Chiến lược đón “sóng” kết quả kinh doanh quý III

0
142

Thống kê của cho thấy, kể từ khi rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 từ 29/8 và cho giao dịch lô lẻ từ 12/9, thanh khoản sàn HoSE ghi nhận mức cao nhất vào phiên 29/8 và 7/9 với gần 19.000 tỷ đồng, sau đó “tụt áp” dần. Riêng phiên 15/9, giá trị khớp lệnh trên HoSE chưa đến 9.800 tỷ đồng – mức thấp nhất trong vòng gần 2 tháng kể từ phiên 27/7.

Tập trung vào câu chuyện của từng ngành, cổ phiếu

Thanh khoản ngày càng ảm đạm cho thấy, việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 và cho giao dịch lô lẻ trở lại có vẻ như chưa tạo được động lực để “thúc” dòng tiền lớn trở lại.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán Yuanta Việt Nam, diễn biến thanh khoản có xu hướng giảm trong những phiên gần đây là do đáo hạn của các quỹ ETF. Thêm vào đó, tâm lý nhà đầu tư cũng thận trọng hơn khi Fed sẽ họp bàn việc tăng lãi suất vào ngày 21/9 tới đây. Riêng trong tuần từ 12-16/9 cũng có nhiều sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến quyết định giải ngân là đáo hạn phái sinh, cơ cấu của các quỹ ETF, công bố số liệu lạm phát của Mỹ…

Mặt khác, việc áp dụng T+2 và lô lẻ chỉ là công cụ về mặt kỹ thuật giúp hỗ trợ nhà đầu tư giao dịch thuận lợi hơn. Bởi thực chất mục tiêu xa hơn của các quy định mới này không phải cải thiện thanh khoản mà chủ yếu giúp giao dịch thuận lợi hơn, hạn chế những rủi ro cho nhà đầu tư.

Như vậy, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước diễn biến khó lường của thị trường đang khiến thanh khoản vẫn ở mức khiêm tốn. Đặc biệt, việc xuất hiện một số phiên “xanh vỏ đỏ lòng” trong thời gian gần đây khiến cho tiền trở nên thận trọng hơn.

Thực tế, giai đoạn này, thị trường chứng khoán Việt Nam dường như đang khá nhạy cảm trước những biến động từ bên ngoài. Chẳng hạn như trong phiên 14/9, thị trường cũng rung lắc rất mạnh sau khi chứng khoán Mỹ có phiên giảm mạnh nhất từ tháng 6/2020 do số liệu lạm phát được công bố cao hơn so với kỳ vọng. Cho nên, nhà đầu tư cũng có tâm lý thận trọng hơn và ưu tiên quan sát thay vì xuống tiền là điều dễ hiểu.

Hiện tại xu hướng trong ngắn hạn là chứng khoán giảm, lợi suất trái phiếu chính phủ tăng, hàng hóa giảm và đồng USD tăng, điều này không tốt với chứng khoán Việt, song nhìn chung vĩ mô của Việt Nam vẫn rất ổn định và giàu tiềm năng tăng trưởng. Do đó, giới phân tích cho rằng, thị trường vẫn sẽ tích cực hơn trong giai đoạn cuối năm, nhưng nhà đầu tư cần xác định dòng tiền yếu, thị trường phân hóa và cơ hội sẽ tập trung ở những câu chuyện cụ thể của từng ngành, cổ phiếu.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư nên tập trung vào câu chuyện của doanh nghiệp trong những quý cuối năm, giảm tỷ trọng tại những doanh nghiệp triển vọng kém”, ông Nguyễn Anh Khoa khuyến nghị.

Tương tự, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS lưu ý nhà đầu tư đối với việc giao dịch ngắn hạn cũng như việc phân bổ tỷ trọng vào các cổ phiếu mua và nắm giữ. Đồng thời, đánh giá xem cổ phiếu nào nên là cổ phiếu giữ lâu hơn trong khi cổ phiếu nào cần giao dịch ngắn để đưa ra hành động linh hoạt.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu chưa đủ kinh nghiệm giao dịch thì việc mua và tích lũy một số lượng cổ phiếu ưa thích, định giá thấp với triển vọng kết quả kinh doanh quý III ấn tượng cũng là 1 giải pháp hợp lý. Bởi với những dự báo tích cực về lợi nhuận doanh nghiệp, kỳ vọng thị trường sẽ sôi động trở lại nhờ đón “sóng” kết quả kinh doanh.

“Xuống tiền” nhóm ngành nào?

Đến đây, một câu hỏi được nhiều người quan tâm, đó là những nhóm ngành nào sẽ được kỳ vọng trong thời gian tới? Nhiều chuyên gia cho rằng, một vài nhóm doanh nghiệp được nhận định có triển vọng tăng trưởng khả quan trong quý III.

Thứ nhất, phải kể tới nhóm cổ phiếu điện với mức độ phòng vệ lạm phát khá tốt, ít bị phụ thuộc vào chu kỳ kinh tế trong khi sản lượng tiêu thụ có dấu hiệu hồi phục sau dịch là những thông tin quan trọng để đầu tư vào nhóm này trong quý III. Chưa kể các thông tin về chính sách và quy hoạch điện cũng là những yếu tố cần chú ý khi đầu tư vào nhóm điện trong thời gian tới.

Thứ hai, nhóm ngành xây dựng dù vẫn có khó khăn, trở ngại do chi phí nguyên liệu tăng chóng mặt, nhưng vẫn là tăng trưởng tốt nếu so sánh trên nền lợi nhuận thấp cùng kỳ do phải đóng băng hoạt động, khi tiến độ thi công quý III/2021 bị đình trệ. Ngoại trừ nhóm thi công điện gió (do thời hạn hưởng giá ưu đãi FIT là 31/10/2021, nên các doanh nghiệp thi công điện gió phải đẩy nhanh tiến độ dự án).

Thứ ba, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu như thủy sản, dệt may dự báo sẽ có mức tăng trưởng cao trong quý III do nhu cầu vẫn ở mức cao. Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ ở hầu hết các thị trường chính.

Đồng thời, việc Trung Quốc quyết định sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm đông lạnh kỳ vọng sẽ giúp các lô hàng cá tra đông lạnh của Việt Nam sang thị trường này tăng trưởng hơn nữa trong những tháng cuối năm.

“Xuất khẩu cá tra trong quý III có thể chậm lại so với quý II trước khi phục hồi vào quý IV, nhưng vẫn duy trì được đà tăng trưởng 2 con số so với cùng kỳ”, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.

Thứ tư, nhóm hàng không là một trong những ngành hưởng lợi từ mùa cao điểm của các hoạt động du lịch sau giai đoạn gần như đóng băng do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Bên cạnh doanh nghiệp hàng không, bán buôn – bán lẻ, đặc biệt là nhóm bán lẻ không thiết yếu như trang sức, đồ điện tử… do giãn cách xã hội khiến phần lớn các cửa hàng phải đóng cửa, tạo ra mức nền thấp về lợi nhuận trong năm 2021 cũng là ngành được kỳ vọng.

“Nhóm bán lẻ không thiết yếu với kết quả kinh doanh quý III/2021 hầu như ở mức thấp do phải đóng bớt cửa hàng vì dịch Covid-19 sẽ có sự bứt phá mạnh trong năm nay khi các nhà bán lẻ đang tích cực gia tăng số lượng các sản phẩm mới”, ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco lưu ý.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcĐẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm và chứng khoán
Bài tiếp theoNhiều quy định mới tăng tính minh bạch của thị trường trái phiếu doanh nghiệp

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây