Tham dự buổi tiếp, về phía IFAD, có Bà Reehana R.Raza – Tân Giám đốc phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IFAD; Ông Nigel Brett – Nguyên Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của IFAD nhiệm kỳ 2018-2022. Về phía Bộ Tài chính, có sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.
Kể từ năm 1993 đến nay, IFAD tài trợ cho Việt Nam 19 dự án với tổng vốn vay là 414,54 triệu USD và 19,5 triệu USD vốn viện trợ. Các dự án của IFAD tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, phát triển các chuỗi giá trị kết nối doanh nghiệp, tư nhân cùng tham gia, giúp thúc đẩy xuất khẩu.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn cho biết, các dự án của IFAD tại Việt Nam đã đưa ra sáng kiến đổi mới tại nông thôn, bao gồm việc lập kế hoạch với định hướng thị trường, hoạt động phát triển chuỗi giá trị, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, các nhóm nông dân và tổ chức nông thôn nhằm đảm bảo các hộ gia đình nông thôn nghèo được hưởng lợi từ thị trường. Các dự án đã chứng tỏ được hiệu quả khi được IFAD đánh giá Việt Nam là một trong các bài học thành công về giảm nghèo, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Từ ngày 1/1/2018 IFAD đã cho Việt Nam tốt nghiệp vay ODA, chuyển sang vay ưu đãi theo điều kiện vay IBRD với thời gian đáo hạn tối đa là 35 năm và thời gian ân hạn tối đa là 10 năm, lãi suất thả nổi Libor/Eurior 6 tháng cộng với chênh lệch biến động hoặc cố định.
Từ ngày 01/01/2022, khoản vay của IFAD áp dụng giống khoản vay của WB và ADB khi chuyển lãi suất thương mại tham chiếu từ LIBOR sang SOFR (lãi suất cho vay qua đêm có bảo đảm) đối với khoản vay bằng đồng USD.
Nhấn mạnh trong buổi tiếp, Thứ trưởng đánh giá cao nỗ lực của IFAD trong việc thiết kế lại khoản vay, để Việt Nam có thể tận dụng được vốn vay IFAD và sử dụng vốn vay một cách hiệu quả nhất. Đồng thời, hai bên phải cùng nhau xác định các định hướng hợp tác mới phù hợp hơn, giảm các thủ tục phê duyệt khoản vay từ hai Bên.
“Chúng tôi mong phía IFAD phối hợp cùng Bộ Tài chính nghiên cứu các điều kiện vay hợp lý để giảm chi phí vay và lãi suất biên. Đồng thời, mong muốn phía IFAD tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tìm kiếm nguồn viện trợ, đồng tài trợ cho các dự án của IFAD dành cho các lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn thấp như nông nghiệp, phát triển nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu ở các khu vực dễ bị tổn thương”, Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn khẳng định.
Vấn đề hợp tác giữa Việt Nam – IFAD giai đoạn 2022-2024 cũng được hai bên đề cập đến trong buổi làm việc. Theo Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, Chính phủ Việt Nam đề nghị thời gian tới, Quỹ IFAD tiếp tục ưu tiên tài trợ vốn ODA cho vùng núi, đồng bào dân tộc, vùng có tỷ lệ nghèo cao. Phía Việt Nam sẽ phối hợp với IFAD để xây dựng các dự án/chương trình đáp ứng ưu tiên của Quỹ IFAD cũng như định hướng chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng tới Bà Reehana R.Raza trên cương vị mới sẽ đạt được nhiều thành công, đồng thời đề nghị Bà tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong huy động vốn vay mới, đồng hành hỗ trợ các dự án hoàn thành mục tiêu đề ra.
Thay mặt IFAD, Bà Reehana R.Raza gửi lời cảm ơn Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn vì sự tiếp đón chu đáo, nồng hậu, đồng thời, chia sẻ rằng Việt Nam là một nước thành viên tích cực của Quỹ khi cam kết góp vốn cho 11 kỳ IFAD với tổng số tiền 3.917.793 USD và tiếp tục cam kết góp vốn kỳ IFAD thứ 12 (2022-2024) là 600.000 USD.
Bà Reehana R.Raza cũng khẳng định, thời gian tới, Việt Nam và IFAD sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để hoàn thành những mục tiêu mà hai bên cùng đề ra. Theo đó, Chính phủ Việt Nam và Quỹ IFAD phối hợp xem xét lựa chọn tài trợ cho vùng núi, đồng bào dân tộc, vùng có tỷ lệ nghèo cao, đáp ứng các ưu tiên phát triển, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.