Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp

0
148

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam vừa tổ chức họp với 16 tổ chức tín dụng (TCTD) là các hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021 theo chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú.

Theo đó, 16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, đợt giảm lãi suất này sẽ tập trung vào các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời hạn thực hiện giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021. 

Tại cuộc họp, ông Phạm Quang Thắng, Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ: ngành Ngân hàng nói chung và Techcombank đã tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng rất nhiều theo chỉ đạo chung của Chính phủ và của ngành Ngân hàng. Techcombank cũng tích cực tái cơ cấu, giãn nợ, đảm bảo nguồn tín dụng để khách hàng có đủ dòng tiền trong kinh doanh ở thời điểm khó khăn.

Gói tín dụng hỗ trợ lãi suất của MSB nhằm giúp các doanh nghiệp Dược – Y tế có thêm nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh năm 2021 và cũng là Gói tín dụng MSB triển khai nhằm thực hiện chủ trương giảm lãi suất, khơi thông nguồn vốn, hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Các ngân hàng nhỏ như SaiGonBank cũng tung “Gói tín dụng 900 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm”, giảm 2% so với mức lãi suất cho vay tương ứng áp dụng hiện hành của SaiGonBank; được kéo dài đến hết ngày 31/8/2021. BacABank triển khai Gói tín dụng 3.000 tỷ đồng, ưu đãi lãi suất vay chỉ từ 6,8%/năm dành cho khách hàng có khế ước nhận nợ dưới 6 tháng và chỉ từ 7,3%/năm dành cho khế ước nhận nợ 6 tháng.

Hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, Eximbank đã triển khai chương trình xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ. PGBank triển khai chương trình “PGBank đồng hành cùng cán bộ, nhân viên Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ” với lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 5,5%/năm. SCB chính thức triển khai Gói sản phẩm S-Digital giúp khách hàng được hưởng hạn mức giao dịch online cao; được hoàn phí thường niên trọn đời; được miễn nhiều loại phí cùng ưu đãi đến 50% cho các khóa học Digital Marketing và nhiều đối tác thuộc lĩnh vực khác.

SeABank, MSB và SHB đã cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines vay với tổng số tiền là 4 ngàn tỉ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Tổng Giám đốc TPBank, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, quốc gia rất cần “một người khỏe” và đó là ngân hàng, nếu ngân hàng yếu thì nền kinh tế sẽ yếu. Dù vậy, các ngân hàng luôn sẵn sàng chia sẻ khó khăn, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Với tổng dư nợ đang vào khoảng 350 nghìn tỷ đồng, ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Sacombank cũng cho rằng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5-6 tháng thì lợi nhuận của ngân hàng cũng giảm trên nghìn tỷ đồng, tương đương với 40% lợi nhuận theo kế hoạch. Mặc dù vậy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, Sacombank cũng sẽ thực hiện giảm lãi suất cho những đối tượng thực sự khó khăn.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Thành viên Hội đồng thành viên Agribank cho biết, ngay sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước về triển khai Nghị quyết số 63/NQ-CP, ngân hàng đã họp và thống nhất giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp. Dự kiến, tính trung bình, lãi suất cho vay của Agribank sẽ giảm khoảng 1%”. Đại diện BIDV cũng cho biết, giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của BIDV trong năm 2021 cũng sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Đại diện Ngân hàng MB chia sẻ thêm, trước mắt, MB sẽ hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp gặp khó khăn không có doanh thu hoặc doanh thu giảm (ví như doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, dịch vụ…) với mức lãi suất có thể giảm 1%/năm hoặc hơn, đối tượng được hỗ trợ lãi suất tiếp theo là sản xuất và khách hàng cá nhân (đối tượng trả góp từ lương)…

Tại cuộc họp, các ngân hàng đã thống nhất, việc giảm lãi suất sẽ hướng đến các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tùy theo đối tượng bị ảnh hưởng, các ngân hàng sẽ có mức giảm lãi suất phù hợp. Thời gian giảm lãi suất sẽ thực hiện sớm trong tháng 7 cho đến hết năm 2021.

Tính đến hiện tại, Vietcombank đã hỗ trợ được 27.450 khách hàng doanh nghiệp và 332.720 khách hàng cá nhân với tổng doanh số cho vay mới là 1.682 ngàn tỷ đồng. Tổng số tiền lãi giảm trong năm 2020 là 3.260 tỷ đồng và trong đầu năm 2021 là 1.400 tỷ đồng. Trong năm 2020 và đầu năm 2021, Vietcombank đã liên tục triển khai 06 đợt giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị ảnh hưởng bởi lũ lụt miền Trung và chương trình tri ân hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Vietcombank – cho biết ngân hàng được giao chỉ tiêu tín dụng là 10% nhưng đến nay tín dụng đã tăng trưởng 9%. Do vậy, để tiếp tục hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn hiện nay, Vietcombank rất cần được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng trong những tháng cuối năm.

Nới room tín dụng trong những tháng cuối năm cũng là điều được các ngân hàng tham dự cuộc họp như BIDV, SHB, TPBank, LienVietPostbank… kiến nghị. Theo các ngân hàng, việc được Ngân hàng Nhà nước cho phép nới room tín dụng sẽ giúp các ngân hàng có thêm điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn.

Đại diện nhiều ngân hàng cho rằng, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn nhưng các ngân hàng vẫn phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất. Bởi lẽ, các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành Ngân hàng sẽ có độ trễ rất lớn.

“Hiện tại ngành Ngân hàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nhưng trong tương lai khi nợ xấu do đại dịch Covid-19 gây ra, ai sẽ chia sẻ với ngành Ngân hàng. Do vậy, hỗ trợ phải trên tinh thần đảm bảo an toàn hệ thống”, ông Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ quan điểm.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trướcLãi suất cho vay có thể giảm theo diện rộng?
Bài tiếp theoCục Thuế Quảng Ninh tăng 3 bậc về xếp hạng Chỉ số SIPAS

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây