thứ nhất là nhóm khách hàng có nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng kề từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19.
Thứ hai nhóm khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chính sách bảo hiểm xã hội
Nhằm chia sẻ khó khăn với các DN và người lao động, ngày 04/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ASXH ứng phó với dịch COVID-19, theo đó, giao BHXH Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thực hiện tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đến hết tháng 6 hoặc tháng 12/2020 và không tính lãi phạt chậm nộp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Thống kê của BHXH Việt Nam sau một năm thực hiện quyết định trên của Chính phủ, cơ quan này đã giải quyết tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất cho hơn 1.800 DN (tương ứng 192.000 lao động với số tiền tạm dừng 786 tỷ đồng). Tiếp đó, BHXH Việt Nam đã thống nhất với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ phương án tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí, tử tuất đối với DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Theo đó, DN được tạm dừng đóng khi giảm từ 10% số người lao động tham gia BHXH trở lên (tại thời điểm nộp hồ sơ so với thời điểm tháng 4/2021), đã đóng đủ BHXH đến hết tháng 4/2021 và hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực: Vận tải (hàng không, đường bộ, đường thủy); khách sạn, nhà hàng; du lịch; giáo dục, văn hóa, thể thao hoặc các DN hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, hoặc khu làm việc tập trung bị cách ly, phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
BHXH Việt Nam tính toán, có khoảng 39.000 đơn vị, DN với khoảng 1,15 triệu người lao động và số tiền tạm dừng đóng vào Quỹ Hưu trí, tử tuất khoảng 8.450 tỷ đồng. Cùng với việc tạm dừng đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí, tử tuất, BHXH Việt Nam cũng đề xuất chính sách hỗ trợ người lao động thực hiện cách ly y tế từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Đặc biệt, mới đây, sau khi được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, 12 chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được thực hiện gồm:
(1) Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; (2) Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; (3) Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; (4) Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; (5) Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc;
(6) Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; (7) Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em; (8) Hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0), đối với người phải thực hiện cách ly y tế (F1) theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
(9) Hỗ trợ một lần đối với đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch COVID-19…;
(10) Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh; (11) Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; (12) Hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.
Đánh giá thực hiện chính sách và một số khuyến nghị
Thời gian qua, việc thực hiện các chính sách đảm bảo ASXH đã mang lại nhiều kết quả tích cực sau:
Một là, chính sách của Nhà nước đã hỗ trợ nguồn lực góp phần đảm bảo ASXH. Theo Bộ Tài chính, năm 2020, với hơn 111 nghìn tỷ đồng đãthực hiện miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, đã có 128,6 nghìn DN và 56,3 nghìn hộ kinh doanh được hưởng lợi từ chính sách.
Trong 5 tháng đầu năm 2021, đã thực hiện gia hạn thuếtrên 24 nghìn tỷ đồng, qua đó giúp DN, hộ kinh doanh không những đủ sức cầm cự qua thời kỳ khó khăn, mà còn chủ động phát triển sản xuất, thích ứng với tình hình mới.
Cũng theo Bộ Tài chính, chi từ NSNN trung ương và địa phương để thực hiện các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 trong 5 tháng đầu năm 2021 là hơn 8 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chi từ nguồn ngân sách trung ương là hơn 6,1 nghìn tỷ đồng đểbổsung cho các bộmua sắm vật tư, trang thiết bịy tếvàmua vắcxin phòng COVID-19 (5,35 nghìn tỷđồng) vàhỗtrợcho các địa phương 762 tỷđồng. Phần còn lại chi từ ngân sách địa phương.
Hai là, các chính sách hỗ trợ được ban hành khá đồng bộ, nhanh chóng. Điều đó thể hiện ở việc ban hành các nghị quyết của Chính phủ và các văn bản cụ thể hóa của các bộ, ngành. Ngoài hỗ trợ của Trung ương, chính quyền các địa phương ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 và cho người lao động phù hợp với nguồn lực và bối cảnh dịch bệnh ở từng địa phương.
Ba là, đối tượng được hỗ trợ khá rộng bao gồm các cá nhân, DN, người lao động trong DN, người lao động trong khu vực không chính thức… Các chính sách hỗ trợ được xây dựng khá toàn diện, tổng thể, nhiều chiều cạnh, thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng như hỗ trợ tiền mặt trực tiếp, giãm, giảm thuế, giảm các loại chi phí…
Bốn là, việc hỗ trợ với các đối tượng chính sách được thực hiện rất nhanh chóng do cơ quan quản lý nhà nước đã có đầy đủ thông tin trước đó. Nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo được chi trả nhanh chóng kịp thời do có danh sách, hệ thống dữ liệu sẵn có.
Bên cạnh kết quả đạt được, các chính sách còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể:
Một là, tác động của một số chính sách còn khá yếu do các công cụ sử dụng chưa đủ mạnh. Chẳng hạn như: Mức hỗ trợ tiền mặt trực tiếp còn thấp. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến hết tháng 5/2021, gói hỗ trợ tiền mặt thực hiện được khoảng 13.100 tỷ đồng trên kế hoạch 35.880 tỷ đồng, tương ứng với 36,5% quy mô gói hỗ trợ.
Hai là, các gói hỗ trợ chưa tiếp cận được nhiều nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và khó khăn. Do công tác quản lý nhà nước còn hạn chế nên việc thống kê, thu thập thông tin chính xác về tình trạng của lao động trong khu vực phi chính thức, lao động di cư từ nông thôn ra thành thị gặp nhiều khó khăn…
Ba là, thủ tục hành chính để xác nhận đối tượng cũng như thủ tục tiếp cận các hỗ trợ của Nhà nước còn khá rườm rà, các điều kiện nhận trợ cấp rất nghiêm ngặt, quy trình yêu cầu phức tạp, cơ sở xác định đối tượng để hỗ trợ gặp nhiều khó khăn và khó xác minh. Nguy cơ xác định sai đối tượng, bỏ sót đối tượng rất dễ xảy ra…
Một số khuyến nghị
Để phát huy hiệu quả của các chính sách đảm bảo ASXH trong bối cảnh đại dịch COVID-19, cần tập trung thực hiện một số vấn đề sau:
Một là, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Điều chỉnh tiêu chí xét duyệt lỏng hơn và ít thủ tục hơn. Tăng cường trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, phát huy vai trò của hệ thống chính trị ở cơ sở (chi bộ, tổ dân phố) trong việc rà soát đối tượng và kiểm tra, xác minh.
Hai là, phân loại các nhóm đối với đối tượng hỗ trợ là DN. Đối với DN gặp khó, tạm ngừng kinh doanh như du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, quán ăn, vận tải, hàng không… phải có những chính sách đặc thù hơn, hỗ trợ mạnh hơn.
Ba là, lưu ý đến các chính sách liên quan đến hỗ trợ trực tiếp… cho DN. Hỗ trợ mạnh hơn cho các ngành đặc thù như vận tải, hàng không, du lịch; Ưu tiên hỗ trợ những DN trước dịch làm ăn hiệu quả, nộp ngân sách nhiều.
Bốn là, đảm bảo công khai, minh bạch trong thực hiện các chính sách hỗ trợ. Thông tin về đối tượng hỗ trợ được công bố công khai tại các địa phương để cộng đồng dân cư giám sát.
Năm là, tiết kiệm và cắt giảm chi tiêu không cần thiết, lãng phí, nhất là chi từ ngân sách nhà nước, để tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và tiêm vắc-xin tạo miễn dịch cộng đồng.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/6/2012 tại Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020;
2. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
3. Chính phủ (2020), Nghị quyết số 42/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
4. Thủ tướng Chính phủ (2020), Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19;
5. Bộ Tài chính (2021), Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19;
6. Ngân hàng Nhà nước (2020), Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
(*)PGS,. TS. Đinh Thị Nga – Viện Kinh tế – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 7/2021.