Cần “thưởng room tín dụng” cho ngân hàng giảm mạnh lãi suất vay

0
126

Ngân hàng được nới room cao nhất tới 17,4%

Sau cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng với 16 tổ chức tín dụng (TCTD), nhiều nhà băng đã được NHNN chính thức nới room tín dụng. Theo đó, trong đợt cấp tăng trưởng tín dụng lần 02 này, NHNN chấp thuận cho một số ngân hàng được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng cả năm lên tới 14-15%, thay vì mức cao nhất là 10-12% được cấp ban đầu.

Đối với MB – Ngân hàng TMCP Quân đội, theo đề nghị của ngân hàng đã được tăng từ 10,5% lên 15%. Hạn mức tăng trưởng tín dụng tại VPBank – Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng cũng được điều chỉnh từ 8,5% lên 12,1% cho cả năm 2021.

Big 4 có ngân hàng duy nhất là Vietcombank được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng từ 10% lên 14%. Sacombank được nới room tín dụng từ 6,5% lên 10,5%, Eximbank nâng chỉ tiêu tín dụng từ 6,5% lên 10%. Ba ngân hàng được nới room cao nhất là Techcombank nới room tín dụng từ 12% lên 17%, VIB từ 8,5% lên 14,1%, TPBank được nâng room tín dụng lên 17,4%…

Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, hầu hết các nhà băng được nới room tín dụng lần này đa phần là những ngân hàng đã đáp ứng tốt chuẩn Basel II, một số ngân hàngđã bước sang lộ trình Basel III. Những ngân hàng này cũng nằm trong nhóm ngân hàng có chính sách thiết thực trong việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Động lực để ngân hàng giảm mạnh lãi suất

Sau cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, nhiều nhà băng đã rục rịch giảm lãi suất. ACB cũng đã phát đi thông báo cho sẽ giảm lãi suất cho các khách hàng hiện hữu với mức tối đa 0,8%/năm cho khoản vay ngắn hạn và 1%/năm cho khoản vay trung dài hạn. Cùng với chính sách xem xét giảm lãi suất cho vay, ACB cũng triển khai thêm gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng với mức lãi suất tối thiểu 6%/năm cho doanh nghiệp và 7%/năm cho cá nhân.

Viet Capital Bank tiếp tục triển khai gói hỗ trợ quy mô 9.000 tỷ với lãi suất ưu đãi giảm đến 2%. Các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) sẽ được tiếp cận với gói hỗ này. Vietcombank sẽ tiếp tục triển khai nhiều chương trình lãi suất thấp đối với các khoản vay mới nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn từ nay đến cuối năm. Tổng số tiền lãi hỗ trợ khách hàng trong 06 tháng cuối năm 2021 dự kiến lên tới 4.000 tỷ đồng và cả năm 2021 là 6.100 tỷ đồng.

TPBank cũng đã thông báo giảm mạnh lãi suất cho vay với cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân nhằm đồng hành cùng khách hàng giai đoạn khó khăn do COVID-19. Cụ thể, nhà băng này sẽ giảm từ 0,5% – 1,2% lãi suất cho các khách hàng doanh nghiệp hoạt động gặp khó khăn bởi dịch bệnh. Tổng dư nợ được nhận hỗ trợ lãi suất của nhóm khách hàng này ước tính vào khoảng 18.188 tỷ đồng. Tổng số dư nợ hỗ trợ khách hàng chung lần này được TPBank ước tính gần 45 nghìn tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, rất khó kỳ vọng về một làn sóng giảm sâu, giảm rộng lãi suất cho vay, song doanh nghiệp vẫn mong sẽ có thêm nhiều ngân hàng giảm lãi suất. Thực tế, dư địa giảm thêm lãi suất của các ngân hàng vẫn còn. Chính vì vậy, việc các ngân hàng giảm biên lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, thì theo tính toán, với quy mô tín dụng toàn nền kinh tế hiện trên 10 triệu tỷ đồng, nếu ngân hàng giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay, doanh nghiệp sẽ có thêm hàng chục ngàn tỷ đồng để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

Năm 2020, dù NHNN nhiều lần giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm ở mức nhất định, tập trung vào một số gói tín dụng ưu đãi, chứ không giảm đồng loạt. Thực tế, việc giảm lãi suất là không hề dễ. Với ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP), NHNN không thể can thiệp, bởi quyền này thuộc về ĐHĐCĐ ngân hàng. Ngoài ra việc giảm lãi suất sẽ tác động ngay đến “nồi cơm” – ở đây là lợi nhuận của ngân hàng.

Có thể nói, bên cạnh việc vận động các TCTD giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng, NHNN và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đều khuyến cáo, các nhà băng phải cân nhắc mức giảm dựa trên cơ sở năng lực tài chính của mình. Nếu sức khỏe hệ thống ngân hàng không tốt, nợ xấu cao thì ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Do vậy, để ngân hàng có động lực giảm thêm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch các chuyên gia kiến nghị, Chính phủ và NHNN cần tạo thêm dư địa giúp hệ thống này giảm thêm lãi suất. Theo đó, có thể ban hành cơ chế “thưởng room” tăng tín dụng cho những ngân hàng chịu giảm mạnh lãi suất cho vay, còn dư địa tăng trưởng; tạo cơ chế khoanh nợ với các khoản vay chịu ảnh hưởng nặng do đại dịch COVID-19…

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcCách sửa chữa Microsoft Edge trên Windows 10
Bài tiếp theoXử lý sàn Forex “trá hình” lắm cạm bẫy, đầy sức hút

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây