Bộ Tài chính yêu cầu tập trung triển khai giảm thuế bảo vệ môi trường

0
130

Trước đó, tại Công văn số 6622/BTC-CST, Bộ Tài chính cho biết, ngày 06/7/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7/2022 (thay thế Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 ngày 23/3/2022 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).

Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15, Bộ Tài chính yêu cầu Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan chỉ đạo các Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15; chỉ đạo các đơn vị có liên quan đảm bảo hệ thống quản lý thuế, phần mềm ứng dụng hỗ trợ kê khai thuế bảo vệ môi trường theo mức thuế quy định tại Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 để người nộp thuế kê khai thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được thuận lợi, đúng quy định.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tuyên truyền, phổ biển đến các tổ chức, cá nhân có liên quan và triển khai thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 kể từ ngày 11/7/2022.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để được nghiên cứu, giải quyết.

Cùng ngày, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6624/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương về việc triển khai Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, căn cứ Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và các quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP thì giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước.

Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ tác động làm giảm chi phí cấu thành trong giá bán xăng dầu, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội, góp phần ổn định thị trường xăng dầu trong nước, kiềm chế lạm phát trong bối cảnh hiện nay.

Để bảo đảm tính đồng bộ khi triển khai Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo, giám sát các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu triển khai việc thực hiện điều chỉnh giảm giá bán xăng dầu tương ứng với giảm thuế bảo vệ môi trường, bao gồm các mặt hàng không điều hành qua giá cơ sở.

Tại Văn bản số 4280/VPCP-KTTH, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai ngay Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.

Theo đó, thực hiện kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Thông báo số 1265/TB-TTKQH ngày 07/7/2022 về dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và xét đề nghị của Bộ Tài chính về triển khai thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức triển khai ngay Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 06/7/2022, đảm bảo phát huy hiệu quả chính sách.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) để thực hiện giảm thuế nhập khẩu ưu đãi MFN đối với sản phẩm xăng một cách phù hợp nhằm đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường trong nước.

Khẩn trương nghiên cứu các nội dung liên quan đến thuế giá trị gia tăng và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng, dầu để trình Quốc hội xem xét, quyết định phù hợp trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn giữ ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng nền kinh tế.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện các nhiệm vụ trên theo đúng ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Thông báo số 57/TB-VPCP ngày 16/6/2022, Công văn số 2179/VPCP-KTTH ngày 1/7/2022 và Công văn số 2272/VPCP-KTTH ngày 7/7/2022.

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu để có thể bổ sung chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng bị tác động trực tiếp và gặp nhiều khó khăn do giá xăng, dầu tăng cao như ngư dân đánh bắt thủy sản, ngành vận tải, người nghèo, người thu nhập thấp….

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại các yếu tố khác cấu thành trong giá cơ sở của giá xăng, dầu theo các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết về chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV để trong điều hành có thêm dư địa giảm giá xăng, dầu trong nước.

Đánh giá post
Bài viết có tài trợ
Bài trước“Thận trọng nếu phá giá VND”
Bài tiếp theoCó nên xuống tiền mua bất động sản “cắt lỗ”?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây