Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho rằng, trong câu chuyện lợi nhuận các tổ chức tín dụng cần phải nhìn đầy đủ các góc độ hoạt động tài chính – ngân hàng, chứ không thể chỉ nhìn vào con số bao nhiêu tỷ đồng.
Lợi nhuận tăng hai con số
Qua trao đổi với lãnh đạo các tổ chức tín dụng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng cho biết, kết quả hoạt động quý III về cơ bản là tốt. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong bối cảnh lãi suất huy động tăng từ đầu quý III, trong khi lãi suất cho vay hầu như không điều chỉnh và mức tăng không nhiều so với tốc độ tăng của lãi suất huy động.
Mặc dù một số ngân hàng công bố lợi nhuận, song các chuyên gia cho rằng, ngân đang phải đối mặt nguy cơ NIM giảm khi mặt bằng lãi suất huy động tăng liên tục suốt từ tháng 4/2022 đến nay, đặc biệt tăng rất mạnh trong vài tháng gần đây. Điều này khiến chi phí vốn càng bị đội lên.
Theo đó, giới phân tích cho rằng, lợi nhuận năm 2022 của khối ngân hàng sẽ rất khó có đột biến. Lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt vừa qua cùng với những thành viên đẩy mạnh được các nguồn thu ngoài lãi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng những ngân hàng đi trước, mạnh dạn số hoá đều có kết quả kinh doanh tốt hơn hẳn những ngân hàng chưa mạnh dạn đầu tư số hoá.
Với việc đẩy mạnh số hoá, có những ngân hàng ghi nhận CASA lên tới 40 – 50%. Tỷ lệ cao như vậy sẽ tạo nên sức mạnh tài chính cho các tổ chức tín dụng và đó cũng là yếu tố để các tổ chức tín dụng đảm bảo lợi nhuận trong bối cảnh lãi suất huy động tăng nhưng lãi suất cho vay vẫn ổn định hay điều chỉnh nhỏ giọt.
Nhận xét về tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng, ông Hùng cho rằng: “Bình thường và không đột biến”. Phân tích cụ thể ông nói: lợi nhuận của ngân hàng xét trên tổng thể vốn điều lệ và quy mô tài sản. Chẳng hạn, tài sản của một ngân hàng thương mại nhà nước đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng và lợi nhuận mười mấy nghìn tỷ đồng trên tổng số tài sản đó không phải là lớn.
Lợi nhuận tăng cao, ngân hàng nên giảm lãi vay?
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý IV/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiến hành mới đây cho thấy, 70,4 – 75,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh cải thiện hơn trong quý IV/2022.
Trong bối cảnh lợi nhuận ngân hàng tăng cao, nhiều chuyên gia cho rằng các ngân hàng thương mại cần phải có trách nhiệm chia sẻ với người vay vốn và nền kinh tế.
Liên quan đến câu chuyện lợi nhuận các tổ chức tín dụng, ông Hùng cho rằng cần phải nhìn đầy đủ các góc độ hoạt động tài chính – ngân hàng. Không thể chỉ nhìn vào con số lợi nhuận vài nghìn tỷ đồng mà bắt ngân hàng phải giữ nguyên lãi suất cho vay, hay không được tăng lãi suất cho vay, trong khi người dân gửi tiền thì đòi hỏi lãi suất huy động phải cao.
Hay như yêu cầu phải cho vay kể cả khi doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, làm sao tổ chức tín dụng có thể cố cho vay, bởi đến khi doanh nghiệp không trả được nợ, trách nhiệm tổ chức tín dụng lại gánh vác.
“Mọi hoạt động cần vận hành theo cơ chế thị trường chứ không thể lãi suất đầu vào liên tục tăng mà không tăng lãi suất cho vay. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ, các tổ chức tín dụng đang tiết giảm chi phí tối đa để đưa phần chi phí này vào hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp. Nghĩa là, các tổ chức tín dụng đang gồng gánh trong khả năng chịu đựng được”, ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, đến thời điểm ngân hàng không chịu đựng được thì buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động của ngân hàng. Nếu lãi suất đầu vào tiếp tục tăng thì lãi suất đầu ra không thể giữ nguyên.
Trong báo cáo gửi Ủy ban kinh tế Quốc hội mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng lý giải một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
Một là, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 kéo dài khiến kết quả kinh doanh sụt giảm, số lượng doanh nghiệp bị dừng hoạt động lớn, tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu cho hệ thống.
Hai là, phương án kinh doanh mới để khôi phục sản xuất – kinh doanh phụ thuộc nhiều yếu tố của thị trường, chính sách phát triển thị trường của các ngành, nhưng chưa bền vững.
Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, khó khăn về tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng càng khó khăn hơn do các nguyên nhân nội tại của doanh nghiệp nhỏ và vừa (tài sản đảm bảo có giá trị thấp, tính minh bạch của hoạt động kinh doanh hạn chế, trình độ quản lý kém…); các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn thông qua bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.